Theo tạp chí Fortune, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Apple là một sự kiện đặc biệt trong suốt hàng chục năm qua.
Khi công ty máy tính đến từ thành phố Cupertino (bang California) bắt đầu giao dịch trên Nasdaq vào ngày 12/12/1980, đây là đợt IPO lớn nhất kể từ khi hãng xe hơi Ford Motor Company lên sàn vào năm 1956.
Tờ Wall Street Journal từng viết, “kể từ câu chuyện Adam và Eva, chưa có một Apple nào tạo ra sức cám dỗ như vậy”. Ở đây, người viết đã cố tình chơi chữ giữa apple (quả táo) và Apple (tên nhà sản xuất iPhone).
Nhận định của Wall Street Journal là hoàn toàn phù hợp. Apple hiện là công ty giá trị nhất thế giới và cũng là doanh nghiệp đầu tiên chạm mức vốn hoá 3.000 tỷ USD vào năm 2022.
Trước đó, Apple cũng xác lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu khác khi gã khổng lồ công nghệ này trở thành công ty Mỹ đầu tiên vượt qua ngưỡng vốn hoá 1.000 tỷ USD vào năm 2018.
Những người đặt cược vào thành công của Apple 44 năm trước - và thậm chí là muộn hơn - đều đã được đền đáp xứng đáng.
Nếu một người chi 10.000 USD mua cổ phiếu cổ phiếu Apple khi công ty lên sàn với giá 22 USD/cp, khoản đầu tư giờ sẽ giá trị khoảng 32,7 triệu USD (tính theo tỷ giá hiện tại), Fortune tính toán dựa trên dữ liệu từ S&P Capital IQ.
Phân tích của Fortune đã bao gồm 5 lần chia tách cổ phiếu của Apple và giả định nhà đầu tư tái đầu tư tất cả cổ tức trong 44 năm qua. Giá cổ phiếu được lấy dựa trên mức chốt phiên 11/12.
So với thị trường chứng khoán Mỹ nói chung, mức tăng của Apple rất ấn tượng. Kể từ tháng 11/1982, thời điểm sớm nhất mà Bloomberg bắt đầu thu thập dữ liệu, cổ phiếu Apple ghi nhận tổng tỷ suất sinh lời hàng năm là 20%.
Để so sánh, tổng tỷ suất sinh lời của S&P 500 trong cùng khoảng thời gian là 12%. Điều đó cho thấy trung bình mỗi năm, cổ phiếu Apple tăng trưởng nhanh gấp đôi chỉ số S&P 500.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ông lớn công nghệ này đặc biệt ngoạn mục. Kể từ khi ra mắt iPhone vào tháng 1/2007, tỷ suất sinh lời trung bình mỗi năm của Apple đạt 24%, so với 10% của S&P 500.
Trong bối cảnh giá Apple tăng trưởng đặc biệt tốt, ngay cả các nhà đầu tư mua cổ phiếu nhiều thập kỷ sau khi công ty lên sàn cũng gặt hái lợi nhuận khổng lồ.
Trong đó phải kể đến huyền thoại Warren Buffett, người đã đặt cược hơn 40 tỷ USD vào Apple kể từ năm 2016. Nhờ đó, Buffett đã mang lại lợi nhuận vượt trội cho các cổ đông của Berkshire Hathaway, nơi ông đang nắm vai trò Chủ tịch kiêm CEO.
Tại thời điểm cuối năm ngoái, số cổ phiếu Apple mà Berkshire nắm giữ có giá trị khoảng 174,3 tỷ USD. “Nhà hiền triết xứ Omaha” đã bán hơn hai phần ba cổ phiếu Apple kể từ đó.
Tuy nhiên, Berkshire hiện vẫn còn khoảng 300 triệu cổ phiếu Apple, trị giá khoảng 74 tỷ USD tính đến thời điểm cuối quý III năm nay. Apple vẫn là vị thế lớn nhất trong danh mục đầu tư cổ phiếu của Berkshire.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire hồi tháng 5, Buffett dự đoán thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn trong tương lai. Ông nói bán cổ phiếu Apple là một cách để Berkshire chốt lãi ở mức thuế suất ưu đãi hơn.
Fortune đánh giá ván cược của Buffett vào Apple có thể được coi là một trong những thương vụ tốt nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của huyền thoại đầu tư đã 94 tuổi.
Và đối với những ai nắm giữ cổ phiếu Apple lâu hơn nữa, ngày 12/12/2024 là một ngày kỷ niệm đáng để ăn mừng.
Hôm 13/12, Quốc hội Moldova đã bỏ phiếu thông qua tình trạng khẩn cấp do lo ngại về mối đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của nước này nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Trung Quốc đã xác định mục tiêu hàng đầu trong năm 2025 là đẩy mạnh nâng cao tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư, mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước.
Quỹ từ thiện của tỷ phú Elon Musk đã không quyên góp đủ số tiền theo quy định trong năm thứ ba liên tiếp. Và con số thiếu hụt của năm nay không hề nhỏ.
Theo huyền thoại đầu tư Warren Buffett, một nhà lãnh đạo tồi tệ là mối nguy lớn nhất đối với mọi doanh nghiệp.