BYD giảm giá xe điện: Áp lực lan tỏa đến thị trường cao su toàn cầu

Việc Tập đoàn xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD cắt giảm mạnh giá xe đã gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường cao su tự nhiên toàn cầu, kéo theo giá cao su giảm mạnh.

Tập đoàn xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD mới đây thông báo giảm giá tới 34% cho 22 mẫu xe của hãng. Trong tháng 5, doanh số xe của BYD đạt 382.476 chiếc, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mức tăng này thấp hơn so với mức tăng trên 20% của tháng 4.

Giới phân tích lo ngại rằng việc BYD giảm giá có thể tạo ra làn sóng giảm giá lan rộng trong ngành xe điện và hybrid. Từ đó, giá các linh kiện đầu vào như lốp xe có thể sẽ bị điều chỉnh theo.

Đây là mối lo lớn đối với thị trường cao su tự nhiên – nguyên liệu chiếm khoảng 70% trong sản xuất lốp xe. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ cao su tổng hợp như butadiene – cũng dùng trong lốp, ống cao su và các chi tiết kỹ thuật khác đang chứng kiến xu hướng giảm giá tương tự.

Thị trường cao su ngay lập tức phản ứng trước tin tức từ BYD, theo đó, giá hợp đồng cao su thiên nhiên kỳ hạn trên sàn Osaka (Nhật Bản) ngày 3/6 giảm 4% xuống còn 280 yên/kg (khoảng 2 USD) – mức thấp nhất kể từ tháng 2. Giá cao su trên sàn Thượng Hải cũng giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 13.300 nhân dân tệ/tấn (khoảng 1.850 USD).

Nikkei Asia dẫn lời một lãnh đạo bộ phận kinh doanh của công ty Yutaka Trusty Securities (Nhật Bản) cho rằng, mức giá cao su hiện tại quanh ngưỡng 2 USD/kg, và xu hướng sắp tới sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Áp lực giảm giá còn đến từ yếu tố mùa vụ, khi mùa khô tại Đông Nam Á kết thúc và sản lượng cao su bước vào giai đoạn tăng trở lại từ tháng 6. Trong bối cảnh giá thế giới giảm, Trung Quốc vẫn đang giữ vị trí là nước nhập khẩu cao su lớn nhất toàn cầu.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4, nước này nhập khẩu 706.123 tấn cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005), tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng nhập khẩu đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 5,79 tỷ USD, tăng lần lượt 22% và 50,7% so với cùng kỳ năm 2024.

 Nguồn cung cao su các loại cho thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2025 

 Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Anh Tuấn tổng hợp)

Thái Lan tiếp tục là nhà cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc, với 1,07 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm, chiếm 36,4% thị phần, tăng 31,7% về lượng và 72,5% về trị giá.

Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai, xuất khẩu 417.809 tấn, trị giá 801,8 triệu USD, giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 25% về trị giá. Thị phần của Việt Nam tại thị trường này giảm từ 18,9% xuống còn 14,2%.

Trong khi đó, nhập khẩu cao su từ các thị trường khác như Nga, Bờ Biển Ngà và Hàn Quốc đều tăng mạnh. Nga xuất khẩu sang Trung Quốc 271.927 tấn (tăng 32%), Bờ Biển Ngà đạt 177.877 tấn (tăng 55,4%), và Hàn Quốc đạt 139.027 tấn (tăng 18%). Ngược lại, Malaysia và Việt Nam là hai thị trường ghi nhận sụt giảm về lượng xuất khẩu.
 

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá phân bón ngày 16/6: Phân NPK 20 - 20 - 15 TE dao động ở mức cao

Theo khảo sát, giá phân bón hôm nay (16/6) tiếp tục đà đi ngang trên thị trường cả nước. Trong đó, phân NPK 20 - 20 - 15 TE Bình Điền có giá bán khoảng 890.000 - 930.000 đồng/bao.

Giá cao su hôm nay 16/6: Dao động trong biên độ hẹp

Giá cao su tự nhiên biến động trái chiều tại các sàn lớn châu Á, trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ-Trung cải thiện nhưng lo ngại nguồn cung tăng trở lại sau mùa thấp điểm từ tháng 2 tới tháng 5. .

Giá xăng dầu hôm nay 16/6: Tăng hơn 1% vì căng thẳng Israel - Iran dấy lên lo ngại nguồn cung

Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (16/6), sau khi Israel và Iran tiến hành các cuộc tấn công mới vào Chủ nhật, làm gia tăng lo ngại rằng cuộc xung đột leo thang có thể dẫn đến một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn.

Giá thép hôm nay 16/6: Xu hướng giảm nhẹ

Giá thép thanh và quặng sắt kỳ hạn tiếp tục đi xuống với biên độ nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần.