Kinh doanh & Thị trường 11/01/2025 07:48

Chủ tịch GPInvest: Nhiều dự án bất động sản đang ách tắc bởi khâu định giá đất

Chủ tịch GPInvest Nguyễn Quốc Hiệp vừa chỉ ra những bất cập trong khâu định giá đất đang gây ra ách tắc cho thị trường bất động sản.

(Ảnh tư liệu minh hoạ: Hạ Vũ). 

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến ngày 2/1/2025, đã có 25 địa phương ban hành bảng giá đất mới, áp dụng đến hết năm 2025.

Đơn vị này nhận định, 2025 được xem là năm chuyển giao quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình trong việc áp dụng bảng giá đất mới, mang theo kỳ vọng sẽ góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững. Qua đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở hơn.          

Tại hội thảo do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức ngày 10/1, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GPInvest cho rằng, việc áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 đang là vấn đề nóng hiện nay.  

"Sau khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, chúng ta đều đánh giá rằng đã có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các hoạt động trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có một số vấn đề hạn chế, một trong số đó là định giá đất - vấn đề đang gây ra ách tắc rất lớn.

Hiện nay chúng tôi có 1 dự án đã có quyết định giao đất cách đây 9 tháng, đến nay vẫn chưa định được giá đất. Thế nhưng, 9 tháng của chúng tôi chưa phải là nhiều vì có dự án của doanh nghiệp khác 2 năm chưa định giá đất, thậm chí có dự án nhà xây xong vẫn chưa định được giá đất. Điều này đang gây ra rất nhiều bất cập".

Theo ông Hiệp, Nghị định 71 đã cải tiến hơn so với Nghị định 12. Nếu theo Nghị định 12 thì giá đất không thể tính được, vì áp dụng phương pháp thặng dư thì doanh nghiệp phải mất rất nhiều chi phí đầu vào. Mặc dù vậy, Nghị định 71 khi được áp dụng vẫn có những hạn chế.

"Trong Luật có nói phần chi phí hạ tầng được Sở Xây dựng địa phương kiểm tra dự toán xác nhận thì được thanh toán theo. Nhưng không ai làm được điều này mà chỉ tính theo suất đầu tư.

Ví dụ suất đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng là 960.000 đồng/m2, nhưng dự án chúng tôi là hạ tầng tốt, đẹp nên lên đến 2,4 triệu đồng/m2, dù vậy chi phí hạ tầng vẫn chỉ được tính 960.000 đồng/m2.

Chưa kể, doanh nghiệp làm bất động sản có muôn vàn chi phí vô hình, chi phí phát sinh không được tính đúng, tính đủ. Đó là một vấn đề mà tôi cho là Nghị định 71 còn chưa phù hợp", lãnh đạo GPInvest nêu. 

Bên cạnh đó, còn một quy định khác tại Nghị định 71 được ông Hiệp cho biết đang gây khó khăn, đó là định giá đất dựa vào tài sản đấu giá gần nhất. Theo ông, lấy tài sản đấu giá gần nhất để so sánh với một dự án là không phù hợp. Việc doanh nghiệp triển khai một dự án 50 ha khác với đấu giá một lô đất 200 ha bởi mức đầu tư cho một dự án đồng bộ, hoàn thiện là rất lớn. 

Chủ tịch GPInvest Nguyễn Quốc Hiệp. (Ảnh: Reatimes).  

Ngoài ra, một vấn đề nữa được ông Hiệp lo ngại là giá đất lên cao sẽ ảnh hưởng đến đến sức hút đầu tư của Việt Nam. Vị này chỉ ra 3 lý do giúp "các cụm công nghiệp của nước ta hiện nay ở đâu cũng 80 - 90% tỷ lệ lấp đầy", bao gồm chi phí nhân công rẻ, chi phí đất đai hợp lý và logistics thuận lợi.

"Tuy nhiên, nếu hiện tại bớt đi một yếu tố là đất đai, trong khi nhân công ngày càng đắt lên thì lợi thế thu hút đầu tư của chúng ta còn không? Việt Nam có còn là điểm sáng đầu tư của Đông Nam Á nữa không?

Trong Luật Đất đai đã nói rõ nguyên tắc: “Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”. Nhưng trong cách tính giá đất hiện nay chưa tính đến lợi ích của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sử dụng thuê đất và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.

Tôi lấy ví dụ có trường hợp trong 1 năm, nhận quyết định giao đất ở trong cùng một khu vực, cùng một thửa đất cách nhau 4 tháng, giá đất tăng 40%, nhanh hơn cả tốc độ lạm phát.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn cụ thể hơn cho các địa phương trong việc xác định giá đất, đặc biệt là cách tính giá dựa trên phương pháp thặng dư, bởi các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khi giá đất tăng cao và dẫn đến tâm lý ngại làm dự án, từ đó hạn chế nguồn thu bền vững cho địa phương", theo ông Hiệp.

Di Anh
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 23/01/2025 07:40
[Infographic] Những tuyến đường đắt đỏ nhất huyện Thanh Trì, TP Hà Nội

Theo bảng giá đất mới vừa được Hà Nội công bố, giá đất cao nhất tại huyện Thanh Trì thuộc đường Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều), Nghiêm Xuân Yêm (đoạn qua xã Tân Triều và đoạn từ Cầu Dậu đến hết xã Thanh Liệt) và Phạm Tu có mức cao nhất 116,9 triệu đồng/m2 (tăng 3,6 - 6,2 lần so với bảng giá đất cũ).

Kinh doanh & Thị trường 23/01/2025 07:27
CEO 30Shine kể chuyện từ bỏ công nghiệp hoá tay nghề stylist, khẳng định không phải cứ có tiền là mua được nhượng quyền

Chiều cuối năm, không khí tất bật khép lại một năm dài, nhiều người thường tranh thủ chăm chút lại bản thân để bước vào hành trình mới. Vậy nên, những ngày này, không gì thú vị hơn khi được trò chuyện cùng Nguyễn Huy Hoàng – CEO 30Shine, chuỗi salon tóc nam lớn nhất Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ gắn bó với ngành tóc, Hoàng và cộng sự đã không ngừng tìm kiếm sự cân bằng giữa tay nghề của người thợ tóc Việt và những tham vọng lớn trong công nghệ. Điều gì khiến anh từ bỏ ý định công nghiệp hóa, và đâu là triết lý đằng sau chiến lược nhượng quyền không phải ai có tiền cũng mua được? Cùng lắng nghe những chia sẻ từ vị thuyền trưởng của 30Shine.

Kinh doanh & Thị trường 23/01/2025 07:26
Những chiêu lừa online nở rộ dịp gần Tết

Lừa đổi tiền lì xì, tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao", tour du lịch xuân, mua vé tàu xe... đang rộ trở lại những ngày qua.

Kinh doanh & Thị trường 23/01/2025 07:23
Pháo hoa 'cháy hàng', giá tăng gấp đôi

Các tiểu thương trên chợ mạng đang hét giá pháo hoa không tiếng nổ của Nhà máy Z121 gấp gần hai lần mức niêm yết.