EVFTA giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu tại thị trường xuất khẩu

Theo các chuyên gia, khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc, định vị thương hiệu và phát triển sản phẩm ở nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới.

Tại hội thảo Đánh giá tình hình tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một số FTA khác và kiến nghị giải pháp diễn ra chiều 25/11, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu (EU).

Theo ông Bình, trước đây, khi Hiệp định chưa ký kết, gạo Việt Nam đã vào EU nhưng với thuế suất rất cao 5 - 45% tuỳ quốc gia nhập khẩu gạo. Do đó, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với gạo của Campuchia, Lào, Myanmar,… vì những quốc gia này được EU đặc cách miễn thuế dù không có hiệp định.

"Riêng với gạo Thái Lan, dù cũng bị đánh thuế nhập khẩu nhưng họ có thương hiệu gạo mạnh và lâu năm, thế giới khi nghe đến gạo Thái Lan người ta tin dùng ngay. Chính vì thế khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt, nhất là trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc, định vị thương hiệu", ông Bình cho biết.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo Đánh giá tình hình tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một số FTA khác và kiến nghị giải pháp diễn ra chiều 25/11. (Ảnh: Như Huỳnh)  

Cũng theo các doanh nghiệp, dù mang lại nhiều lợi ích và ngày càng nhận thức tốt hơn về các FTA, tuy nhiên nhiều đơn vị còn gặp khó khăn khi tiếp cận, tận dụng các lợi thế từ hiệp định do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu định vị thương hiệu tại thị trường các FTA...  

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, tăng đáng kể so với mức 46,8% hồi năm 2016.

Cùng với đó, mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA cũng tăng lên khi có 26,1% doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA, trong khi năm 2016 chỉ đạt 12,6%. Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm cũng như tạo cơ sở để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA này.

Tuy vậy, mức độ hiểu biết này vẫn còn hạn chế và phân hóa giữa các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, mức độ hiểu biết về FTA giảm dần từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về nguồn lực và năng lực.   

Do đó, trong thời gian tới, để tận dụng tốt các FTA, tăng khả năng xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho rằng các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại. 

Còn theo ông Phạm Thái Bình, khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường "khó tính", doanh nghiệp phải chọn lọc sản phẩm để xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh, EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Thực tế cho thấy, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường này mà còn có các điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu, sản phẩm ở các thị trường khác trên thế giới. 

Như Huỳnh
CÙNG CHUYÊN MỤC
[Báo cáo] Thị trường gạo quý I/2024: Xuất khẩu gạo thiết lập kỷ lục mới

Trong quý I, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục gần 2,2 triệu tấn với trị giá thu về 1,4 tỷ USD. Tại trong nước, mặc dù có sự điều chỉnh giảm trong những tháng đầu năm nhưng giá lúa gạo vẫn đang cao hơn 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái

TP HCM tạm giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý thị trường TP HCM vừa kiểm tra và tạm giữ nhiều vàng, trang sức vi phạm trị giá gần nửa tỷ đồng.

Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất vào Mỹ

Nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới đang tăng trở lại sau khi sụt giảm vào năm ngoái. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp lớn nhất với thị phần chiếm đến 79% dung lượng thị trường.

Dâu tây Sơn La mất mùa, người trồng vẫn lãi cao

Mùa dâu tây Mộc Châu (Sơn La) năm nay bị ảnh hưởng thời tiết, sản lượng giảm mạnh nhưng nhờ giá tăng, nông dân vẫn có lãi.