Kinh tế Quốc tế 01/02/2023 11:46

Hầu hết doanh nghiệp phương Tây vẫn chưa rời khỏi thị trường Nga

Theo nghiên cứu mới đây của Đại học St. Gallen, trong giai đoạn từ khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2 tới tháng 11/2022, chỉ khoảng 9% doanh nghiệp đến từ EU và G7 đã thoái vốn khỏi công ty con tại Nga.

CNBC cho biết, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, các doanh nghiệp phương Tây lần lượt công bố kế hoạch ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây của Đại học St. Gallen, đến cuối năm 2022, rất ít doanh nghiệp thực hiện đầy đủ lời hứa trên.

Báo cáo của đại học này tiết lộ có 2.405 công ty con, thuộc sở hữu của 1.404 doanh nghiệp đến từ Liên minh châu Âu (EU) và G7 hoạt động tại Nga vào lúc xung đột nổ ra.

Đến tháng 11/2022, chưa đến 9% doanh nghiệp đã thoái vốn khỏi công ty con ở Nga. Tốc độ thoái vốn trong quý IV/2022 cũng không thay đổi so với những giai đoạn trước đó.

Nghiên cứu cho biết các doanh nghiệp được xác nhận đã rút lui chiếm 6,5% tổng lợi nhuận trước thuế của tất cả công ty EU và G7 có hoạt động thương mại ở Nga, 8,6% tài sản cố định hữu hình, 8,6% tổng tài sản, 10,4% doanh thu hoạt động và 15,3% tổng nhân viên.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này cho thấy “trung bình, các doanh nghiệp rút khỏi [Nga] có mức lợi nhuận thấp và lực lượng lao động cao hơn so với những doanh nghiệp còn ở lại”.

Nghiên cứu cũng cho biết doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Nga nhiều hơn so với EU hay Nhật Bản. Tuy vậy, đến cuối năm 2022, chỉ 18% công ty con của Mỹ đang hoạt động tại Nga bị thoái vốn hoàn toàn. Con số này với doanh nghiệp từ Nhật Bản là 15%, còn EU là 8,3%.

Trong số những doanh nghiệp EU và G7 còn ở lại, 19,5% đến từ Đức, 12,4% là của Mỹ, còn 7% là từ Nhật Bản.

Một cửa hàng McDonald's tại Nga. (Ảnh: Getty Images).

Áp lực sẽ gia tăng

Barclays cũng đã nêu lên thực trạng tương tự trong báo cáo gần đây. Ngân hàng này cho biết có rất nhiều thách thức với việc thoái vốn hoàn toàn.

“Ngoài việc không khó xác định giá trị tài sản, danh sách những người mua tiềm năng không dài, và danh sách những người mua tiềm năng không phải chịu trừng phạt thậm chí còn ngắn hơn”, Barclays cho biết.

“Cũng có những gợi ý rằng tài sản (bao gồm cả tài sản trí tuệ) của doanh nghiệp rời Nga sẽ bị quốc hữu hóa”, ngân hàng này thông tin thêm.

Barclays gợi ý rằng với việc xung đột vẫn chưa có hồi kết, doanh nghiệp có thể sẽ phải đưa ra một số quyết định khó khăn. 

Các nhà phân tích của Barclays nói: “Nếu việc rút khỏi Nga và thu hồi tài sản ở một mức giá là khó khăn (nếu không muốn nói là không thể), thì các công ty phải lựa chọn giữa việc rời đi và có thể mất trắng, hay ở lại Nga”.

Ngân hàng này cũng cho biết thêm rằng những doanh nghiệp quyết định tạm dừng quảng cáo, giảm chủng loại sản phẩm nhưng vẫn có ý định bám trụ tại Nga sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong tương lai. 

Trong số 29 công ty hàng tiêu dùng thiết yếu mà Barclays quan sát, 15 công ty đã cảm kết rời khỏi Nga. Tuy nhiên, chỉ có 6 công ty thực sự thoái vốn.

"Xóa sổ" khác với "thoái vốn"

Một báo cáo khác nhấn mạnh rằng nhiều doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Nga đã xóa sổ tài sản (làm giảm giá trị của tài sản trên bảng cân đối kế toán) thay vì thực sự bán chúng.

“Nhiều người nghĩ rằng khi một thứ gì đó bị xóa sổ thì chúng sẽ biến mất. Việc xóa sổ thực ra có nghĩa là chủ sở hữu đã đặt giá trị của tài sản thấp hơn hoặc bằng 0, tại một thời điểm nhất định. Giá trị này có thể được sửa đổi bất cứ lúc nào theo ý của chủ sở hữu”, nhà tư vấn Mark Dixon giải thích. 

“Nếu kiên trì đủ lâu và không rời khỏi Nga, doanh nghiệp có thể tăng giá trị tài sản [đã xóa sổ] bất cứ khi nào tình hình thế giới thay đổi”, ông nói thêm. 

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 23/04/2024 20:28
Phố Wall bắt đầu tính tới kịch bản Fed tăng lãi suất trở lại

Kịch bản cơ sở của nhiều chuyên gia là Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, một vài ngóc ngách trên Phố Wall đã bắt đầu có suy nghĩ khác.

Kinh tế Quốc tế 23/04/2024 14:42
Mỹ sắp cấp thêm viện trợ cho Ukraine: Chiến sự với Nga sẽ có thay đổi lớn?

Hiện tại, quân đội Nga đang chiếm ưu thế so với Ukraine. Song, gói viện trợ quân sự của Mỹ có khả năng làm thay đổi cục diện và giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ trước một cuộc tấn công lớn của Nga vào mùa hè.

Kinh tế Quốc tế 23/04/2024 14:11
Tương tự Trung Quốc, các ngân hàng ngầm ở Hàn Quốc cũng đang gặp rắc rối

Hàn Quốc đang trở thành một mắt xích yếu trong hệ thống ngân hàng ngầm toàn cầu trị giá 63.000 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư và nhà chức trách đang theo dõi sát tình hình Hàn Quốc.

Kinh tế Quốc tế 23/04/2024 10:19
'Thu cũ đổi mới' - sáng kiến Trung Quốc vừa triển khai để giúp nền kinh tế

Chính phủ Trung Quốc khởi xướng chương trình thu cũ đổi mới để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp nâng cấp lên các thiết bị sử dụng công nghệ sạch.