Huyền thoại đầu tư Warren Buffett (94 tuổi). (Ảnh: AFP).
Các ngân hàng Phố Wall đang hái bộn tiền nhờ các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đơn cử như trong tuần này, Goldman Sachs cho biết lợi nhuận quý II của ngân hàng đã tăng vọt 22% so với cùng kỳ năm trước nhờ doanh thu kỷ lục từ mảng giao dịch khi thuế quan làm chao đảo thị trường chứng khoán.
Lợi nhuận quý II của Citigroup cũng nhảy vọt 25%, vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích. Chỉ số ngân hàng KBW Nasdaq Bank Index hiện dao động gần mức cao nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng giai đoạn tốt đẹp sẽ kéo dài. Tỷ phú Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công nhất lịch sử, đã đi ngược hướng thị trường chung khi bán bớt cổ phần trong một loạt ngân hàng Mỹ.
Vào đầu năm nay, tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett đã bán tổng cộng 3,2 tỷ USD cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, Berkshire bán khoảng 1 tỷ USD cổ phần tại Citigroup, hơn 2 tỷ USD tại Bank of America và giảm vị thế trong Capital One.
“Berkshire rõ ràng đã giảm mức độ tiếp xúc với cổ phiếu ngân hàng Mỹ”, ông Larry Cunningham, Giám đốc Trung tâm Quản trị Doanh nghiệp John L. Weinberg tại Đại học Delaware, chia sẻ nhận định với The Telegraph.
“Động thái đó báo hiệu một triển vọng thận trọng, hoặc thậm chí bi quan về ngành ngân hàng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Những biến động giao dịch lớn như vậy vốn không phải là điều bất thường đối với Berkshire. Song, Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn này, lại nổi tiếng là người có tài năng hiếm có trong việc dự đoán xu hướng thị trường.
Vị tỷ phú 94 tuổi đã tích luỹ lượng tiền mặt kỷ lục gần 350 tỷ USD cho Berkshire trước khi thị trường lao dốc vào đầu năm nay. Điều đó khiến các nhà phân tích tin rằng ông đã nhìn thấy trước cú sập.
Trên thực tế, Buffett không phải là người duy nhất bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ theo tổng tài sản JPMorgan Chase, đã bán khoảng 31,5 triệu USD cổ phiếu nhà băng này vào tháng 4.
Trước đó, Dimon đã bán ra số cổ phiếu JPMorgan trị giá 125 triệu USD vào năm 2024. Đây là lần đầu tiên vị CEO bán ra cổ phiếu kể từ khi ông bắt đầu điều hành JPMorgan vào năm 2005.
Các nhà phân tích tin rằng chính sách kinh tế đầy biến động của Tổng thống Trump đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và sẽ tiếp tục tác động nghiêm trọng hơn trong nửa cuối năm nay.
Vào tháng 6, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên mức 2,7%. Đáng chú ý, giá những mặt hàng nhập khẩu quan trọng như quần áo và đồ nội thất đã tăng đáng kể.
Rạn nứt cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường lao động. Tốc độ tăng trưởng việc làm trong những ngành phụ thuộc nhiều vào người nhập cư trái phép có vẻ đã chậm lại. Lực lượng lao động nước ngoài cũng giảm sút rõ rệt kể từ tháng 3.
Nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Ngân hàng trung ương này đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025, từ mức 2,1% vào tháng 12 năm ngoái xuống 1,4% vào tháng 6 năm nay.
Trong tương lai, các ngân hàng có thể sẽ trở thành “con chim hoàng yến trong mỏ than”, giúp báo trước các vấn đề kinh tế của Mỹ. Cho nên, có khả năng Buffett tin rằng tiềm năng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đạt đỉnh.
“Một phần nguyên nhân [khiến Buffett bán cổ phiếu ngân hàng] có thể là do ông dự đoán mức định giá hiện tại không còn bền vững”, chiến lược gia Gennadiy Goldberg của TD Securities cho hay.
Các ngân hàng Mỹ đã trải qua một khoảng thời gian tươi đẹp nhưng rõ ràng có một số vấn đề tiềm ẩn với ngành này lẫn nền kinh tế Mỹ nói chung. Một trong những câu hỏi lớn nhất là triển vọng chi phí đi vay dài hạn của chính phủ Mỹ.
Chính sách thuế quan của ông Trump được dự đoán sẽ làm tăng lạm phát. Điều này đồng nghĩa rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ lên cao hơn do các nhà đầu tư yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn.
Các ngân hàng thường hưởng lợi khi lãi suất của danh mục trái phiếu tăng, nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn cũng sẽ tạo ra áp lực mới lên hoạt động cho vay. Nợ xấu có thể gia tăng khi người đi vay gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn còn khiến các khoản đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn hơn, gây ra sự sụt giảm trong hoạt động mua bán và sáp nhập. Đó là tin xấu đối với các ngân hàng đầu tư.
Những lời đe doạ gần đây của ông Trump về việc sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ chỉ làm gia tăng lo ngại rằng chính sách kinh tế đang đi chệch hướng.
Nếu chủ nhân Nhà Trắng thực sự loại bỏ ông Powell và thay bằng một người mềm mỏng hơn, lãi suất có thể sẽ giảm nhưng chi phí đi vay dài hạn sẽ tăng vọt do nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ đi lên trong tương lai. Chi phí đi vay thấp hơn cũng sẽ làm dấy lên lo ngại về lạm phát.
Các lãnh đạo ngân hàng lớn cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. CEO Goldman Sachs David Solomon, CEO Citigroup Jane Fraser, CEO Bank of America Brian Moynihan và CEO JPMorgan Jamie Dimon đều kêu gọi Nhà Trắng không loại bỏ Chủ tịch Powell.
Ông Kambiz Kazemi, CIO tại Validus Risk Management, tin rằng một “bài kiểm tra thực tế” đang đến gần.
“Sự bất ổn xung quanh chính sách thuế quan và nhìn rộng ra là sự bất ổn đối với hầu hết các vấn đề sẽ dần làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính Mỹ. Chúng ta cần phải nhận thức thực tế”, ông Kazemi nói.
Khi nền kinh tế yếu đi, các ngân hàng luôn hoạt động kém hơn thị trường chung vì họ đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế thông qua hoạt động cho vay.
Cho đến nay, bộ phận giao dịch của các ngân hàng vẫn được hưởng lợi lớn từ biến động thị trường, khi nhà đầu tư liên tục mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, các bộ phận khác như cho vay, tư vấn khó có thể hoạt động tốt bằng.
“Điểm đáng lo ngại nhất là tiêu dùng. Nếu mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn khi lạm phát tăng và nếu tỷ lệ thất nghiệp đi lên, tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Khi chi tiêu tiêu dùng giảm, nó sẽ gây ra hiệu ứng lan toả đến mọi hoạt động dính dáng đến vay mượn. Nó sẽ trở thành một vòng lặp”, ông Kazemi lập luận.
Tập đoàn của Buffett vẫn đang nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong lĩnh vực ngân hàng. Trong danh mục đầu tư cổ phiếu hiện tại của Berkshire, 16,4% nằm ở cổ phiếu American Express và 10,1% vẫn còn ở Bank of America. Song, mức độ tiếp xúc của Berkshire với nhóm ngân hàng chắc chắn đã giảm.
“Rất khó để biết bao nhiêu phần trong động thái bán ra của Berkshire phản ánh tâm lý bi quan về kinh tế vĩ mô, so với các cân nhắc cụ thể về một công ty hay cân nhắc trong nội bộ tập đoàn”, ông Cunningham của Đại học Delaware lưu ý.
“Nhưng điều đáng chú ý là gần đây Berkshire dường như đang nghiêng nhiều hơn về năng lượng và hàng tiêu dùng, ví dụ như Occidental Petroleum và Constellation Brands. Điều này cho thấy có thể tập đoàn đang chuyển dịch sang các lĩnh vực có khả năng phục hồi tốt hơn trong môi trường kinh tế biến động”, ông nói thêm.
Theo ước tính của Gallagher Re, các trận bão lớn, đi kèm lốc xoáy, gió mạnh và mưa đá tại Mỹ cũng gây thiệt hại ít nhất 33 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.
Xuất khẩu từng là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây, nhưng cuộc chiến thuế quan với Mỹ có thể khiến ánh sáng đó dần bị lu mờ.
Các nhà đầu tư có thể đang tự tin thái quá rằng lạm phát đã được kiểm soát, trong khi thực tế vẫn chưa.
Theo các nhà sản xuất Brazil, nếu mức thuế bổ sung được Mỹ áp dụng sẽ đe dọa chuỗi sản xuất xoài sử dụng tới 250.000 lao động trực tiếp và gần 1 triệu việc làm gián tiếp tại nhiều bang.