Kinh doanh & Thị trường 14/05/2025 07:44

Khu Tứ giác Bến Thành đang xin gia hạn tiến độ, chủ đầu tư phải tăng vốn thêm 16.000 tỷ để chứng minh năng lực

Chủ sở hữu Saigon Glory là Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội đã góp thêm vốn, tăng vốn điều lệ tại Saigon Glory thêm 16.000 tỷ đồng lên 23.000 tỷ đồng.

Nửa cuối năm 2022, Masterise Homes từng xuất hiện tại dự án với vai trò nhà phát triển. Tên thương mại của Khu tứ giác Bến Thành cũng nhanh chóng được đổi từ The Spirit of Saigon thành One Central HCM. Newtecons thuộc hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Bá Dương cũng thế chân Coteccons ở vị trí tổng thầu thi công. (Ảnh tư liệu: Nguyên Ngọc).

Theo thông tin chứng tôi có được, Công ty TNHH Saigon Glory đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan đến việc gia hạn tiến độ triển khai thực hiện Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu Tứ giác Bến Thành).

Để chứng minh năng lực thực hiện dự án trong thời gian gia hạn đề xuất, chủ sở hữu Saigon Glory là Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội góp thêm vốn, tăng vốn điều lệ tại Saigon Glory thêm 16.000 tỷ đồng lên 23.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn đã được hoàn tất trong tháng 4 vừa qua.

Tính đến hiện tại, Saigon Glory vẫn đang thế chấp toàn bộ phần vốn góp tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, Mã: TCB) để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán 10.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2020. Phần vốn góp tăng thêm cũng được Phương Đông Hà Nội thế chấp tại cùng ngân hàng cho cùng nghĩa vụ.

Theo quy hoạch ban đầu, Khu Tứ giác Bến Thành gồm hai tháp được nối với nhau bằng khối đế. Trong đó, tháp A cao 55 tầng, có chức năng văn phòng, khách sạn và tháp B cao 48 tầng, có 214 căn hộ. Tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD, tương đương hơn 10.500 tỷ đồng (theo tỷ giá tại ngày 31/12/2013). (Ảnh tư liệu: Nguyên Ngọc).

Saigon Glory trước đây là công ty con của Tập đoàn Bitexco, được thành lập vào năm 2018 để chuyển giao đầu tư dự án Khu Tứ giác Bến Thành. Nhóm công ty đã huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu để thực hiện dự án, được bảo đảm bằng 100% vốn góp tại Saigon Glory thuộc sở hữu của Bitexco khi đó và tài sản hình thành trong tương lai của tháp A (được thế chấp tại Techcombank).

Giai đoạn 2023 - 2024, các cuộc họp giữa trái chủ và nhóm Bitexco liên tục diễn ra trong bối cảnh tổ chức pháp hành không thể thu xếp dòng tiền. Phía ngân hàng cũng từng đứng ra thuê một tổ chức định giá thứ ba vào định giá lại các tài sản bảo đảm, tiến đến việc xử lý tài sản.

Tuy nhiên, dự án Khu Tứ giác Bến Thành sau đó liên quan đến vụ án bà Trương Mỹ Lan, bao gồm dòng tiền thực hiện dự án trước đây. Tại các phiên xét xử, bà Lan cho biết giữa Bitexco và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có thỏa thuận về việc chuyển nhượng Khu tứ giác Bến Thành với giá 22.000 tỷ đồng. Bitexco đã nhận 15.712 tỷ đồng tỷ đồng từ bà Lan sau đó và số tiền này đã được hòa vào dòng tiền hoạt động chung của tập đoàn.

Cuối tháng 9/2024, Bitexco cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Saigon Glory cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội, một đơn vị thuộc Tập đoàn Masterise.

Phương Đông Hà Nội cam kết thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu còn lại như thỏa thuận, tiếp nhận và tiếp tục triển khai kinh doanh dự án Khu Tứ giác Bến Thành với đề xuất Techcombank xem xét tài trợ vốn để công ty thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

Cập nhật tại thời điểm hoàn tất tăng vốn, Saigon Glory do ông Trần Thanh Tú làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Nguyễn Vũ Hải làm Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật.

Năm 2020, Công ty TNHH Saigon Glory huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu qua 10 lô lẻ, có kỳ hạn 3 - 5 năm và lãi suất tối thiểu 11%/năm. Tài sản bảo đảm bao gồm 100% vốn góp Saigon Glory thuộc sở hữu của Bitexco và tháp A của dự án The Spirit Saigon (Khu tứ giác Bến Thành). Các tài sản này được định giá khoảng 18.552 tỷ đồng.

Mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện các chương trình, kế hoạch kinh doanh và cơ cấu nợ (20.590 tỷ đồng tại ngày 31/12/2019).

Các bên tham gia phát hành gồm: Techcombank (tổ chức quản lý tài sản bảo đảm); Bitexco (bên bảo đảm); Chứng khoán Tân Việt - TVSI (đại diện người sở hữu trái phiếu).

Thực tế theo báo cáo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Saigon Glory đã giải ngân 85 tỷ đồng để đầu tư vào dự án và số tiền hơn 9.900 tỷ còn lại là hoàn trả công nợ, .

Theo kết quả tư vấn giá trị doanh nghiệp được thực hiện bởi một công ty chứng khoán và kết quả này do Techcombank công bố, tại ngày 31/12/2022, Saigon Glory có tổng nợ phải trả 32.669 tỷ đồng, bao gồm trái phiếu, phải trả các khách hàng mua sản phẩm dự án, nợ vay bên thứ ba, nợ phải trả Bitexco, nợ phải trả nhà thầu xây dựng.

Trong đó, công ty phải thu dài hạn tổng giá trị 19.938 tỷ đồng là giá trị góp vốn, hợp tác kinh doanh với 7 tổ chức: CTCP River Delta, CTCP Đầu tư Cánh Rừng Xanh, CTCP Bạch Ngọc Phú, CTCP Lộc Chấn Hưng, CTCP Royal Park, CTCP Spring Island, CTCP Đầu tư Đại Phú Hòa.

Công ty chứng khoán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản phải thu này do các các pháp nhân gặp những vấn đề pháp lý liên quan đến những vụ án sai phạm trong thời gian qua, đang được các cơ quan chức năng điều tra.

Đến nay có 5 lô trái phiếu đã quá thời gian đáo hạn từ tháng 6 - 7/2023 và được gia hạn đến tháng 6 - 7/2025. 5 lô còn lại được gia hạn thêm một năm, đáo hạn vào tháng 11/2026.

Nguyên Ngọc
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 14/05/2025 10:12
Jollibee báo lãi trăm tỷ, nhưng bị mạo danh thương hiệu tràn lan ở Việt Nam

Thương hiệu gà rán đến từ Philippines ghi nhận EBITDA hơn 400 tỷ đồng tại Việt Nam trong năm 2024, đồng thời đối mặt tình trạng giả mạo trên TikTok và Facebook.

Kinh doanh & Thị trường 14/05/2025 09:56
Nở rộ chuỗi sức khỏe – y tế ở miền Nam: Dược phẩm – tiêm chủng đã ngã ngũ, phòng khám đa khoa – chuyên khoa mới bắt đầu

Ngoài chuỗi dược phẩm, thị trường miền Nam đang chứng kiến sự bành trướng của nhiều chuỗi sức khỏe - y tế khác như Diag - chuỗi xét nghiệm và phòng khám, 315 Healthcare - chuỗi Nhi Đồng 315/Phụ Sản 315, chuỗi Nha Khoa Kim - Parkway….

Kinh doanh & Thị trường 14/05/2025 09:41
‘Gã khổng lồ’ ô tô Nhật Bản đóng cửa hàng loạt nhà máy, giảm chục nghìn việc làm: Chuyện gì đang diễn ra?

Các động thái nằm trong kế hoạch tái cấu trúc nhằm tiết giảm chi phí, tinh gọn bộ máy của Nissan sau khi hãng này đối diện với khoản lỗ lớn.

Kinh doanh & Thị trường 14/05/2025 08:05
Loạt dự án chục nghìn tỷ được thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại tại Hà Nội

Hà Nội chấp thuận cho tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện 148 dự án thí điểm làm nhà ở thương mại với tổng diện tích hơn 840 ha.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO