Kinh tế Quốc tế 09/12/2022 14:58

Lạm phát ở mức thấp, Trung Quốc có thêm dư địa để nới lỏng tiền tệ trong năm 2023

Trong bối cảnh dịch bệnh kìm hãm nhu cầu chung, chỉ số giá sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 11 đều chững lại so với cùng kỳ, tạo cơ hội để ngân hàng trung ương nước này nới lỏng chính sách khi nền kinh tế cố gắng bật dậy vào năm tới.

Lạm phát thấp

Theo ghi nhận của Bloomberg, vào tháng 11 vừa qua, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chững lại so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh lạm phát thấp như vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được kỳ vọng là sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách khi nền kinh tế cố gắng phục hồi trong năm tới.

Cụ thể, PPI tháng 11 tụt 1,3% so với một năm trước, tương tự mức giảm của tháng 10, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) chỉ ra. Trước đó, các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát dự đoán PPI sẽ giảm 1,5%.

Giá sản xuất của Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 10, lần đầu tiên sau gần hai năm do tăng trưởng toàn cầu chững lại và giá cả hàng hoá tiếp tục đi xuống.

Theo ông Dong Lijuan, trưởng bộ phận thống kê tại NBS, PPI tháng 11 giảm là do mức nền năm ngoái cao. PPI từng nhảy vọt vào năm 2021 do giá hàng hoá công nghiệp leo thang.

Giá các nguyên liệu hoá chất thô, cùng với các sản phẩm hoá chất và sợi, cũng tiếp tục nới dài đà giảm trong tháng 11.

 

Trong khi đó, CPI thu hẹp từ mức 2,1% của tháng 10 xuống còn 1,6%, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế. Lạm phát lõi, không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động, vẫn duy trì ở mức 0,6%.

Giá tiêu dùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, một phần do các biện pháp chống dịch đã làm suy giảm hoạt động di chuyển và chi tiêu. Trong rổ CPI, chi phí vận tải giảm 2% so với một năm trước, trong khi giá thuê nhà sụt 0,7%.

Điều này là khá tương phản với các quốc gia phát triển, vốn đang phải đương đầu với lạm phát cao dai dẳng, Bloomberg lưu ý.

Dư địa cho PBoC

Ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nói dữ liệu lạm phát mới cho thấy “động lực kinh tế của Trung Quốc đang tiếp tục yếu đi”.

 “Tôi hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ hành động nhiều hơn để thúc đẩy niềm tin của thị trường và các hộ gia đình. Tốc độ mở cửa nhanh chóng cho thấy Bắc Kinh đã nhận thấy tính cấp bách của vấn đề”, ông nói thêm.

Số liệu lạm phát yếu tạo cho PBoC thêm một ít dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ - có thể bao gồm cả phương án cắt giảm lãi suất - ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác được dự đoán sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào năm tới.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg, các nhà kinh tế cho rằng PBoC sẽ hạ lãi suất cho vay trung hạn trong quý II và III, đồng thời giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 và 5 năm vào tháng 3. PBoC cũng có thể hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại.

Công nhân tại một dây chuyền sản xuất máy chơi game ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Bắc Kinh có thể cũng cần bơm thêm nhiều kích thích hơn vì chặng đường rút lui khỏi chiến lược Zero COVID vẫn còn chưa chắc chắn. Số ca nhiễm tăng cao có thể gây ra nhiều gián đoạn kinh tế hơn.

Trong phiên giao dịch sáng 9/12, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng khoảng 0,27%, đảo ngược mức giảm trước đó.

Sau khi các đợt bùng phát cục bộ từ cuối tháng 10 dẫn đến việc phong toả và hạn chế đi lại tại một số địa phương, Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục trong tháng 11.

Hoạt động kinh tế trong tháng vừa qua bị ảnh hưởng đáng kể. Các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều bị tổn hại, trong khi giao dịch thương mại thu hẹp với tốc độ nhanh hơn, Bloomberg thông tin thêm.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã công bố một số bước đi quan trọng hướng tới việc rút lại chính sách Zero COVID. Chính phủ cũng phát tín hiệu sẽ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.

Ông Bruce Pang, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc, Hong Kong và Macau của hãng bất động sản Jones Lang LaSalle, dự đoán áp lực lạm phát có thể tăng lên khi Zero COVID kết thúc.

Vị chuyên gia cho hay: “Nếu Trung Quốc mở cửa trở lại, nước này có thể sẽ phải đối mặt với bài toán lạm phát, do nhu cầu gia tăng, đặc biệt là tiêu dùng hộ gia đình, cũng như do gián đoạn nguồn cung lao động, sản xuất và chuỗi cung ứng...”

Các nhà kinh tế dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ mở rộng khoảng 3% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 5,5% mà chính phủ đã đề ra vào mùa xuân.

Khả Nhân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 29/03/2024 06:57
S&P 500 khép lại quý I/2024 với kỷ lục mới

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều khép lại tháng 3 và quý I với kết quả tích cực. S&P 500 và Dow Jones lần lượt ghi nhận quý I tốt nhất kể từ năm 2019 và 2021.

Kinh tế Quốc tế 29/03/2024 01:06
Các công ty bảo hiểm lao đao sau thảm họa sập cầu ở Baltimore

Các nhà phân tích cho biết vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore có thể khiến các công ty bảo hiểm phải bồi thường hàng tỷ USD.

Kinh tế Quốc tế 28/03/2024 23:14
Hoạt động M&A toàn cầu khởi sắc trong quý I/2024 nhờ các thương vụ lớn

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên thế giới đã phục hồi trong quý đầu tiên của năm 2024, sau năm 2023 khá ảm đạm, nhờ sự trở lại của các thương vụ lớn.

Kinh tế Quốc tế 28/03/2024 21:04
Chuyên gia kinh tế: Đừng lo Fed không giảm lãi suất, chứng khoán Mỹ vẫn sẽ tiếp đà tăng

Theo ông Steven Blitz, nhà kinh tế cấp cao của TS Lombard, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đi lên ngay cả khi Fed quyết định không hạ lãi suất trong năm nay.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO