Kinh tế Quốc tế 06/10/2022 08:07

Nhà Trắng 'hoảng loạn', cố ngăn OPEC+ hạ sản lượng dầu nhưng bất thành

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng thuyết phục các đồng minh tại Trung Đông không cắt giảm sản lượng dầu thô. Tuy nhiên, kết quả đã không như mong muốn của Washington.

Nhà Trắng "hoảng loạn"

Theo Financial Times, vào ngày 5/10, OPEC+ công bố mức cắt giảm sản lượng lên tới 2 triệu thùng dầu/ngày. Động thái này có thể khiến giá xăng tại Mỹ tăng vọt lên, đúng vào thời điểm nhạy cảm với chính quyền Tổng thống Biden.

Trước đó, theo CNN, Nhà Trắng đã có những nỗ lực nhằm ngăn cản các đồng minh của mình không đồng ý với kế hoạch cắt giảm sản lượng. 

Trong những ngày qua, các quan chức cao cấp trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế và đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden đã gặp gỡ những người đồng cấp tại Kuwait, Arab Saudi và UAE nhằm vận động bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm sản lượng dầu.

OPEC+, liên minh dầu mỏ bao gồm cả Nga, đã cắt sản lượng lên tới 2 triệu thùng dầu/ngày, mức cao nhất kể từ đại dịch COVID và có nguy cơ khiến giá dầu tăng mạnh.

Theo thông tin của CNN, Nhà Trắng đã coi viễn cảnh cắt giảm sản lượng như một “thảm họa” toàn diện và cảnh báo động thái trên có thể được coi là “hành động thù địch”.

Một quan chức nói  về những nỗ lực của Mỹ trước thềm cuộc họp OPEC+ hôm 5/10 rằng: “Mọi bên cần phải biết mối nguy đang cao thế nào”. Một quan chức khác cho biết Nhà Trắng đang “hoảng loạn”, đồng thời miêu tả những nỗ lực gần đây của chính quyền là “hành động kiên quyết”.

Trong một tuyên bố gửi tới CNN, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết: “Mỹ đã khẳng định nguồn cung năng lượng phải đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và giúp hạ giá cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác về vấn đề này”.

Với Tổng thống Biden, quyết định hạ sản lượng dầu của OPEC+ đến vào thời điểm nhạy cảm. Trong nhiều tháng, Washington đã áp dụng một loạt các biện pháp đối nội và đối ngoại nhằm giảm thiểu tác động của giá năng lượng sau khi cuộc xung đột Ukraine bùng phát. Những động thái trên dường như đã mang lại kết quả khi giá xăng giảm gần 100 ngày liên tục. Nhưng chỉ một tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, giá xăng tại Mỹ lại bắt đầu tăng lên, gây ra rủi ro chính trị mà Nhà Trắng đã gắng sức né tránh. 

Trong những tuần gần đây, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden đã giảm nhẹ khi giá xăng tăng nhẹ.

Khi quan chức Mỹ đang đánh giá các lựa chọn tiềm năng trong nước để thay đổi chiều hướng đi lên của giá xăng trong vài tuần qua, tin tức về việc OPEC+ hạ sản lượng đang tạo ra một thách thức nghiêm trọng.

Ông Watson từ chối bình luận về cuộc bầu cử sắp tới, và cho biết: “Nhờ nỗ lực của Tổng thống, giá năng lượng đã giảm mạnh và người tiêu dùng Mỹ đang phải trả ít tiền xăng hơn".

Chiến dịch toàn diện

Ông Amos Hochstein, đặc phái viên năng lượng hàng đầu của Tổng thống Biden, đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực vận động hành lang với các đối tác tại Trung Đông.

Ông Hochstein cùng với quan chức an ninh Brett McGurk và đặc phái viên tại Yemen là ông Tim Lenderking đã tới Jeddah (thành phố của Arab Saudi) vào cuối tháng 9 nhằm thảo luận về một loạt vấn đề an ninh và năng lượng sau chuyến thăm của Tổng thống Biden hồi tháng 7.

 Từ trái qua phải: ông Amos Hochstein, bà Janet Yellen và ông Brett McGurk. (Ảnh: Anadolu Agency/AFP/Getty Images).

Các quan chức trong nhiều nhóm kinh tế và chính sách đối ngoại của Washington cũng đã liên hệ với các chính phủ OPEC nhằm ngăn chặn việc cắt giảm sản lượng.

Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đích thân thảo luận với một số bộ trưởng tài chính của các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Kuwait và UAE.

Mỹ đã lập luận rằng về lâu dài, việc cắt giảm sản lượng sẽ tạo áp lực giá lớn hơn. Logic của Washington là “cắt giảm sản lượng sẽ làm tăng rủi ro lạm phát”, dẫn đến lãi suất cao hơn và nguy cơ suy thoái lớn hơn.

“Sẽ có rủi ro chính trị lớn với danh tiếng và mối quan hệ của bạn với Mỹ và phương Tây nếu bạn ủng hộ cắt giảm sản lượng” là một trong những luận điểm được Nhà Trắng đề nghị bà Yellen trao đổi với những người đồng cấp.

Một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận rằng chính quyền đã vận động liên minh do Arab Saudi dẫn đầu trong nhiều tuần để cố gắng thuyết phục OPEC không cắt giảm sản lượng dầu.

Nỗ lực "tuyệt vọng"

Vài tuần sau chuyến công du của Tổng thống Biden tới Arab Saudi vào tháng 7, OPEC + đồng ý mức tăng sản lượng khiêm tốn 100.000 thùng. Các nhà phê bình cho rằng chuyến đi của ông Biden không mang lại nhiều hiệu quả.

Kế hoạch mới của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn việc hạ sản lượng cũng đang được một nhà ngoại giao mô tả là “tuyệt vọng”. Một nguồn tin thân cận của CNN cho biết các cuộc gọi với UAE đã được lên kế hoạch. Nhưng các nỗ lực tương tự với Kuwait lại bị từ chối. 

Về mặt công khai, Nhà Trắng đã thận trọng tránh cân nhắc khả năng cắt giảm mạnh sản lượng dầu. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm 3/10: “Chúng tôi không phải là thành viên của OPEC +, vì vậy tôi không muốn nói trước những gì có thể xảy ra từ cuộc họp sắp tới". 

Bà Jean-Pierre cho biết, trọng tâm của Mỹ vẫn là “làm tất cả những gì có thể để đảm bảo các thị trường đáp ứng đủ nhu cầu cho một nền kinh tế toàn cầu đang phát triển”.

Kết quả không mong muốn

Sau quyết định hạ sản lượng của OPEC+, Nhà Trắng đã cáo buộc tổ chức này đứng về phía Nga. Mức cắt giảm của OPEC+ thậm chí còn nhiều hơn những gì Washington dự đoán trước đây.

Theo Finanical Times, sản lượng cắt giảm được tuyên bố là 2 triệu thùng/ngày, nhưng con số thực tế sẽ chỉ hơn 1 triệu thùng/ngày, do nhiều nước thành viên đã không đạt mục tiêu công suất trong những tháng gần đây.

Chính quyền Tổng thống Biden đã chỉ trích động thái của OPEC+ là một "quyết định thiển cận" vào thời điểm mà việc "đảm bảo nguồn cung năng lượng toàn cầu là điều tối quan trọng". Người phát ngôn Nhà Trắng  Jean-Pierre cho biết "rõ ràng" là OPEC+ đã "về phe Nga".

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã phủ nhận luận điểm rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ông bin Salman lập luận rằng động thái của tổ chức này nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn vào sản xuất dầu.

“Hãy chỉ cho tôi đâu là hành động hiếu chiến", ông trả lời các câu hỏi sau thông báo. Thị trường năng lượng cần sự "điều chỉnh, nếu không sẽ không có thêm sự đầu tư [vào sản xuất]".

Đáp lại quyết định của OPEC+, Mỹ cho biết sẽ tiếp tục giải phóng dầu từ các kho dự trữ chiến lược "khi thích hợp" và xem xét "các hành động có trách nhiệm" để tăng nguồn cung trong nước.

Tổng thống Biden cũng sẽ làm việc với Quốc hội về đạo luật nhằm "giảm bớt sự kiểm soát của OPEC với giá năng lượng".

OPEC+ muốn tăng giá

Các thành viên OPEC + đã cân nhắc mức cắt giảm mạnh do giá dầu đã xuống dưới 90 USD/thùng trong những tháng gần đây.

Nhiều thành viên OPEC+ đã bày tỏ sự không hài lòng với viễn cảnh EU áp giá trần do tiền lệ mà động thái này có thể đặt ra: Thay vì thị trường thì giờ đây người tiêu dùng lại có quyền lực để quyết định giá dầu.

Theo Financial Times, Arab Saudi và những quốc gia vùng vịnh khác thuộc OPEC cũng lo sợ kế hoạch giá trần sẽ khiến giá dầu giảm, và có thể được sử dụng chống lại các nước này trong tương lai.

"[Động thái này] là một tín hiệu chính trị rõ ràng rằng OPEC không đồng tình với giá trần", ông Amrita Sen, nhà phân tích dầu hàng đầu tại Energy Aspects, nhận định. "Bất chấp liệu giá trần có hiệu quả hay không, OPEC xem động thái này như một tiền lệ nguy hiểm".

Nhà Trắng cũng đang có đề xuất rằng nếu OPEC+ không cắt giảm sản lượng trong tuần này, Mỹ sẽ thông báo mua lại 200 triệu thùng dầu để nạp đầy kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Mỹ đã bán dầu từ SPR với tốc độ cao trong năm qua để hạ giá.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền đã nói rõ với OPEC+ trong nhiều tháng rằng Washington sẵn sàng mua dầu của liên minh để bổ sung SPR.

Quan chức này cho biết những tuyên bố trên nhằm khẳng định rằng Mỹ "sẽ không bỏ rơi" OPEC+ nếu họ đầu tư vào sản xuất, và đảm bảo rằng giá sẽ không giảm nếu nhu cầu toàn cầu giảm.

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 19/04/2024 16:00
S&P Global: Các kích thích tài khoá của Trung Quốc đang mất dần hiệu quả

Nhà phân tích cấp cao của S&P Global Ratings cảnh báo rằng các biện pháp tài khoá của Trung Quốc đang trở nên kém hiệu quả và khối nợ lớn đang ngăn cản chính quyền nhiều địa phương kích thích nền kinh tế.

Kinh tế Quốc tế 19/04/2024 12:00
Trung Đông căng thẳng, nhà đầu tư nên nắm giữ những cổ phiếu nào?

Sau những thông tin mới nhất về xung đột Israel - Iran, nắm giữ cổ phiếu nào để bảo vệ danh mục trong giai đoạn hiện nay có lẽ là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Kinh tế Quốc tế 19/04/2024 10:07
NPR: Israel phóng tên lửa trả đũa Iran

Hệ thống phòng không của Iran đã được kích hoạt ở nhiều địa điểm sau khi người dân nghe thấy tiếng nổ gần sân bay thành phố Isfahan.

Kinh tế Quốc tế 19/04/2024 07:59
Hai 'diều hâu' lên tiếng: Một người cảnh báo Fed có thể không giảm lãi suất

Một số quan chức Fed đang có quan điểm cứng rắn về lãi suất sau các báo cáo lạm phát tăng cao bất ngờ trong ba tháng đầu năm nay.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO