Vĩ Mô 02/12/2022 09:03

Nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong quý I/2023

VCSC dự báo xuất khẩu vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu toàn cầu suy yếu. Diễn biến này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong quý I/2023, nhưng nhu cầu lao động sẽ bắt đầu phục hồi vào quý II/2023.

 

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo vĩ mô về vấn đề lượng đơn hàng giảm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động.

Số liệu lao động việc làm từ Tổng cục Thống kê, bao gồm các số liệu cập nhật thị trường lao động theo quý tính đến cuối tháng 9 và chỉ số sử dụng lao động tại thời điểm 1/10 vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh của thị trường lao động sau các gián đoạn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu chững lại đã bắt đầu ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng mới, dẫn đến tình trạng cắt giảm hoạt động sản xuất và giờ làm trong những tuần gần đây.

Báo cáo dẫn số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, đã có 485 doanh nghiệp (trong đó có 352 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 72,6%) tại 25 tỉnh, thành phố đã phải cắt giảm hoạt động sản xuất và số giờ làm việc do số lượng đơn hàng giảm. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam, chiếm 61,9% tổng số doanh nghiệp và 87,4% tổng số lao động trong nhóm này.

Trong số 631.329 người lao động bị ảnh hưởng (chiếm 1,2% tổng lao động tính đến cuối quý III/2022), 569.589 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90,2%); 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,5%); 31.012 người lao động nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ có hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động (chiếm 4,3%).

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày và và chế biến gỗ. Một số doanh nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm, dịch vụ, du lịch cũng bị ảnh hưởng. PouYuen, nhà sản xuất giày lớn nhất Việt Nam, gần đây đã sắp xếp cho 20.000 công nhân nghỉ luân phiên tổng cộng khoảng 14 ngày (nghỉ có lương) trong khoảng thời gian từ 1/12- 28/2/2023.

 Nguồn: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCSC.

VCSC cũng đã tổng hợp một số các phản hồi sau đây từ các công ty trong danh mục theo dõi của chúng tôi và một số các công ty không nằm trong danh mục theo dõi của chúng tôi.

Trong ngành dệt may, Sợi Thế Kỷ đã tạm ngừng 1/3 khối lượng sản xuất; tuy nhiên, nhân viên đang được sắp xếp tham gia các chương trình đào tạo (một số công ty cũng đang thực hiện tương tự). Trong ngành chế biến gỗ, theo báo cáo tài chính của Gỗ Đức Thành, tính đến cuối quý III, số lượng nhân sự của doanh nghiệp này giảm 15% so với cuối quý II (giảm 20% so với cùng kỳ). VCSC cho rằng áp lực sẽ gia tăng trong quý IV/2022 – quý I/2023 đối với cả Gỗ Đức Thành và CTCP Phú Tài, tương tự như các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất khác.

Mặt khác, một số công ty (FPT, CTCP Cao su Phước Hòa, Tổng công ty IDICO, CTCP Gemadept và CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam) cho biết đang thiếu hụt lao động và/hoặc có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam gần đây đã tuyển dụng thêm 200-300 nhân viên mới cho một dự án mới.

Trong khi đó, CTCP Thế Giới Số, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Vĩnh Hoàn, CTCP Đông Hải Bến Tre, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, CTCP Tập đoàn Thiên Long, CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và CTCP Long Hậu cho biết hiện tại các doanh nghiệp chưa có kế hoạch cắt giảm lao động.

Các công ty phát triển khu công nghiệp như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và CTCP Long Hậu cho biết chưa thấy sự cắt giảm lao động trong số các khách thuê hoạt động trong các ngành sản xuất công nghệ cao và dịch vụ/sản xuất có giá trị gia tăng cao.

 

VCSC cho rằng số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể chưa phản ánh toàn diện nhưng cũng cho thấy những khó khăn hiện tại của nhiều doanh nghiệp và người lao động đang phải đối mặt, nhất là trong các ngành dệt may, da giày và chế biến gỗ.

Khối phân tích dự báo xuất khẩu vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu toàn cầu suy yếu. Diễn biến này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong quý I/2023, nhưng nhu cầu lao động sẽ bắt đầu phục hồi vào quý II/2023 khi các công ty bắt đầu chuẩn bị cho sự phục hồi của nhu cầu xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023.

Hồng Hà
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 29/03/2024 08:39
Việt Nam xếp thứ hai trong số các quốc gia Nhật Bản muốn đầu tư

Theo khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam đang đứng thứ hai trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhất trong trung và dài hạn.

Vĩ Mô 29/03/2024 07:04
Kinh tế Thủ đô tiếp đà tăng trưởng

Nhờ sự chủ động, linh hoạt và thực hiện các giải pháp, biện pháp từ sớm nên mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Thủ đô Hà Nội quý I khởi sắc và tiếp đà tăng trưởng.

Vĩ Mô 29/03/2024 03:28
Tăng trưởng kinh tế Cần Thơ thấp nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ tổ chức vào chiều ngày 28/3, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP trong 3 tháng đầu năm của thành phố Cần Thơ có mức tăng trưởng, nhưng tốc độ đạt khá thấp so với kế hoạch và đứng thấp nhất trong số các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (xếp hạng thứ 13 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Vĩ Mô 28/03/2024 22:17
Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP khi xuất khẩu vào Canada

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội lớn để Việt Nam – Canada thúc đẩy trao đổi thương mại. Tuy nhiên, mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Canada vẫn còn rất hạn chế, chưa phát huy hết giá trị mà hiệp định này mang lại.