Kinh tế Quốc tế 10/06/2025 16:01

Những cuộc chiến giá khốc liệt và nỗi sợ về một vòng lặp tai hại trong nền kinh tế Trung Quốc

Giá cả thấp là điều hầu hết mọi người tiêu dùng mong muốn. Nhưng với nền kinh tế, tình trạng này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các cuộc chiến giá cả dữ dội đang nổ ra trong nhiều ngành, từ những mặt hàng có giá trị cao như xe điện đến những thức uống thường ngày như trà và cà phê.

Trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng suy yếu và áp lực giảm phát nối dài, các doanh nghiệp Trung Quốc đang mạnh tay giảm giá để bảo vệ thị phần. Cuộc đua gây hại này khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng thấy lo ngại và phải lên tiếng cảnh báo. 

Cuộc chiến giá xe điện: BYD khơi mào

Hôm 23/5, BYD đã gây ra cơn địa chấn trong ngành ô tô với động thái hạ giá 22 mẫu xe điện và xe hybrid. Giờ đây, giá khởi điểm của mẫu xe rẻ nhất là Seagull chỉ còn 55.800 nhân dân tệ (tương đương khoảng 7.700 USD), thấp hơn 25% so với hai năm trước.

Động thái của BYD khiến giới chức Bắc Kinh lo lắng. Vào ngày 31/5, tờ Xinhua dẫn lời cảnh báo của Bộ Công nghiệp nước này bày tỏ: “Không ai là người chiến thắng trong một cuộc chiến về giá và càng không thể mong chờ một tương lai tốt đẹp từ đó”.

Cơ quan này tuyên bố sẽ hạn chế các tình huống cạnh tranh khốc liệt bởi nó gây hại cho nghiên cứu và phát triển, cũng như có nguy cơ gây ra vấn đề an toàn.

Ô tô điện của BYD. (Ảnh: Bloomberg). 

Song, do BYD là hãng xe điện lớn nhất tại Trung Quốc, các đối thủ khác như Geely và Chery buộc phải giảm giá theo để có cơ hội sống sót.

Ông Zhang Yichao, chuyên gia tư vấn của AlixPartners, chỉ ra: “Nếu doanh nghiệp không điều chỉnh tương ứng khi các công ty đầu ngành thay đổi giá cả, họ có thể bị loại khỏi cuộc chơi”.

Ông Wei Jianjun, Chủ tịch Great Wall Motor, chỉ trích ngành xe điện đang hoạt động một cách không lành mạnh và cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng giống như thị trường bất động sản.

Cuộc chiến giá cà phê: Starbucks chịu thua trước áp lực

Cuộc chiến giá ở Trung Quốc còn lan rộng sang ngành hàng hóa tiêu dùng, khiến ngay cả những gã khổng lồ như Starbucks cũng phải khuất phục trước áp lực.

Vào ngày 9/6, Starbucks thông báo sẽ giảm giá trung bình 5 nhân dân tệ (khoảng 0,7 USD) cho hơn một chục loại frappuccino và trà latte. Như vậy, giá một số đồ uống ở chuỗi cà phê này chỉ còn 23 nhân dân tệ (khoảng 3,2 USD).

Có thể coi đây là bước ngoặt lớn với Starbucks, bởi xưa nay họ vẫn thường tránh quảng cáo chương trình giảm giá trên mạng xã hội để bảo vệ hình ảnh “cao cấp”. Tuy nhiên, cuối cùng Starbucks cũng phải bỏ cuộc trước sự cạnh tranh của vô vàn đối thủ nhỏ hơn.

Một cửa hàng Starbucks ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg).

Ví dụ, tại Thượng Hải, chuỗi Manner Coffee tính giá 15 nhân dân tệ cho một ly Americano 355 ml, Luckin Coffee định giá 14 nhân dân tệ cho một ly Americano 473 ml. Còn Starbucks bán một ly Americano 355 ml với giá 27 nhân dân tệ.

Trước sự cạnh tranh của những chuỗi đồ uống giá rẻ, thị phần của Starbucks ở Trung Quốc đã giảm mạnh, từ 39% trong năm 2014 xuống 19% vào năm 2023, theo Euromonitor.

Cuộc chiến giá cà phê cho thấy rằng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, người tiêu dùng đang ưu tiên cho tính phải chăng hơn là thương hiệu, buộc các doanh nghiệp cạnh tranh về giá thay vì trải nghiệm.

Tiêu dùng yếu kém

Cuộc chiến giá trong ngành xe điện và cà phê không phải những trường hợp cá biệt, mà là “triệu chứng” của tình trạng tiêu dùng yếu ở Trung Quốc.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Trung Quốc đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 4 suy yếu liên tiếp. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tụt 3,3% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất trong gần hai năm.

 

Tình trạng giảm phát dai dẳng phản ánh sự mất cân bằng giữa cung và cầu của Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ngần ngại mở ví chi tiêu.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng bất an là cuộc khủng hoảng bất động sản. Theo dữ liệu từ Economic Observatory, trung bình giá nhà đất ở Trung Quốc đã giảm 20 - 30% kể từ mức đỉnh hồi tháng 8/2021 tới tháng 3/2025.

Do nhà đất chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của các hộ gia đình, việc giá nhà giảm khiến người tiêu dùng cảm thấy “nghèo” hơn trước. Hệ quả là họ trì hoãn hoặc từ bỏ các món chi tiêu lớn như xe điện và những thú vui không thiết yếu như cà phê. 

Và vì bất động sản từng là một trong những trụ cột chính của kinh tế Trung Quốc, khi lĩnh vực này khủng hoảng, nhiều ngành liên quan cũng bị ảnh hưởng theo. 

Nhiều công ty trong khu vực tư nhân đã “đóng băng” hoạt động tuyển dụng và một số thì cắt giảm nhân viên. Thị trường lao động ảm đạm lại càng thúc đẩy công chúng ưu tiên tiết kiệm thay vì chi tiêu.

Ông Wang Dan, Giám đốc khu vực Trung Quốc của công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết ngay cả khu vực kinh tế công - vốn nổi tiếng với sự ổn định - cũng đang thu hẹp quy mô nhân sự.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại càng tăng thêm áp lực lên tiêu dùng. Một mặt, các nhà xuất khẩu Trung Quốc mất khách hàng Mỹ có thể không có việc làm cho công nhân. Mặt khác, họ phải tìm cách giải quyết số hàng tồn, có thể bằng cách bán ra thị trường trong nước. Khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng trở nên gay gắt và khiến giá giảm sâu hơn nữa.

Tiêu dùng yếu kém và giá cả sụt giảm liên tục gây ra những hậu quả sâu rộng đến nền kinh tế. Khi giá bán giảm, biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp, từ đó những công ty nhỏ có thể bị dồn vào cảnh phá sản.

Điều này đặc biệt đúng với những ngành dư thừa công suất và bị phân mảnh như xe điện. Các nhà phân tích cảnh báo chiến lược hạ giá để hút khách của BYD có thể khiến nhiều tay chơi nhỏ hơn phải rút lui, bởi hơn một nửa trong số 169 nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc đang giữ chưa đến 0,1% thị phần.

Thêm nữa, tuy giá giảm liên tục có vẻ có lợi cho người tiêu dùng, chúng thực chất lại ẩn chứa những rủi ro nguy hiểm. Người tiêu dùng có thể sẽ trì hoãn mua sắm vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm, càng khiến áp lực giảm phát nặng nề hơn và gây ra vòng lặp tai hại. 

Mặt khác, để bảo vệ biên lợi nhuận, doanh nghiệp có thể sẽ tiết kiệm chi phí bằng cách giảm đầu tư vào chất lượng, tính an toàn của sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi.

Hiểu rõ những mối hại này, các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy người dân mua sắm. Hồi đầu tháng 3, Trung Quốc đã mạnh tay tăng gấp đôi quy mô chương trình “thu cũ, đổi mới” để khuyến khích tiêu dùng lên 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,5 tỷ USD) trong năm nay.

Động thái trên quả thực đã tạo ra một số tác động tích cực, nhưng hiệu quả đó không kéo dài lâu. Doanh số bán lẻ tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,24% so với tháng liền trước, thấp hơn đáng kể tốc độ tăng 0,47% ghi nhận vào tháng 3.

 

Ngoài ra, các quan chức cũng có kế hoạch trợ cấp các khoản vay tiêu dùng và đã cho phép các ngân hàng nâng hạn mức cho vay với những khách hàng đáng tin cậy.

Tuy nhiên, biện pháp này có thể sẽ không tạo ra được tác động như mong muốn. Tờ Economist chỉ ra người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay thích cho doanh nghiệp vay để hưởng “lãi”, chứ không phải vay tiền ngân hàng để mua sắm.

Ví dụ, người tiêu dùng có thể mua thẻ trả trước trị giá 10.000 nhân dân tệ cho một cửa hàng, đổi lại, cửa hàng sẽ tặng họ thêm 2.000 nhân dân tệ để mua hàng hóa trong đó. Nếu người này tiêu hết số tiền đó trong một năm thì họ đã được hưởng “lãi suất” 20%.  

Suy cho cùng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần có những động thái quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng. Nếu chỉ dùng những lời nói suông, họ khó có thể ngăn các cuộc đua về giá tiếp diễn.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 16/06/2025 07:56
Hai sự kiện sẽ chi phối thị trường tuần này, nhà đầu tư khó lòng bỏ qua

Xung đột quân sự giữa Israel và Iran, cùng cuộc họp chính sách mới của Fed, sẽ chi phối giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ tuần này.

Kinh tế Quốc tế 16/06/2025 06:49
Thế thống trị đất hiếm của Trung Quốc thực chất đang suy yếu, 15 năm nữa có thể sẽ lụi tàn

Trong những năm gần đây, một số quốc gia đã tăng cường sản xuất đất hiếm trở lại và thị trường cũng chào đón những tay chơi mới.

Kinh tế Quốc tế 15/06/2025 20:44
Warren Buffett đề xuất giải pháp xoá thâm hụt ngân sách ‘trong 5 phút’, Elon Musk nhiệt liệt ủng hộ

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đưa ra đề xuất này vào năm 2011 và hiện tại bình luận cũ của ông đang thu hút đông đảo sự quan tâm của người Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 15/06/2025 14:23
Thâm hụt ngân sách của Mỹ giảm nhờ nguồn thu từ thuế nhập khẩu

Tính từ đầu năm tài khóa 2025 (bắt đầu từ tháng 10/2024), tổng thu từ thuế hải quan của Mỹ đã đạt 86 tỷ USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm tài khóa trước đó.