Kinh tế Quốc tế 29/09/2024 16:46

Thứ còn thiếu trong gói kích thích kinh tế khủng của Trung Quốc

Gói kích thích mới nhất của Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách đáng chú ý, trừ một giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng phát biểu tại cuộc họp bất thường hôm 24/9. (Ảnh: Reuters).

Bước đi đáng khen

Trong cuộc họp báo bất thường vào ngày 24/9, các quan chức Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm đảo ngược tình trạng trì trệ của đất nước. Bằng gói kích thích tiền tệ mới, Bắc Kinh đã tiêm một liều adrenaline cho nền kinh tế.

Tại cuộc họp báo, Thống đốc Pan Gongsheng thông báo PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm % xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, đồng thời hạ lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày xuống 1,5%.

Ngoài ra, ông Pan cũng công bố các biện pháp để củng cố thị trường bất động sản, bao gồm giảm lãi suất đối với số nợ vay thế chấp mua nhà trị giá 5.300 tỷ USD và hạ yêu cầu trả trước đối với căn nhà thứ hai xuống mức thấp kỷ lục 15%.

Bên cạnh đó, PBoC sẽ đẩy mạnh chương trình cho vay để doanh nghiệp nhà nước mua những căn nhà bị ế. Từ bây giờ, PBoC sẽ cấp 100% tiền gốc cho các khoản vay ngân hàng thuộc nhóm này, tăng so với mức 60% vào tháng 5.

Thống đốc Pan cũng tiết lộ chính phủ sẽ cho phép các công ty môi giới chứng khoán và quỹ đầu tư tiếp cận vốn của ngân hàng trung ương để mua cổ phiếu.

Trong một lưu ý, JPMorgan Chase ước tính động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 142 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Thị trường ca ngợi gói chính sách mới là một bước đi đúng đắn, là thay đổi có ý nghĩa hơn so với các sáng kiến nhỏ lẻ trước kia. Giá cổ phiếu Trung Quốc nhảy vọt, giúp chỉ số CSI 300 có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, dù cảm thấy có phần khích lệ, các nhà kinh tế vẫn cảnh báo thị trường không nên đánh giá quá cao tác động của gói chính sách mới.

“Mặc dù các con số nghe có vẻ lớn và nỗ lực của Bắc Kinh có vẻ sâu rộng, chỉ riêng mỗi gói kích thích này có thể là chưa đủ để đưa toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi tình trạng trì trệ”, bà Liz Young Thomas, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại SoFi, lưu ý.

 

Muốn thay đổi, hãy vực dậy người tiêu dùng

Chia sẻ với Business Insider, nhà kinh tế Huang Tianlei nhận xét: “Nền kinh tế Trung Quốc có nhiều vấn đề sâu sắc, mang tính cấu trúc không thể chỉ giải quyết bằng một gói kích thích. Tôi nghĩ còn quá sớm để ăn mừng”.

Ông Huang, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết tác động của gói kích thích tiền tệ mới sẽ suy yếu do chi tiêu tài khoá của Trung Quốc thu hẹp. Chính phủ không mạnh tay chi tiêu cho người tiêu dùng, dù đây là động lực để nền kinh tế phục hồi.

Người dân không chi tiêu là nguyên nhân cốt lõi cho vấn đề của Trung Quốc. Người tiêu dùng hiện quá chú trọng vào việc tiết kiệm, khiến nền kinh tế tỷ dân phải chống chọi với vòng xoáy giảm phát.

Giữa lúc đó, các khách hàng cũng không muốn mua bất động sản, một lĩnh vực từng chiếm tới 30% GDP. Thị trường nhà đất vẫn đang chật vật với tình trạng nợ nần, vỡ nợ và tồn kho tăng cao.

Theo quan điểm của nhà kinh tế Huang, Bắc Kinh cần chi tiêu nhiều hơn cho con người thay vì tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng. Giải quyết cuộc khủng hoảng nhà đất cũng có thể thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng, ông nói thêm.

Mặc dù gói kích thích mới không đề cập đến hỗ trợ tài khoá, các quan chức Trung Quốc dường như đang bắt tay vào việc. Hôm 27/9, Reuters đưa tin Trung Quốc có kế hoạch phát hành hơn 284 tỷ USD trái phiếu chính phủ đặc biệt.

Thông tin trên xuất hiện khoảng một ngày sau khi giới lãnh đạo Trung Quốc lưu ý đến việc hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình và ổn định thị trường bất động sản. Reuters cho biết những bình luận hiếm hoi này được đưa ra tại cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị.

Barclays trích dẫn một số nguồn tin cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gần đây đã ủng hộ một gói kích thích tài khoá có quy mô rất lớn, lên tới 1.400 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 200 tỷ USD). Gói này có thể sẽ được triển khai trong hai năm tới.

Theo nhận định của Barclays, đây sẽ là một gói kích thích “siêu khủng” có thể hấp thụ lượng lớn tồn kho nhà ở, kích thích tiêu dùng, giảm bớt gánh nặng nợ nần cho người dân và tài trợ cho các dịch vụ công khác.

Các nhà kinh tế tại gã khổng lồ tài chính ước tính nếu được công bố, gói kích thích tài khoá nói trên có thể giúp GDP Trung Quốc tăng trưởng 5% vào năm 2025. Trong khi đó, gói kích thích tiền tệ mới đây được kỳ vọng chỉ giúp tăng trưởng đạt 4,4% vào năm tới.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay, các chuyên gia lo lắng rằng Bắc Kinh có thể bỏ lỡ mục tiêu 5%. Ngay cả khi chính phủ cam kết hỗ trợ tài khoá trong thời gian tới, các chính sách có thể đến quá muộn, khó thay đổi kết quả năm nay.

Nhà kinh tế Huang lưu ý rằng giữa thời điểm thông báo phát hành trái phiếu và phát hành trái phiếu thực tế thường có độ trễ. Mùa đông đang đến rất gần và điều này có thể làm chậm hoạt động trong các lĩnh vực có thể nhận hỗ trợ như cơ sở hạ tầng.

“Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là một trong những lý do tại sao đến đầu năm nay Trung Quốc mới sử dụng lượng trái phiếu chính phủ phát hành bổ sung vào tháng 10 năm ngoái”, ông cho hay.

Trong một phân tích công bố vào giữa tuần, Bank of America cho biết chắc chắn việc hỗ trợ tài khoá là không đủ để hoàn toàn vực dậy niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc. Các chính sách cần phải giải quyết lý do tại sao người dân lại không chi tiêu.

dụ, người tiêu dùng Trung Quốc đang tránh xa các dự án nhà ở mới ngay cả khi chính phủ vừa thông báo hạ lãi suất vay thế chấp mua nhà và yêu cầu thanh tối tối thiểu cho căn nhà thứ hai.

Ông Huang giải thích nguyên nhân bắt nguồn từ việc các dự án mới vẫn chưa hoàn thiện, làm giảm nhu cầu mua nhà mới của người dân. Nhiều khách hàng phải chờ nhiều năm mới được nhận nhà.

Theo góc nhìn của vị chuyên gia này, chính phủ Trung Quốc cần phải trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các dự án chưa hoàn thiện.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chật vật với vấn đề giảm phát.

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 29/09/2024 15:11
Chính phủ Nhật Bản ủng hộ tuần làm việc 4 ngày nhưng vì sao người dân không mấy mặn mà?

Panasonic, một trong những công ty lớn nhất Nhật Bản, cho phép 63.000 nhân viên lựa chọn làm việc 4 ngày trong tuần, nhưng chỉ 150 người tham gia chương trình này.

Kinh tế Quốc tế 29/09/2024 08:32
Hezbollah xác nhận thủ lĩnh Nasrallah thiệt mạng sau vụ không kích của Israel

Ngày 28/9, phong trào Hezbollah ở Lebanon đã xác nhận rằng thủ lĩnh Sayyed Hassan Nasrallah của nhóm này đã bị sát hại, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại Israel.

Kinh tế Quốc tế 29/09/2024 08:21
Bậc thầy đầu tư: David Tepper ghi danh vào lịch sử nhờ ván cược liều lĩnh trong khủng hoảng tài chính 2008

David Tepper tạo dựng tên tuổi trên Phố Wall nhờ những ván cược táo bạo trong hơn 30 năm qua. Nước đi của ông trong khủng hoảng tài chính năm 2008 được coi là một trong những thương vụ đầu tư xuất sắc nhất mọi thời đại.

Kinh tế Quốc tế 29/09/2024 07:55
Các nước đánh thuế để ngăn đầu cơ nhà đất thế nào

Anh tăng thuế thêm 3% so với bình thường nếu mua nhà thứ hai, còn Singapore áp 20% thuế nếu mua căn thứ hai và 30% cho căn thứ ba.