Kinh doanh & Thị trường 09/12/2022 10:46

Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chỉ ra 6 yếu tố giúp doanh nghiệp Việt tăng tốc chuyển đổi số, phục hồi kinh doanh sau đại dịch

Theo lãnh đạo Microsoft Việt Nam, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần tập trung tăng tốc để đạt được nhiều kết quả tốt hơn với nguồn lực ít hơn.

Ngày 7/12, Hội thảo Microsoft Technology Summit 2022 – sự kiện công nghệ do Microsoft Việt Nam và các đối tác công nghệ đồng tổ chức đã diễn ra tại Vinpearl Landmark 81, TP HCM.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số. Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề trên thế giới áp dụng công nghệ để có thể duy trì vận hành và phục hồi kinh doanh. Và lúc này là thời điểm các doanh nghiệp cần phải tập trung tăng tốc để có thể đạt được nhiều kết quả tốt hơn với nguồn lực ít hơn.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc 6 điều kiện thiết yếu sau đây, gồm: Dịch chuyển lên nền tảng đám mây; thống nhất dữ liệu và ứng dụng AI làm nền tảng; trao quyền cho các bộ phận; tái tạo năng lượng cho nhân viên; triển khai các quy trình kinh doanh cộng tác; và đặt bảo mật làm ưu tiên hàng đầu”.

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam. (Ảnh: Microsoft).

Bên cạnh đó, lãnh đạo Microsoft Việt Nam cũng đã có những giải thích chi tiết hơn về từng điều kiện được bà nhắc tới như cách để giúp doanh nghiệp tăng tốc, đạt được nhiều kết quả tốt hơn với nguồn lực ít hơn.

Đầu tiên, về yếu tố dịch chuyển lên nền tảng đám mây, bà Trâm chia sẻ rằng đây là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn vươn lên trong thời đại công nghệ số. Dịch chuyển lên đám mây không đơn thuần là di chuyển dữ liệu và các ứng dụng hiện có lên đám mây, mà doanh nghiệp cần có khả năng xây dựng cho mình những ứng dụng trên nền tảng đám mây đó, gọi là cloud-native. Nghiên cứu cho thấy khoảng 95% các ứng dụng sẽ là cloud-native vào năm 2025 và doanh nghiệp nào không dịch chuyển lên đám mây sẽ trở nên lạc hậu và bị bỏ lại phía sau.

Về yếu tố thống nhất dữ liệu và ứng dụng AI làm nền tảng, bà Trâm cho rằng con người đang sống trong thời đại của trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2025, khoảng 10% dữ liệu sẽ được tạo ra bởi các AI có khả năng sản sinh dữ liệu (generative AI). Do đó, doanh nghiệp nào xây dựng được các mô hình trí tuệ nhân tạo sẽ tạo cho mình những lợi thế cạnh tranh.

“70% ứng dụng trong năm 2025 sẽ là các ứng dụng được xây dựng từ công cụ low-code và no-code. Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng mọi bộ phận trong tổ chức đều có thể tiếp cận và sử dụng các công cụ này như một nhà phát triển, góp phần cùng các đội ngũ công nghệ thông tin nâng cao hiệu suất công việc và thúc đẩy kinh doanh trong thời đại công nghệ số”, bà Trâm nói về yếu tố trao quyền cho các bộ phận.

Kế đó, liên quan tới yếu tố nắm bắt quy trình kinh doanh cộng tác, nữ lãnh đạo Microsoft Việt Nam cho biết trong thời đại công nghệ số, mọi ứng dụng kinh doanh, dù là chuỗi cung ứng, quản lý khách hàng hay các kênh phân phối, đều có thể được kết nối, cộng tác với nhau, đều có thể được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và chúng sẽ kết nối thế giới vật lý với thế giới ảo.

Do đó, để không rơi vào tình trạng bị động do không có cái nhìn tổng thể toàn bộ quy trình của tổ chức và ra quyết định kịp thời, các doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình những công cụ có khả năng cộng tác và hoạt động ở cả hai thế giới thực và vụ trụ ảo.

“Thực tế cho thấy đại dịch đã thay đổi cách chúng ta làm việc và thúc đẩy mô hình làm việc hybrid phát triển. Báo cáo Work Trend Index 2022 của Microsoft đã chỉ ra rằng, chỉ 10% lãnh đạo tin tưởng nhân viên làm việc hiệu quả, trong khi 83% nhân viên khẳng định họ làm việc rất hiệu quả trong môi trường làm việc hỗn hợp.

Báo cáo cũng cho thấy 76% nhân viên muốn có lý do chính đáng hơn để lên văn phòng và 83% cho biết được giao tiếp chính là lý do khiến họ lên văn phòng. Ngoài ra, 59% nhân viên được hỏi cho biết cách tốt nhất để phát triển kỹ năng là thay đổi công ty, và 72% nói họ sẵn sàng ở lại nếu công ty có nhiều cơ hội học tập hơn.

Vì vậy, thay vì áp dụng các quy định mang tính ràng buộc, các doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường làm việc linh hoạt, tạo ra nhiều cơ hội cho nhân viên được phát triển bản thân và trang bị những công cụ giúp không chỉ lãnh đạo mà cả nhân viên có thể đo lường hiệu quả công việc”, bà Trâm chia sẻ về yếu tố thứ 5, tái tạo năng lượng cho nhân viên.

Cuối cùng, theo bà Trâm, về yếu tố ưu tiên bảo mật, đến năm 2025, tội phạm mạng ước tính sẽ gây thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới. Và các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm dễ tổn thương nhất trước các các mối đe dọa an ninh mạng.

Tại Châu Á – Thái Bình Dương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% và là nơi làm việc của 50% lực lượng lao động, đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế và xã hội của khu vực.

Do đó, bảo mật luôn cần được ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược phát triển và chuyển đổi của tổ chức. Các doanh nghiệp cần triển khai phương pháp xác thực đa yếu tố và xây dựng kiến trúc Zero-trust trong mọi sản phẩm và giải pháp để có thể bảo vệ tổ chức trước những thách thức này.

Đầu tháng 3, Microsoft chính thức công bố bổ nhiệm bà Nguyễn Quỳnh Trâm làm tân Tổng Giám đốc của Microsoft Việt Nam. Theo thông tin có được, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, người vừa được bổ nhiệm tân Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam, có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại trường Kinh doanh École Supérieure des Sciences Economiques et Commerciale (ESSEC Business School) và tốt nghiệp Đại học Erasmus Rotterdam, trường Kinh tế.

Ngoài ra, bà Trâm cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý các thị trường khu vực châu Á và châu Âu, từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông và truyền thông.

Trước khi gia nhập Microsoft, bà Trâm giữ vị trí Giám đốc quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào của Google APAC.

Bà từng là Phó tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của FOX Networks Group và từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại Vietnamobile, VSTV (liên doanh giữa Đài truyền hình Việt Nam VTV và Tập đoàn truyền hình trả tiền của Pháp Canal Plus), quỹ phát triển United National Development Fund, PayPal và Orange, là nhà nghiên cứu và viết dự án cho Việt Nam tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). 

Anh Nguyễn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 24/04/2024 20:45
Kết quả Vietlott Mega 6/45 ngày 24/4/2024 Jackpot hơn 33,9 tỷ đồng vô chủ

Cập nhật nhanh kết quả quay số Vietlott Mega 6/45 hôm nay (24/4/2024), giải thưởng lớn jackpot giá trị hơn 33,9 tỷ đồng không tìm thấy được chủ nhân may mắn trúng giải.

Kinh doanh & Thị trường 24/04/2024 17:55
Lãnh đạo Vinasun: Đầu tư 700 xe hybrid, thị phần bị ảnh hưởng bởi Xanh SM

Lãnh đạo Vinasun cho biết tổng vốn đầu tư cho đội xe hybrid vào khoảng 630 - 650 tỷ đồng và công ty đang có dự định nâng lên 1.000 chiếc trong năm nay nếu những thử nghiệm ban đầu thành công.

Kinh doanh & Thị trường 24/04/2024 17:22
Chủ tịch Năm Bảy Bảy nói về lý do dự án nghỉ dưỡng ở Bình Thuận chậm trễ hơn 10 năm

De Lagi (Bình Thuận) là một trong những dự án trọng điểm của NBB từ nhiều năm nay và theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2016. Lần gần nhất, chủ đầu tư muốn trình cổ đông thông qua việc nâng tổng mức đầu tư dự án này lên 11.800 tỷ đồng nhưng đã thay đổi phương án tại cuộc họp sáng ngày 24/4.

Kinh doanh & Thị trường 24/04/2024 17:05
Gotion mua 15 triệu cổ phiếu VinFast: Hiệu quả đầu tư ra sao?

Gotion cho biết mục đích mua cổ phiếu VFS của VinFast nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược của công ty đầu tư, chứ không phải để kiếm lợi nhuận ngắn hạn.