Kinh tế Quốc tế 12/03/2023 09:39

15 bộ của Mỹ tiêu hơn 5.000 tỷ USD trong một năm, bộ nào có chi phí hoạt động cao nhất?

Mỗi năm, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cần hơn 1.800 tỷ USD để duy trì hoạt động. Bộ này cũng kiếm về khoảng 154 tỷ USD.

Chính phủ Mỹ được chia ra thành ba nhánh độc lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhánh lập pháp là Quốc hội, với Thượng viện và Hạ viện, trong khi nhánh tư pháp là tòa án tối cao và các tòa án địa phương. 

Đứng đầu nhánh hành pháp là Nhà Trắng, bao gồm Tổng thống, Phó Tổng thống và 15 bộ lớn. Ngoài ra, nhánh hành pháp của chính phủ Mỹ gồm các cơ quan độc lập như Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), ....

Theo Bộ Tài chính Mỹ, vào năm 2022, chi phí để vận hành chính phủ Mỹ là 7.420 tỷ USD. Trong đó, 15 bộ tiêu tốn mất khoảng 5.075 tỷ USD.

Cần lưu ý chi phí vận hành khác với ngân sách. Bộ Tài chính Mỹ cho biết chi phí của các cơ quan chính phủ được tính toán trên cơ sở kế toán dồn tích, trong khi ngân sách được tính toán dựa trên cơ sở kế toán tiền.

Kế toán dồn tích ghi nhận doanh thu và chi phí dựa trên nguyên tắc dự thu – dự chi, còn kế toán tiền ghi nhận doanh thu và chi phí theo nguyên tắc thực thu – thực chi. 

Chi phí vận hành của 15 bộ trong chính phủ Mỹ đã tăng vọt sau dịch COVID.

Trong những năm gần đây, chi phí của các bộ trong chính phủ Mỹ đã tăng mạnh, đặc biệt sau ba năm đương đầu với đại dịch COVID. Trong năm 2020, chi phí để vận hành 15 bộ này đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ USD, chủ yếu đến từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Bộ Lao động. 

Bộ nào có chi phí cao nhất?

Vào năm 2022, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh là cơ quan hành pháp có chi phí cao nhất trong chính phủ Mỹ. Vị trí thứ hai thuộc về Bộ Quốc phòng, tiếp đến là Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đang đảm nhận chương trình Medicare và các chương trình chăm sóc sức khỏe, y tế khác. Trong khi đó, chi phí của Bộ Quốc phòng cao do Mỹ sở hữu quân đội mạnh mẽ nhất thế giới.

Xét theo thứ tự thừa kế chức vụ Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là người có quyền lực nhất trong số 15 Bộ trưởng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của bộ này chỉ là 40 tỷ USD vào năm ngoái.

Ngoài 15 bộ trên, vào năm 2022, những cơ quan hành pháp có chi tiêu cao trong chính phủ Mỹ bao gồm Sở An sinh Xã hội (1.294 tỷ USD), Văn phòng Quản lý Nhân sự (175 tỷ USD), Cơ quan Hỗ trợ An ninh (102 tỷ USD), Dịch vụ Bưu chính (79 tỷ USD), Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (48 tỷ USD), ... Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chỉ có mức chi phí là 22,3 tỷ USD.

Nhìn chung, chi phí hoạt động của các bộ trong chính phủ Mỹ tăng đều trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Theo ước tính của Bộ Tài chính, lĩnh vực sức khỏe đang chiếm 15% chi tiêu của chính phủ Mỹ, chỉ xếp sau an sinh xã hội (19%).

 

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh thu về nhiều nhất

Đa phần nguồn thu của chính phủ Mỹ đến từ các khoản thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thừa kế và những loại thuế, phí khác ...

Nguồn thu của chính phủ Mỹ cũng đến từ các bộ, các cơ quan. Vé vào cửa công viên quốc gia, phí thuê, bán tài nguyên thiên nhiên, phí sử dụng, cấp phép cũng đóng góp vào nguồn thu của chính phủ. Doanh thu của các bộ nhìn chung chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của chính phủ Mỹ.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh chịu trách nhiệm quản lý chương trình Medicare, đóng góp khoảng hơn 30% doanh thu của chính phủ Mỹ.  

Bộ Quốc phòng đông nhât viên nhất

Theo số liệu của Nhà Trắng, tổng số nhân viên đang làm việc trong 15 bộ thuộc chính phủ Mỹ là khoảng 4,3 triệu người.

Trong đó, 3,2 triệu người (hơn 75%) đang phục vụ cho Bộ Quốc phòng, bao gồm 1,4 triệu binh sĩ thường trực, 700.000 nhân viên dân sự và 1,1 triệu người phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia và dự bị. Ngoài ra, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Cựu chiến binh cũng có gần nửa triệu nhân viên. 

Trong suốt lịch sử gần 250 năm, tổng thời gian Mỹ không xảy ra chiến tranh hoặc không tham chiến tại quốc gia khác chỉ là khoảng 25 năm. Bởi vậy, Mỹ luôn phải duy trì một quân đội mạnh mẽ. Hiện nay, quân đội Washington đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng binh sĩ thường trực, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia có dân số gấp hơn 4 lần Mỹ. 

Bộ Tư pháp Mỹ, với những cơ quan trực thuộc như Cục Điều tra Liên bang (FBI), Lực lượng Chống Ma túy (DEA), Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF), đứng vị trí thứ 4 về số lượng nhân viên.

Bộ Quốc phòng Mỹ có số nhân viên gấp ba lần tất cả các bộ khác cộng lại. 

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 17/09/2024 11:23
Chuyện lạ ở thị trường xe điện lớn nhất thế giới

Trong khi các thành phố giàu có như Thượng Hải và Thâm Quyến dẫn đầu xu hướng sử dụng xe điện, bức tranh ở vùng nông thôn lại không tươi sáng như vậy.

Kinh tế Quốc tế 17/09/2024 11:09
Đến nay cảnh sát đã biết những gì về nghi phạm ám sát ông Trump?

Ryan Routh, nghi phạm ám sát ông Trump tại sân golf ở Florida, từng bị kết án vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp và tàng trữ đồ ăn cắp.

Kinh tế Quốc tế 17/09/2024 08:05
Nợ của các chính quyền địa phương là vật cản vô hình lên tăng trưởng, gây rủi ro lớn cho các ngân hàng Trung Quốc

Các nỗ lực ổn định nợ và gia tăng nguồn thu của chính quyền địa phương Trung Quốc gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chuyên gia đánh giá các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương là mối nguy lớn với hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Kinh tế Quốc tế 17/09/2024 06:38
Dow Jones lên đỉnh mới ngay trước cuộc họp của Fed

Chỉ số S&P 500 đang tiến sát đỉnh lịch sử, trong khi Dow Jones chạm đỉnh mới khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Fed.