Kinh doanh & Thị trường 17/04/2024 14:31

5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030

Khánh Hòa là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030,  Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp, khoa học và công nghệ,...

GRDP bình quân đầu người dự kiến vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8,3%/năm.

Cùng với đó, phát triển hệ thống cảng biển Khánh Hòa là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, tạo tiền đề để khu bến Vân Phong phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế; có bến cảng tổng hợp, container, bến cảng khách quốc tế.

Theo tìm hiểu của người viết, dân số tỉnh Khánh Hòa vào khoảng hơn 1,2 triệu người theo cập nhật năm 2022. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm hai thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 6 huyện với 139 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 35 phường, 6 thị trấn và 98 xã. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến hết năm 2022 đạt 65%.

 Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện nay. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Đưa hai huyện Vạn Ninh, Diên Khánh lên thị xã

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Khánh Hòa có hai đô thị loại I bao gồm TP Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm, một đô thị loại II (TP Cam Ranh), một đô thị loại III và hai đô thị loại IV và các đô thị loại V. Dự kiến tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 70%.

Cùng với đó, quy hoạch cũng sẽ đưa hai huyện Vạn Ninh và Diên Khánh lên thị xã, phân loại đô thị loại IV.

Trong đó, TP Nha Trang được quy hoạch là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp.

Thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp và huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Một góc huyện Diên Khánh hiện nay. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Ba vùng động lực, 5 hành lang kinh tế theo các trục giao thông

Theo quy hoạch trên, tỉnh Khánh Hòa sẽ có ba vùng động lực bao gồm khu vực vịnh Vân Phong, khu vực này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.

Khu vực TP Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trường quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

Khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái.

5 hành lang kinh tế  bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam, đây là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia, là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối ba vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không...

Hành lang kinh tế Đông - Tây (trên cơ sở trục giao thông QL 26, QL 26B và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.

Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (trên cơ sở QL 27C và cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng), kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.

Hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn (trên cơ sở đường ĐT 656) kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là thành phố Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển - đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa...

Phát triển khu kinh tế Vân Phong quy mô 150.000 ha

Khu kinh tế Vân Phong (gọi tắt là khu kinh tế) có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền và đảo và 80.000 ha mặt nước, thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó có: Cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác...

Không gian phát triển khu kinh tế tập trung chủ yếu tại hai khu vực, gồm khu vực bắc Vân Phong và nam Vân Phong. Khu vực bắc Vân Phong tập trung tại bán đảo Hòn Gốm, khu vực Đại Lãnh, khu vực Tu Bông và thị trấn Vạn Giã, gồm cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế.

Các công trình dịch vụ hậu cảng, công nghiệp, các khu đô thị du lịch và các khu đô thị đan xen với các khu rừng ngập mặn, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi trên bán đảo.

Khu vực nam Vân Phong tập trung tại khu vực đông bắc thị xã Ninh Hòa và xã Ninh Phước, gồm cảng nước sâu, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển, dọc theo tỉnh lộ 652D (tỉnh lộ 1B cũ), cũng như phía đông đường sắt quốc gia Bắc - Nam.

Một góc khu kinh tế Vân Phong. (Ảnh: HVS)

Ba tuyến cao tốc lớn quy hoạch qua tỉnh Khánh Hòa

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được quy hoạch với ba tuyến cao tốc lớn, 5 tuyến quốc lộ và một tuyến tránh QL 1 qua đô thị.

Ba tuyến cao tốc lớn bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT 01), nối từ giáp ranh tỉnh Phú Yên tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh đến giáp ranh tỉnh Ninh Thuận tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Quy mô theo quy hoạch là 6 làn xe.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông có đoạn thành phần đi qua tỉnh Khánh Hòa bao gồm: Vân Phong - Nha Trang,  Nha Trang - Cam Lâm  và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83 km, điểm đầu tuyến nằm tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh; điểm cuối nằm tại xã Diên thị, huyện Diên Khánh, quy mô quy hoạch 6 làn xe. Tuyến cao tốc này hiện đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, dài hơn 49 km. Điểm đầu tuyến nằm tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, quy mô quy hoạch 6 làn xe. Tuyến cao tốc đã được đưa vào sử dụng từ ngày 19/5/2023.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dài 78,5 km. Điểm đầu tuyến nằm tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh; điểm cuối giáp ranh tỉnh Ninh Thuận, quy mô quy hoạch 6 làn xe. Tuyến cao tốc này được dự kiến thông xe vào ngày 30/4 tới đây.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh hảo trước ngày thông xe. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Tuyến thứ hai là cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (CT 24), đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài gần 33 km. Điểm đầu nằm tại QL 1 - khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa; điểm cuối nằm tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, quy mô quy hoạch 4 làn xe. Tuyến cao tốc này được dự kiến khai thác đồng bộ vào năm 2027.

Tuyến thứ ba là cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 25), đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 44 km.

Điểm đầu tuyến giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại khu vực Diên Khánh; điểm cuối xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, quy mô quy hoạch 4 làn xe. Tuyến cao tốc này dự kiến được thực hiện từ năm 2025 - 2028.

Hải Quân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 30/04/2024 08:00
Yếu tố nào chi phối thị trường bất động sản châu Á?

Một số thị trường bất động sản ở châu Á chứng kiến sự giảm sút mạnh về giá cũng như lượng giao dịch. Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ do vấn đề lãi suất mà còn do sự mất cân đối cung cầu.

Kinh doanh & Thị trường 30/04/2024 07:50
Bán xe VinFast cho Xanh SM mang về bao nhiêu tiền cho Vingroup?

Sau một năm hoạt động, Xanh SM có thị phần đứng thứ hai thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, với 18,17% thị phần vào quý IV/2023.

Kinh doanh & Thị trường 29/04/2024 17:10
Loạt ôtô mới vừa ra mắt khách Việt

Trong tháng 4, bản mới Everest, Ranger của Ford, mẫu SUV tí hon Suzuki Jimny, bản nâng cấp Toyota Corolla Cross, Volkswagen Teramont lần lượt ra mắt thị trường.

Kinh doanh & Thị trường 29/04/2024 15:31
Thỏa thuận AI giữa Microsoft và Amazon 'vào tầm ngắm'

Cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh đã thực hiện những bước đầu tiên hướng tới ba cuộc điều tra tiếp theo về liên minh giữa các tập đoàn lớn về công nghệ và các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo.