Ấn Độ vượt Trung Quốc, dẫn dắt nhu cầu và giá vàng toàn cầu

Trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng tại hầu hết các thị trường quốc tế, lực cầu từ châu Á, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, đang trở thành yếu tố chủ chốt chi phối diễn biến giá kim loại quý này, theo Kitco News.

Thị trường vàng nội địa Ấn Độ tuần này liên tục nóng khi giới thương nhân cho biết, lần đầu tiên trong 5 tháng qua, giá vàng nội địa và quốc tế có mức chênh lệch.

Các đại lý tại thị trường vàng lớn thứ 2 thế giới bắt đầu tuần giao dịch với mức chiết khấu lên đến 24 USD/ounce so với giá bán chính thức, nhưng đến thứ Sáu ngày 2/5, đã chuyển sang thu mức chênh lệch cao hơn 3 USD/ounce. Tuần trước đó, mức chiết khấu lên đến 80 USD/ounce.

Nhu cầu mua vàng tại Ấn Độ bắt đầu tăng khi vào mùa lễ hội Akshaya Tritiya – một trong 2 dịp mua vàng lớn nhất ở nước này, chỉ sau lễ hội Dhanteras – và việc mua sắm sẽ tăng mạnh hơn nếu giá vàng giảm.

Nhu cầu trang sức vàng Ấn Độ và Trung Quốc các quý năm 2024 - 2025. (Nguồn: HT tổng hợp từ Hội đồng Vàng Thế giới).

Việc giá vàng điều chỉnh từ mức kỷ lục mới 3.500 USD/ounce hồi tuần trước đóng vai trò lớn trong việc kích cầu tại Ấn Độ. Nhiều người dù có nhu cầu nhưng chưa mua vàng do giá liên tục biến động và đang chờ đợi đợt điều chỉnh giá. “Tuần tới, người dân sẽ mua vàng nếu giá ổn định,” một đại lý vàng ở Chennai cho hay.

Diễn biến mạnh mẽ của thị trường vàng Ấn Độ càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh thị trường Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ vàng số một thế giới - đóng cửa nghỉ lễ Quốc tế Lao động từ ngày 1-5/5, khiến thị trường vàng toàn cầu thiếu vắng một trong những lực cầu lớn nhất.

Ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, lưu ý rằng việc thiếu vắng lực cầu từ Trung Quốc khiến vàng chịu thêm áp lực giảm giá.

Vấn đề then chốt hiện giờ là liệu trong tuần tới các nhà đầu tư Trung Quốc có quay lại thị trường với lực mua tương tự hay không, hay mức giá “mềm hơn” trong kỳ nghỉ lễ sẽ thúc đẩy làn sóng chốt lời. “Một đợt điều chỉnh sâu hơn có thể kéo giảm giá vàng xuống vùng 2.950–3.000 USD/ounce”, ông Ole Hansen nhận định.

Khi giới đầu cơ giảm mua vào và nhu cầu từ Trung Quốc tạm dừng, hướng đi ngắn hạn của giá vàng phụ thuộc vào lực mua từ châu Á sau kỳ nghỉ lễ. Nếu lực mua chưa hồi phục, đà bán tháo vàng hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Tháng 4 vừa qua, thị trường vàng đã chứng kiến sự hồi phục nhu cầu từ Trung Quốc. Ông Joseph Cavatoni, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nói với Kitco News rằng, theo dữ liệu sơ bộ, dòng vốn đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục.

Người dân Trung Quốc thường tăng mua vào trước kỳ nghỉ lễ. Nửa đầu tuần trước, các đại lý đã tính mức chênh lệch 34–48 USD/ounce so với giá giao ngay trên thị trường quốc tế, giảm nhẹ so với mức chênh 44–50 USD/ounce trong tuần trước đó.

Tuy Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, song số liệu mới công bố trong tuần này cho thấy Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc ở một trong những phân khúc quan trọng nhất của thị trường.

Theo báo cáo từ Zerodha Fund House, năm 2024, Ấn Độ thực sự là quốc gia tiêu thụ trang sức vàng lớn nhất thế giới, đạt 563 tấn. Tổng nhu cầu vàng của Ấn Độ năm 2024 vượt 800 tấn nhờ đà tăng tiêu thụ trang sức vàng và đầu tư vào các quỹ ETF vàng.

Năm 2024, người Ấn Độ cũng đầu tư mạnh vào vàng miếng và tiền xu, khi tổng lượng mua đạt 239 tấn, tăng 60% so với năm 2023, đưa Ấn Độ trở thành nhà đầu tư vàng miếng và vàng xu lớn thứ 2 thế giới.

Báo cáo của Zerodha Fund House cũng cho thấy, các nhà đầu tư Ấn Độ ngày càng quan tâm đến quỹ ETF vàng. Trong 5 năm qua, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF tại quốc gia này tăng từ 21 tấn lên 63 tấn.

Nhu cầu vàng miếng và xu của Ấn Độ và Trung Quốc các quý năm 2024 - 2025. (Nguồn: HT tổng hợp từ Hội đồng Vàng Thế giới).

Đà tăng trong tiêu thụ trang sức vàng của Ấn Độ diễn ra đồng thời với sự sụt giảm trong phân khúc này tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu trang sức vàng tại Trung Quốc đại lục trong quý I năm nay đạt 125 tấn – mức thấp nhất trong 5 năm qua và thấp hơn 19% so với mức trung bình 10 năm.

Việc Trung Quốc mất vị thế thị trường trang sức vàng lớn nhất thế giới chắc chắn liên quan đến mức giá vàng cao chưa từng thấy, nhưng thị hiếu người tiêu dùng thay đổi cũng đóng vai trò quan trọng.

“Ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng những món đồ nhẹ hơn và hợp túi tiền hơn,” ông Wang Lixin, CEO phụ trách chi nhánh Trung Quốc của WGC cho biết.

Bà Liu Yan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Trang sức và Thời trang Yuyuan, cho rằng giá vàng cao đã khiến một số người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm cho đến khi giá giảm, hoặc chọn mua trang sức vàng nhẹ hơn.

Ông Deng Ronghua, Tổng Giám đốc Công ty Trang sức Chow Tai King, cũng có cùng quan điểm. “Trước đây, doanh số bán của công ty chủ yếu đến từ các món trang sức vàng lớn; nhưng hiện tại, sản phẩm nhẹ hơn đang bán chạy hơn, và khách hàng thường chi tiêu bình quân khoảng 2.000–3.000 nhân dân tệ mỗi món. Ngoài ra, các doanh nghiệp tái chế vàng cũng đang đạt kết quả khả quan,” ông Deng cho hay.

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào quỹ ETF vàng với tốc độ kỷ lục

Trung Quốc chiếm hơn một nửa dòng vốn vào ETF vàng toàn cầu trong 4 tuần qua giữa căng thẳng thương mại, theo Financial Times.

Philippines dự kiến bán gạo trợ giá từ giữa tháng 5

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ bán ra ít nhất 370.000 tấn gạo lưu kho với giá khoảng 20 peso/kg (0,36 USD), chỉ bằng 1/2 mức giá thị trường hiện tại.

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập than giá rẻ

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập 17,27 triệu tấn than trong ba tháng đầu năm, chủ yếu phục vụ nhà máy nhiệt điện.

NHNN báo cáo Quốc hội về chênh lệch giá vàng cao kỷ lục

NHNN cho biết, thị trường vàng trong thời gian tới vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Vì vậy, cơ quan này đề nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO