Tại chương trình Data Talk số đầu năm 2025 với chủ đề "Bản đồ tài sản 2025 - Chiến lược từ các quỹ lớn" do VietnamBiz tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết trong năm 2024, tỷ giá USD/VND đã có nhiều lần biến động mạnh trước những ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài mà chủ yếu là từ việc đồng USD lên giá.
Nhìn lại chu kỳ tăng lãi suất bên Mỹ, trong vòng 3 năm (2015-2018), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chỉ tăng lãi suất 9 lần, tổng mức tăng 2,25 điểm %. Tuy nhiên, sang chu kỳ 2022 - nay, Fed bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3/2022 - 7/2023, chỉ trong vòng hơn một năm, Fed tăng lãi suất 11 lần, tương ứng tổng mức tăng 5,25 điểm %, cao hơn gấp đôi giai đoạn trước.
Chuyên gia cho biết trước bối cảnh đó tỷ giá VND cũng như đồng tiền trên nhiều thị trường biến động rất mạnh. Theo đó, VND mất giá hơn 11% so với USD từ 2022 đến nay, riêng trong năm 2024 là 5%. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng của chỉ số USD Index (DXY), mức độ mất giá VND so với nhiều đồng tiền của các quốc gia khác thực sự không quá lớn.
Trước đó, trong giai đoạn 2015, khi thị trường biết được Fed chuẩn bị tăng lãi suất, tỷ giá biến động tương đối mạnh ở mức 5%, tuy nhiên sau đó do tốc độ tăng lãi suất của Fed chậm lại, nên mức mất giá của VND chỉ dao động quanh 1-2%/năm.
Cuối năm 2025, trong ngắn hạn tỷ giá sức ép lên quá lớn, dự trữ ngoại hối Việt Nam không còn nhiều, NHNN đã phải bán can thiệp 2,7 tỷ USD trong tháng 12, nâng tổng lượng bán lên 10,2 tỷ USD, khiến cho dự trữ ngoại hối chỉ còn hơn 80 tỷ USD, tương đương hơn hai tháng nhập khẩu, dưới mức khuyến nghị tối thiểu 3 tháng của IMF.
"Trong trường hợp tỷ giá quá lớn, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng lãi suất", chuyên gia nhấn mạnh.
Cuối năm 2023, trên thị trường kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 1/2023, tuy nhiên đến tháng 9/2024 Fed mới có động thái cắt giảm. Do đó, việc này đã ảnh hưởng đến kỳ vọng thị trường, khiến cho tỷ giá biến động.
Sang đến nửa sau 2024, với sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ với các chính sách thuế quan, kiểm soát nguồn cung lao động, chính sách tài khoá làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ. Tất cả những yếu tố này có thể làm tăng áp lực lên lạm phát Mỹ, Fed giảm lãi suất chậm hơn so với dự kiến ban đầu.
"Theo dự phóng của Fed tại kỳ họp lần trước, nhiều khả năng Fed chỉ giảm lãi suất đâu đó hai lần trong năm 2025, mỗi lần 0,25%. Trong khi trước đó, thị trường kỳ vọng Fed giảm đâu đó khoảng 1%.", chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với thị trường Việt Nam, nhóm thị trường mới nổi cận biên trong năm 2024, biến động toàn cầu và sức ép tỷ giá rất là lớn, dẫn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng rút ròng thị trường này để chuyển về các kênh tài sản, thị trường an toàn hơn như thị trường Mỹ.
Trong năm 2023, NHNN đã giảm lãi suất sớm hơn (cắt giảm liên tục trong tháng 3,4 và 5) so với Fed, làm tăng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết thông thường, lãi suất cho vay của VND thường cao hơn đồng USD. Tuy nhiên trong năm 2024, lãi suất cho vay USD cao hơn ở VND rất nhiều, tạo tâm lý đầu cơ do chênh lệch lãi suất.
Đáng chú ý, trong hai quý đầu năm, thị trường vàng biến động rất là mạnh, do việc kiểm soát về nguồn cung trong nước chặt chẽ nên giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế có sự chênh lệch cao.
"Có những thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế lên tới 18 triệu đồng/lượng", chuyên gia nhấn mạnh. Điều này kích thích găm giữ ngoại tệ và nhập khẩu vàng lậu, ảnh hưởng đến nguồn cung của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khối FDI có khả năng găm giữ nguồn doanh thu từ xuất khẩu để đầu tư vào thị trường bên Mỹ. Trong năm 2024, thị trường tiền tệ bên Mỹ cho lãi suất đến 5%, nếu tính thêm vấn đề mất giá, các công ty đầu tư ngắn hạn thị trường bên Mỹ mang lại hiệu suất 9-10% cao hơn so với việc gửi tiền về nước khiến dòng ngoại tệ Việt Nam gián đoạn.
Trước bối cảnh Fed tăng lãi suất, khối FDI có xu hướng tăng chuyển lợi nhuận về nước. Trước đây, trung bình khối FDI chuyển lợi nhuận về nước khoảng 17 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trong 4 quý gần nhất, con số này lên tới 27 tỷ USD, thậm chí cao hơn con số FDI giải ngân.
Nhận định về cầu ngoại tệ, chuyên gia cho biết trước khi Fed tăng lãi suất, lãi suất cho vay USD rất thấp nhiều doanh nghiệp đã tận dụng và vay USD.
Tuy nhiên khi Fed tăng lãi suất, khiến việc vay USD không hiệu quả, chưa kể đến câu chuyện VND mất giá, dẫn đến câu chuyện bên khối doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ rất tích cực trả nợ vay nước ngoài.
"Trong năm 2023, lượng trả tiền vay ròng khoảng 4 tỷ USD/năm, còn ba quý năm 2024 lên tới hơn 5 tỷ USD, trong đó tiền trả lãi vay và phí vay ngoại tệ lên tới 5,7 tỷ USD, một con số rất lớn.", ông Linh cho biết.
Nhận định về triển vọng tỷ giá, ông Linh cho biết tỷ giá sẽ chịu áp lực trong nửa đầu năm 2025, do ảnh hưởng bởi các chính sách trong giai đoạn đầu ông Trump nhậm thức Tổng thống Mỹ.
Theo dự phóng chuyên gia, ông Trump sẽ áp đặt các thuế quan tạm thời liên quan đến thương mại quốc tế dẫn đến rủi ro chính sách cao, khiến các dòng vốn đầu tư ở trạng thái chờ để xem động thái tiếp theo.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Châu Âu có dấu hiệu suy yếu do khủng hoảng chính trị, do đó nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn Fed để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhiều tổ chức dự báo ECB sẽ giảm lãi suất trong khoảng 1 - 2 điểm %. Do đó, đồng EUR tiếp tục mất giá so với USD, từ đó làm tăng chỉ số DXY (EUR chiếm 57,6% trong rổ ngoại tệ tính toán DXY), ảnh hưởng đến tỷ giá VND.
Tuy nhiên, sang nửa sau 2025 triển vọng tỷ giá VND được đánh giá sẽ ổn định và thậm chí VND có thể tăng giá. Tương tự giai đoạn 2023, có thời điểm VND mất giá 5%, tuy nhiên đến cuối năm 2023 VND mất giá chưa đến 3%.
Chuyên gia cho biết động lực đến từ các yếu tố như chính sách của ông Trump trở nên rõ ràng hơn và Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc+1, hỗ trợ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Fed vẫn duy trì xu hướng giảm lãi suất và có thể tăng tốc độ cắt giảm trong hai quý cuối năm 2025 để hỗ trợ nền kinh tế, khiến chỉ số DXY sẽ suy yếu, từ đó giảm nhu cầu đầu cơ và găm giữ ngoại tệ.
Ngoài ra, chuyên gia kỳ vọng xung đột địa chính trị hạ nhiệt, giúp cho thị trường vàng hạ nhiệt, giảm nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Ngoài ra, dư địa từ xuất khẩu dịch vụ rất lớn trong tương lai.