Kinh tế Quốc tế 05/04/2023 19:18

Arab Saudi phải đẩy giá dầu lên cao để có tiền cho các siêu dự án khổng lồ

Để tiếp tục có tiền tài trợ cho những siêu dự án tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, Arab Saudi buộc phải đẩy giá dầu lên cao, bất chấp sự phản đối từ Washington.

Theo Wall Street Journal (WSJ), việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), do Arab Saudi dẫn đầu, ra quyết định cắt giảm sản lượng cho thấy Riyadh sẵn sàng bỏ ngoài tai những lo ngại của Mỹ để theo đuổi chính sách năng lượng nhằm tài trợ cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Động thái của OPEC+ đã khiến nhiều người bất ngờ, khi vào tháng 2, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói với các nhà phân tích rằng vương quốc có thể chấp nhận giá dầu trong khoảng 65 đến 70 USD/thùng.

Giá dầu Brent từng gần xuống mức 70 USD/thùng vào năm ngoái. Tuy nhiên, sau những lần cắt giảm sản lượng, giá dầu đã vọt tăng lên gần 85 USD/thùng.

 

Lần thứ hai trong vòng 6 tháng, Arab Saudi đã bỏ ngoài tai lo ngại của Mỹ rằng giá dầu cao có thể giúp Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Động thái cắt giảm sản lượng gần đây có thể là tín hiệu rõ ràng nhất rằng Riyadh sẽ làm tất cả để giữ giá dầu ở mức có lợi.

Theo đuổi siêu dự án

Ông David Fickling, một tác giả của tờ Bloomberg, nhận định rằng Arab Saudi hạ sản lượng vì những mục đích sâu xa hơn là chỉ để kiếm thêm nhiều tiền từ dầu mỏ. Thông thường, một quốc gia OPEC+ sẽ tái đầu tư nguồn tiền thu được từ dầu mỏ vào những dự án giúp tăng sản lượng hơn nữa.

Tuy nhiên, Arab Saudi lại đang đa dạng hóa danh mục đầu tư với "hàng loạt dự án, trong mọi [lĩnh vực] ngoài trừ nâng sản lượng dầu thô". OPEC+ biết rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình sẽ không thể tồn tại mãi mãi và đang làm mọi thứ để duy trì giá cao cho đến khi trữ lượng dầu mỏ cạn kiệt hoặc nhu cầu của thế giới biến mất.

Public Investment Fund - quỹ tài sản quốc gia của Arab Saudi - đang đổ tiền vào một loạt các dự án đầu tư, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ du lịch, hạ tầng, năng lượng tái tạo cho đến công nghệ .... Tuy nhiên, website của quỹ tài sản này lại hiếm nhắc tới các khoản đầu tư vào năng lượng hóa thạch - ngành công nghiệp mũi nhọn của Arab Saudi.

Quỹ tài sản quốc gia của Arab Saudi đang quản lý khoảng 620 tỷ USD.

Thái tử Mohammed bin Salman đang triển khai chính sách kinh tế mà nhiều nhà phân tích gọi là “Arab Saudi trước tiên” - đặt lợi ích quốc gia lên đầu trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự không chắc chắn về cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ.

Theo nguồn tin của WSJ, vào cuối năm ngoái, Thái tử bin Salman đã nói rằng ông không còn muốn làm hài lòng Washington, và kỳ vọng một mối quan hệ có qua, có lại.

Các quan chức và những người hiểu biết về chính sách dầu mỏ của Arab Saudi cho biết động thái của Riyadh không quá bất ngờ, bởi nước này cần phải giữ cho giá năng lượng cao nhằm tài trợ cho những dự án ở quê nhà, một số lớn đến nỗi có cái tên “gigaproject” (siêu siêu dự án).

Những dự án trên bao gồm một khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ với kích thước ngang nước Bỉ, có khách sạn nằm trên mặt nước và một thành phố công nghệ cao nằm giữa sa mạc, với quy mô gấp 33 lần New York.

Thành phố nổi tại Biển Đỏ của Arab Saudi. (Ảnh: NEOM).

Ông Farouk Soussa, nhà kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) tại Goldman Sachs, cho biết Arab Saudi đã không còn sẵn sàng hi sinh lợi ích bản thân để hỗ trợ nước Mỹ như trước kia.

“Arab Saudi phải tự bảo vệ mình trước viễn cảnh” suy thoái kinh tế và ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng, có nguy cơ kéo giá dầu trung bình hàng năm xuống dưới 80 USD/thùng và tạo ra thâm hụt ngân sách khổng lồ, ông nói.

Jeddah Tower, tòa nhà chọc trời với chiều cao 1 km của Arab Saudi đã bị ngừng thi công sau chiến dịch chống tham nhũng của Thái tử bin Salman. (Ảnh: Reuters).

Mối lo thiếu tiền

Thái tử bin Salman đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch sử dụng doanh thu từ dầu mỏ nhằm chuyển dịch nền kinh tế, biến đổi cảnh quan, môi trường và đảo lộn văn hóa bảo thủ của vương quốc.

Khi giá dầu đạt ngưỡng 100 USD/thùng vào năm ngoái, Arab Saudi đã tăng tốc những nỗ lực trên, phần lớn được tài trợ bởi quỹ tài sản quốc gia trị giá 620 tỷ USD, do ông bin Salman sáng lập.

Trong những tháng gần đây, các cố vấn kinh tế đã cảnh báo rằng Arab Saudi sẽ cần phải giữ giá dầu cao trong 5 năm tới nhằm duy trì mức chi tiêu hàng tỷ USD cho các dự án đầu tư của mình. Hiện tại Riyadh không thu hút được nhiều đầu tư từ nước ngoài cho những dự án trên.

Mức giá dầu hòa vốn về ngân sách là mức giá tối thiểu cho mỗi thùng dầu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu dự kiến và không làm thâm hụt ngân sách.

Trước đợt cắt giảm sản lượng vào tháng 10 năm ngoái, các quan chức Arab Saudi từng cho biết dữ liệu kinh tế chỉ ra rằng ngân sách chính phủ yêu cầu giá dầu Brent ở mức 90 đến 100 USD/thùng, cao hơn mục tiêu 75 đến 80 USD/thùng của vương quốc.

Với nguồn dự trữ ngoại hối lên tới 450 tỷ USD và trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Arab Saudi sẽ khó mà hết tiền trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo các quan chức Riyadh, Thái tử bin Salman lo ngại rằng việc giá dầu xuống dưới 50 USD/thùng có thể cản trở kế hoạch chi tiêu khổng lồ của ông.

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 30/09/2024 14:43
Cú đấm kép khiến chứng khoán Nhật Bản đỏ lửa ngay phiên đầu tuần

Chứng khoán Nhật Bản chịu áp lực từ nỗi lo ngân hàng trung ương tăng lãi suất và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến khả quan của thị trường Trung Quốc.

Kinh tế Quốc tế 30/09/2024 11:39
Cụ ông 88 tuổi thành triệu phú nhờ tự mày mò đầu tư, người hâm mộ ví như ‘Warren Buffett của Nhật Bản’

Ông Shigeru Fujimoto phải sử dụng khung tập đi để di chuyển nhưng vẫn chăm chỉ dậy sớm và đầu tư chứng khoán mỗi ngày. Ông đã tích lũy được khối tài sản khoảng 14 triệu USD nhờ mua bán cổ phiếu.

Kinh tế Quốc tế 30/09/2024 10:41
Trung Quốc đón tin tốt sau khi công bố gói kích thích, chứng khoán tăng 'bốc đầu'

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ 5 liên tiếp vào tháng 9, nhưng tin vui là số liệu giảm nhẹ hơn ước tính của các nhà kinh tế.

Kinh tế Quốc tế 30/09/2024 09:55
Israel không kích loạt mục tiêu Hezbollah và Yemen, xung đột Trung Đông sẽ đi về đâu?

Israel đang đứng giữa hai lựa chọn là tận dụng thời cơ để đàm phán hòa bình theo hướng có lợi cho nước này hoặc leo thang xung đột ở Trung Đông.