17/07/2025 14:32

Ba động lực tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2025, thu nhập ngoài lãi phục hồi nhờ thu hồi nợ xấu

Theo MBS, thu nhập ngoài lãi tăng chậm do thu nhập phí suy giảm mạnh trong bối cảnh bancassurance trì trệ và nhu cầu tín dụng bán lẻ yếu. Khi mảng phí chưa thể hồi phục, thu hồi nợ xấu đang trở thành động lực chính giúp ngân hàng cải thiện nguồn thu.

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) nhận định tín dụng tăng tốc trong nửa đầu năm 2025 được dẫn dắt bởi tín dụng doanh nghiệp, nhờ mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp, trong khi mảng tín dụng bán lẻ tăng trưởng chậm do nhu cầu tín dụng yếu. MBS dự phóng tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17-18% cuối năm 2025. 

Bàn về triển vọng cuối năm, các chuyên gia MBS cho rằng hoạt động cho vay trong nửa cuối năm 2025 nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính.

 

Thứ nhất là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Dẫn số liệu từ báo cáo, tính đến hết tháng 6, giải ngân đầu tư công đạt 268.000 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ, song chỉ mới hoàn thiện 29,6% kế hoạch cả năm. Do đó, MBS kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ được tăng tốc trong nửa sau 2025.

Thứ hai là Nghị quyết 68 - nâng cao vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP dự kiến đạt 55 - 58% và số lượng doanh nghiệp đạt 2 triệu vào cuối năm 2030. 

Đối với bất động sản, MSB đánh giá Nghị quyết 68 đã tháo gỡ hiệu quả các nút thắt pháp lý và hành chính vốn tồn tại lâu nay. Các biện pháp trọng tâm gồm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; Khuyến khích cho vay dựa trên dòng tiền và mô hình phát triển mới; Phân định rõ ràng giữa trách nhiệm pháp nhân của doanh nghiệp và trách nhiệm hình sự cá nhân.

Thứ ba là hướng tới bỏ “room tín dụng”, theo quan điểm của các chuyên gia MBS, điều này sẽ giúp các ngân hàng có nền tảng tốt về CAR, chi phí vốn và LDR thấp sẽ nâng cao được sức cạnh tranh.

Người đi vay với lịch sử tín dụng tốt sẽ không bị hạn chế cho vay vì “hết room” tín dụng và những ngân hàng yếu kém hơn buộc phải nâng cao nội tại nhằm thu hút khách hàng. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng tài sản toàn ngành, từ đó, tình trạng đẩy tín dụng vào cuối quý hoặc cuối năm sẽ không còn và tín dụng chảy đến nơi cần đến.

Xu hướng thu hẹp NIM vẫn sẽ tiếp tục

MBS kỳ vọng hầu hết các ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, mặc dù chịu áp lực biên lãi thuần (NIM) suy giảm. 

Theo nhóm phân tích, do lãi suất cho vay liên tục giảm kể từ nửa cuối năm 2023 nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, lợi suất tài sản của các ngân hàng đã bước vào xu hướng giảm. Sự sụt giảm này đã thu hẹp NIM của toàn ngành, do tốc độ giảm lợi suất tài sản nhanh hơn mức giảm của chi phí vốn (COF).

Đánh giá về mức giảm bất ngờ của NIM trong quý I/2025, MBS cho rằng chỉ mang tính tạm thời và sẽ sớm được cải thiện vì các ngân hàng Việt vẫn có tiềm năng cao để bảo vệ NIM.

"Mặc dù lãi suất cho vay dự kiến duy trì ở mức thấp hơn 2024 trong các quý tới, tăng trưởng tín dụng bán lẻ nhờ sự phục hồi nhanh của mảng cho vay mua nhà và tiêu dùng sẽ đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của NIM trong phần còn lại của năm 2025 so với quý đầu năm", báo cáo nhận định. 

Bên cạnh đó, sự cải thiện CASA từ đầu năm 2024, chủ yếu nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của tín dụng doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ duy trì chi phí vốn ở mức thấp hiện nay trong 6–9 tháng tới.

 (Nguồn: MBS)

MBS kỳ vọng NIM trong phần còn lại của năm 2025 sẽ không thấp hơn mức của quý I/2025, nhưng khó có khả năng đạt mức tương đương năm 2024 do lãi suất cho vay bình quân thấp hơn và chi phí vốn dự kiến giữ nguyên.

Bất chấp xu hướng chung giảm, MBS nhận định sẽ có sự khác biệt rõ rệt giữa các ngân hàng về NIM. Những ngân hàng từng ghi nhận mức giảm NIM mạnh trong những năm gần đây — do đặcthù danh mục cho vay bị ảnh hưởng, chẳng hạn như VPBank, MB và Techcombank được kỳ vọng sẽ có mức giảm NIM nhẹ hơn so với các ngân hàng khác.

Thu nhập ngoài lãi: Tín hiệu hồi phục từ thu hồi nợ xấu

Nhìn lại quý I/2025, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 20,7% so với cùng kỳ, nhờ thu nhập từ xử lý nợ xấu tiếp tục tăng mạnh. Ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất theo quý kể từ năm 2023.

Theo MBS, sự sụt giảm mạnh của thu nhập phí thuần (NFI) là yếu tố chính khiến thu nhập ngoài lãi tăng trưởng chậm lại đáng kể trong hai năm vừa qua.

Cuộc khủng hoảng bancassurance do các quy định siết chặt, kết hợp với nhu cầu tín dụng bán lẻ yếu, đã khiến thu nhập từ phí của các ngân hàng Việt Nam giảm mạnh. Mặc dù các khiếu nại liên quan đến bán chéo bancassurance đã lắng dịu, sự trì trệ được dự báo sẽ kéo dài trong trung hạn khi các ngân hàng Việt Nam cần thời gian để thích ứng với các quy định mới.

"Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay thấp kết hợp cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng dường như làm giảm sự quan tâm của khách hàng bán lẻ đối với sản phẩm bảo hiểm, khiến doanh thu bancassurance khó đạt mức tăng trưởng 20%/năm như giai đoạn COVID-19", nhóm phân tích nhận định. 

Do đó, MBS vẫn kỳ vọng thu nhập phí thuần của các ngân hàng sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi phí thanh toán nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay bán lẻ từ nửa cuối 2025.

 (Nguồn: MBS)

Về các khoản thu nhập ngoài phí, nhóm phân tích cho rằng tốc độ thu hồi nợ xấu tăng nhanh sẽ bổ sung một nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng so với năm ngoái, trong bối cảnh môi trường vĩ mô toàn cầu nhiều bất ổn có thể làm giảm thu nhập từ hoạt động ngoại hối và chứng khoán.

Về triển vọng, MBS dự phóng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng sẽ tăng 13,4% so với cùng kỳ trong năm 2025 và tiếp tục cải thiện nhẹ lên mức 15,3% trong năm 2026.

Lợi nhuận ròng toàn ngành (nhóm ngân hàng theo dõi) được dự báo tăng 13,5% trong năm 2025. Trong đó, nhóm ngân hàng tư nhân sẽ tiếp tục dẫn đầu, dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 25,9%, cao gấp ba lần nhóm quốc doanh (8,8%).

Áp lực giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng quốc doanh cao hơn khối tư nhân do vai trò ổn định vĩ mô, khiến các ngân hàng này thận trọng trong việc mở rộng tín dụng bán lẻ và giới hạn khả năng cải thiện NIM.

 (Nguồn: MBS)

Nợ xấu chưa thoái lui

Về chất lượng tài sản, nhóm phân tích đánh giá phục hồi không ổn định trong hai năm qua. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) dao động quanh mức 2% với đóng góp đáng kể từ tăng trưởng tín dụng bất thường trong giai đoạn cuối mỗi năm.

Mặc dù tỷ lệ nợ nhóm 2 đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) cũng biến động khi các ngân hàng giảm tốc trích lập dự phòng.

Theo đó, MBS đưa ra lo ngại rằng kết quả kinh doanh dự kiến kém tích cực sẽ làm giảm đáng kể khả năng mở rộng dự phòng của các ngân hàng trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc chất lượng tài sản khó có thể cải thiện rõ rệt vào cuối năm 2025.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cho vay bán lẻ cũng tạo thêm áp lực lên tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong trung hạn.

 

Trong quý I, chi phí dự phòng của các ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ nhờ mức giảm nhẹ từ nhóm ngân hàng quốc doanh ở mức 3,6%, trong khi nhóm cổ phần ghi nhận mức tăng nhẹ 0,6%. Chi phí tín dụng trong quý I cũng giảm xuống mức 1,0% so với mức 1,2% của cả năm 2024.

Sau khi tỷ lệ nợ xấu bất ngờ giảm 0,34 điểm % so với quý trước vào cuối quý IV/2024, từ 2,25% xuống 1,91%, tỷ lệ này đã tăng mạnh trở lại lên 2,15% vào cuối quý I/2025. 

Trong năm 2025, chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy bởi sự đóng góp lớn hơn từ mảng bán lẻ. Do đó, các ngân hàng có xu hướng tiếp tục duy trì tốc độ trích lập dự phòng tương đương năm trước để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo kế hoạch.

Theo MBS, nhìn chung chi phí dự phòng của các ngân hàng (trong phạm vi theo dõi) được dự báo sẽ tăng 8,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 7,5% so với cùng kỳ của năm 2024. 

Minh Nguyệt