Tăng trưởng tín dụng 14-15%/năm được đánh giá là thách thức lớn với hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hiện tại khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn kém. Tín dụng tăng trưởng âm 3 tháng đầu năm và phục hồi từ quý II.
Tính đến cuối tháng 6, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm, hoàn thành yêu cầu mà Chính phủ giao và tương đương 41% kế hoạch cả năm (15%).
Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Riêng quý II, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 630.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý I. Như vậy, hơn 810.000 tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế từ đầu năm đến nay.
Theo các chuyên gia của Chứng khoán VPBank (VPBankS), tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu nhờ động lực từ việc tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, chủ yếu nhờ du lịch đã quay trở lại mức trước COVID, sản xuất tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, các động lực đến từ FDI, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục hỗ trợ, điển hình khi thấy các ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về FDI tăng trưởng tín dụng tốt.
Theo thống kê các ngân hàng trong nước, có 14/27 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao từ 6% trở lên. Đáng chú ý, các ngân hàng bán buôn như LPBank, Techcombank hay các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền Nam như ACB, HDBank đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trên 10% trong quý II.
Theo dự phóng của VPBankS, mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự phóng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, qua đó hỗ trợ cho chính sách tiền tệ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù dự báo sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia cũng nhận định rằng, mức tăng trưởng tín dụng 14-15%/năm là một thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao.
Hiện dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong các nước cao nhất thế giới, tiệm cận tới mức của các đất nước phát triển như Úc, Trung Quốc, Thái Lan và đang cao hơn rất nhiều so với các nước có nền kinh tế tương đồng như Indonesia hay Philippines.
Theo thống kê, năm 2015, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 89,7% thì năm 2020 là 114,3%, năm 2022 là hơn 125%.
Vào năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng thế giới (World Bank) đã cảnh báo tình trạng dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam ở trong các nước cao nhất thế giới. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ tín dụng/GDP tiếp tục tăng lên khoảng 133%, nguy cơ rủi ro cho hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, khi tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng.
“Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn”, chuyên gia VPBankS nhận định.
Theo các chuyên gia VPBankS, động lực tăng trưởng tín dụng bền vững cần xuất phát từ nhu cầu vốn của người dân và phần quan trọng trong đó là tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản (BĐS) bao gồm nhu cầu mua nhà, kinh doanh BĐS,...
Nhóm tín dụng liên quan đến BĐS được đánh giá là nhóm có nhu cầu vay vốn cao và ổn định, cũng như đi kèm các tài sản thế chấp giúp giảm rủi ro nợ xấu. Tính đến cuối quý II, dư nợ riêng ngành BĐS đạt 3.083 tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nhu cầu “an cư lập nghiệp”- có nhà ở vẫn là nhu cầu chủ yếu của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân Việt Nam đã tăng và đang gấp khoảng 4-5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị (3-5 lần). Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm tích cực trong một năm qua nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao khiến nhiều người khó hiện thực "giấc mơ an cư" của mình.
Theo VARS, mỗi gia đình phải có thu nhập ít nhất 35-40 triệu đồng/tháng mới đảm bảo việc chi trả nợ vay và chi phí sinh hoạt hàng tháng, song mức thu nhập này lại nằm ngoài điều kiện vay gói vay ưu đãi 120.000 tỷ (thu nhập một người dưới 15 triệu/tháng hoặc cả 2 vợ chồng dưới 30 triệu/tháng).
VPBankS kỳ vọng các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội... sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn.
Tính đến đầu tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội mới đạt 1%. Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân với số tiền là 1.344 tỷ đồng bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank), VPBank, MBBank và TechcomBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng nâng tổng số có 8 ngân hàng thương mại tham gia, với 140.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng tín dụng cũng đến từ BĐS Khu công nghiệp (KCN), hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu.
Các chuyên gia VPBankS đánh giá mảng cho vay KCN trong thời gian tới rất tiềm năng do quỹ đất KCN sẽ tiếp tục được bổ sung mạnh mẽ trong giai đoạn 2025 - 2030, với trọng tâm mở rộng là các khu vực được coi là trung tâm KCN, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung.
Việc điều chỉnh giảm hệ số rủi ro tín dụng của các lĩnh vực này cũng là một trong những động lực giúp tăng trưởng tín dụng có nhiều dư địa hơn. Theo đó, Thông tư số 22 điều chỉnh hệ số rủi ro tín dụng BĐS KCN giảm từ 200% xuống 160% bắt đầu từ ngày 1/7.
Trên thực tế trong nửa đầu năm, tín dụng khu chế xuất, KCN tăng 9,47%, cao hơn trung bình ngành BĐS (ở mức 6,8%) so với đầu năm.
Với việc Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực, giới chuyên môn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ bền vững hơn khi các điều khoản tại luật hướng đến việc đem lợi lợi ích cho người dân, tạo thuận lợi cho người mua nhà.
Những điểm thay đổi lớn như: yêu cầu chủ đầu tư dự án BĐS chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; việc thanh toán được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc,…
Những thay đổi trong Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở mới
Ngoài ra, những thay đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phát triển bền vững hệ thống ngân hàng, nâng cao tính minh bạch và phát triển tín dụng tiêu dùng.
Không chỉ giúp ngăn chặn rủi ro tài chính, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sửa đổi còn thúc đẩy sự tích lũy vốn tự có, đóng góp vào sự bền vững và phát triển của ngành ngân hàng, góp phần ổn định hoạt động của các TCTD nói riêng và cơ cấu TCTD nói chung.
Những thay đổi trong Luật các TCTD 2024