Tài chính Doanh nghiệp 04/05/2024 13:43

Becamex lãi tăng 60% quý đầu năm, sắp làm khu công nghiệp 700 ha ở khu bắc Bình Dương

KCN Cây Trường là một trong 7 KCN mà Becamex đang triển khai đầu tư xây dựng. Dự án này theo kế hoạch sẽ bắt đầu san lấp mặt bằng từ quý III/2024, hoạt động chính thức từ quý III/2025.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn. (Ảnh: Hoàng Huy).

Những năm gần đây, tốc độ phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương tăng trưởng nhanh.

Theo chủ trương của UBND tỉnh, trong thời gian tới địa phương này hạn chế các cơ sở sản xuất đầu tư ngoài khu công nghiệp (KCN) và chuyển đổi công năng các KCN ở phía nam khi hết thời hạn thuê đất. Các cơ sở sản xuất sẽ chuyển về các KCN ở phía bắc.

Để chuẩn bị hạ tầng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) đã lập dự án đầu tư Khu công nghiệp Cây Trường với quy mô 700 ha, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2016 và điều chỉnh vào năm 2022.

Tháng 10/2023, KCN Cây Trường được phê duyệt quy hoạch chung 1/5.000, đến tháng 12 cùng năm phê duyệt đồ án quy hoạch 1/2.000.

Dự kiến triển khai từ quý III/2024

Vị trí KCN Cây Trường nhìn trên bản đồ. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Theo phê duyệt, KCN Cây Trường có diện tích 700 ha, được xây dựng tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng. Trong đó, có khoảng 195 ha thuộc phạm vi thị trấn Lai Uyên và khoảng 505 ha thuộc phạm vi xã Cây Trường II.

Phía đông dự án giáp đất cao su (thuộc thị trấn Lai Uyên); phía tây giáp đường Hồ Chí Minh (thuộc xã Cây Trường II) và đất cao su thuộc CTCP Cao su Phước Hòa; phía nam giáp KCN Bàu Bàng mở rộng và đất cao su; phía bắc giáp đất cao su (thuộc xã Cây Trường II).

Về hiện trạng, chiếm chủ yếu diện tích đất dự án hiện nay là đất nông nghiệp (670 ha); đất giao thông chiếm 31 ha; đường mòn, đường lô cao su gần 28 ha và còn lại là đất ĐH.614, đất suối.

Trong ranh giới khu đất hiện không có các công trình nhà ở và công trình công cộng, không có nhà dân sinh sống, chỉ có công nhân lao động chăm sóc và khai thác cây cao su, không có các công trình xây dựng kiên cố.

Hệ thống giao thông đối ngoại của KCN Cây Trường có tuyến đường Hồ Chí Minh - Bàu Bàng tiếp nối đường Mỹ Phước - Bàu Bàng kết nối Mỹ Phước - Tân Vạn, sẽ kết nối KCN Cây Trường tới đầu cầu Đồng Nai để đi Biên Hòa, sân bay Long Thành và các cảng khu vực trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải. Cách dự án 4 - 5 km là các tuyến ĐT749A và Quốc lộ 13.

Theo chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Dương, tuyến đường nối từ Bàu Bàng qua Bố Lá đi cầu Thủ Biên trên sông Đồng Nai, nối với đường vành đai 4 đi qua Tân Uyên, sẽ là 1 tuyến giao thương quan trọng của KCN Cây Trường.

Ngoài ra, Bình Dương định hướng sẽ hình thành tuyến đường sắt Xuyên Á tại khu vực phía đông của dự án. Tuyến đường sắt này kết nối tuyến đường sắt Bắc Nam và kết nối đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu ra khu vực cảng nước sâu Thị Vải, Cái Mép.

 Ranh giới KCN Cây Trường. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 505 ha đất xây dựng nhà máy, kho tàng; 14 ha đất công trình hành chính, dịch vụ; 71 ha đất cây xanh; 82 ha đất giao thông; còn lại là các khu kỹ thuật, kênh thoát nước...

Tổng mức đầu tư của KCN Cây Trường là hơn 5.459 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 819 tỷ đồng. Trong một báo cáo vừa công bố, chủ đầu tư cho biết dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường trong quý II - quý III/2024; từ quý III năm nay sẽ tiến hành thực hiện san lấp mặt bằng và xây dựng các hạng mục; vận hành thử nghiệm và hoạt động chính thức từ quý III/2025.

Becamex lãi tăng mạnh trong quý I

Bên cạnh KCN Cây Trường, hiện nay Becamex IDC đang sở hữu 6 KCN khác với quỹ đất hàng nghìn ha, gồm KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 (1.288 ha); KCN Bàu Bàng (735 ha); KCN Bàu Bàng mở rộng (755 ha); KCN Thới Hoà (153 ha).

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN của Becamex như sau: KCN Mỹ Phước 1 (88%); KCN Mỹ Phước 2 (96%); KCN Mỹ Phước 3 (92%); KCN Bàu Bàng (93%); KCN Bàu Bàng mở rộng (75%) và KCN Thới Hoà (85%).

Becamex IDC tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex) được ra đời từ năm 1976. Năm 2017, doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình TNHH MTV sang CTCP. Tính đến cuối năm 2023, vốn điều lệ của Becamex IDC là 10.350 tỷ đồng.

Hoàng Huy tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý I/2024 Becamex. (Đvt: Tỷ đồng).

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 vừa công bố, Becamex ghi nhận doanh thu thuần 812 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm 38% xuống 237 tỷ đồng đã kéo biên lãi gộp của doanh nghiệp từ 51,3% lên 70,7% ở quý vừa qua.

Trong quý, doanh thu tài chính của Becamex giảm mạnh 95% xuống chỉ còn 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp có thêm khoản lãi gần 60 tỷ từ các công ty liên kết. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều gia tăng. Sau khi trừ các chi phí, Becamex lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. 

Tài sản của Becamex tại 31/3 là 54.069 tỷ đồng, trong đó tồn kho chiếm khoảng 20.348 tỷ đồng (khoảng 38%), chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của các dự án. Tài sản dở dang dài hạn chiếm 3.150 tỷ đồng, tập trung tại các dự án Hoà Lợi (1.404 tỷ đồng); dự án TDC Plaza (521 tỷ đồng) và Unitown giai đoạn 2 (369 tỷ đồng).

Nợ phải trả của Becamex tại 31/3 là 34.543 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính là 21.008 tỷ đồng, tương ứng 61% tổng dư nợ. Nợ trái phiếu doanh nghiệp là 11.933 tỷ đồng.

Hoàng Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 17/05/2024 15:14
Dệt may Thành Công lãi đột biến trong tháng 4

Công ty có đơn hàng dồi dào khi nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II, cũng như khoảng 83% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý III.

Tài chính Doanh nghiệp 17/05/2024 11:49
Bà Vũ Nam Hương xin rút khỏi HĐQT của IPA

Sau khi rút khỏi Chứng khoán VNDirect và đầu quân cho LPBank, bà Vũ Nam Hương đã xin rút khỏi HĐQT của IPA.

Tài chính Doanh nghiệp 17/05/2024 10:55
'Vũ khí bí mật' giúp Coteccons đi ngược ngành xây dựng, lấy hợp đồng tỷ USD từ đối tác ngoại

Công ty xây dựng đầu ngành vẫn có công việc dồi dào đến từ mảng xây dựng công nghiệp cho các dự án FDI, bù đắp cho mảng dân dụng gặp khó vì thị trường bất động sản ảm đạm.

Tài chính Doanh nghiệp 17/05/2024 10:08
VND mất giá: Xuất khẩu không hưởng lợi nhiều, lạm phát dễ tăng cao

Theo các chuyên gia từ VEPR và Think Future, việc VND mất giá sẽ không giúp các doanh nghiệp hưởng lợi quá nhiều. Trong khi đó, đồng nội tệ yếu đi có nguy cơ thôi bùng lạm phát, gây rủi ro cho sự ổn định vĩ mô.