Trên lưng của hầu hết những chiếc iPhone đều có khắc dòng chữ: "Thiết kế tại California, lắp ráp tại Trung Quốc”. Suốt hơn một thập kỷ qua, câu nói này là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm của Trung Quốc trong ngành sản xuất điện tử toàn cầu.
Apple, nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng giá trị nhất thế giới, đã đứng ở vị trí trung tâm, đóng vai trò quan trọng giúp xây dựng và củng cố vị thế “công xưởng” hàng đầu thế giới của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, một sự dịch chuyển đã bắt đầu định hình lại bản đồ sản xuất của gã khổng lồ công nghệ. Việt Nam đang nổi lên như một địa điểm chiến lược trong chương mới của câu chuyện này.
Năm 2024, lần đầu tiên, Apple đã chính thức công bố danh sách các sản phẩm được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Danh sách các sản phẩm mang nhãn "Made in Vietnam" bao gồm iPad, Mac, HomePod, Apple Watch và AirPods.
Một chi tiết đáng chú ý là chiếc Mac mini trung hòa carbon phiên bản 2024, sản phẩm đầu tiên của Apple đạt được tiêu chí này, cũng được sản xuất tại Việt Nam. Dù iPhone chưa có mặt trong danh sách, Giám đốc điều hành Tim Cook đầu năm nay trong một lần chia sẻ đã làm rõ vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Ông xác nhận hầu hết iPhone bán tại thị trường Mỹ hiện được sản xuất ở Ấn Độ, trong khi các thiết bị khác của Apple lại có xuất xứ chủ yếu từ Việt Nam.
Quy mô của sự dịch chuyển này được định lượng rõ ràng. Dự kiến đến cuối năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% lượng iPad và Apple Watch, 5% lượng MacBook và đến 65% lượng AirPods trên toàn thế giới.
Để đáp ứng quy mô này, hệ sinh thái các nhà cung cấp đã bén rễ và mở rộng. Tính đến tháng 4/2024, số nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam đã tăng từ 27 lên 35. Con số này đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất của Apple ở Đông Nam Á và lớn thứ 4 trên toàn cầu.
Những đối tác lớn như Foxconn, BYD, Goertek, Lens, Yuto và Innovation đang liên tục mở rộng hoạt động. Chỉ riêng Foxconn đã có tổng vốn đầu tư là 4 USD tại Việt Nam, với các nhà máy tại 5 tỉnh thành cũ, sử dụng khoảng 80.000 lao động.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở địa điểm thiết bị được lắp ráp. Một thiết bị điện tử được tạo nên từ hàng trăm linh kiện, và khái niệm chuỗi giá trị giúp bóc tách sự đóng góp của từng công đoạn.
Trong một chiếc điện thoại giá 1.000 USD, tổng chi phí cho tất cả linh kiện và công đoạn lắp ráp chỉ vào khoảng 500 USD. Phần còn lại thuộc về các khâu như thiết kế, phần mềm và các dịch vụ khác.
Lịch sử của chính Trung Quốc đã cho thấy điều này. Nhà kinh tế học Yuqing Xing tính toán rằng, vào năm 2009, gần như toàn bộ linh kiện của iPhone đến từ bên ngoài và công đoạn lắp ráp tại Trung Quốc chỉ tốn 6,5 USD. Nhưng đến năm 2018, nhiều linh kiện đã được sản xuất tại Trung Quốc, với tổng giá trị là 104 USD cho mỗi chiếc iPhone.
Điều này đặt ra câu hỏi: với một chiếc MacBook "Made in Vietnam", bao nhiêu phần trăm linh kiện thực sự có nguồn gốc từ Việt Nam?
Báo cáo phân tích sâu vào danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple từ năm 2013 đến 2023 hé lộ một thực tế phức tạp. Dữ liệu cho thấy Trung Quốc vẫn là nơi có số lượng cơ sở sản xuất lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng số nhà máy trong chuỗi cung ứng của Apple. Dù số lượng nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc đã giảm sau năm 2018, vai trò của các cơ sở tại đây ở các mảng linh kiện khác lại gia tăng.
Khi bóc tách từng loại linh kiện, bức tranh trở nên rõ ràng hơn. Có những lĩnh vực mà Trung Quốc gần như giữ vai trò độc tôn. Sản xuất cơ khí chính xác, bao gồm việc gia công các khung kim loại, khay SIM, cụm nút bấm, là mảng chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhất theo hướng các công ty Trung Quốc làm chủ và đặt nhà máy tại Trung Quốc. Gần như toàn bộ hoạt động này ngày nay đều diễn ra tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở nhiều mảng khác, câu chuyện lại cho thấy một sự phụ thuộc đa tầng. Chẳng hạn bảng mạch in (PCB), thành phần kết nối các con chip và linh kiện điện tử. Phần lớn các nhà máy PCB cung cấp cho Apple đều ở Trung Quốc đại lục, nhưng có một chi tiết quan trọng: Các nhà máy này hầu hết đều do các công ty Đài Loan (Trung Quốc) sở hữu.
Trong số 23 cơ sở sản xuất PCB được báo cáo, chỉ có một cơ sở thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc đại lục. Điều này có nghĩa là dù sản xuất tại Đại lục, nhưng năng lực công nghệ và phần lớn lợi nhuận lại thuộc về các công ty Đài Loan.
Mô hình này cũng xuất hiện trong các lĩnh vực khác. Trong mảng đầu nối và dây cáp, dù các nhà máy đang dịch chuyển sang Đông Nam Á, các chủ sở hữu lại là những công ty của Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản như Amphenol, Japan Aviation Electronics Industry hay Furukawa Electric.
Ngay cả trong lĩnh vực vật liệu, các công ty Trung Quốc mới thay thế được các nhà cung cấp kim loại thông thường như Alcoa của Mỹ, trong khi những nhà cung cấp vật liệu chuyên dụng như 3M của Mỹ hay Sumitomo của Nhật Bản vẫn giữ vững vị thế.
Khi tiến lên các công đoạn có giá trị cao hơn, vai trò của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc giảm đi. Pin là một linh kiện đắt tiền. Mặc dù hơn một nửa số địa điểm cung ứng pin của Apple vẫn ở Trung Quốc, Apple đã tích cực đa dạng hóa nguồn cung, với sự tham gia của các công ty từ Đức, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trong mảng màn hình, các công ty Trung Quốc như BOE đang giành được thị phần, một phần nhờ các khoản trợ cấp vốn lớn của chính phủ, nhưng các đối thủ Hàn Quốc vẫn là những người chơi chính.
Ở đỉnh cao của chuỗi giá trị là chất bán dẫn, hay còn gọi là chip. Đây là lĩnh vực mà Trung Quốc có vai trò rất hạn chế.
Vào năm 2023, trong số hơn 30 công ty sản xuất chip cho Apple, chỉ có 4 công ty là của Trung Quốc. Ngược lại, 63% có trụ sở tại Mỹ. Điều này cho thấy bộ não của các thiết bị Apple, dù được lắp ráp ở đâu, vẫn chủ yếu là sản phẩm của các công ty Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc.
Những con số trên thấy ba chỉ báo quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam đã xác lập được vai trò là một trung tâm lắp ráp mới, một nền tảng vững chắc để thu hút vốn đầu tư và tạo việc làm. Thứ hai, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng linh kiện tại nhiều thị trường khác nhau vẫn còn rất lớn.
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, "sản xuất tại một địa điểm" không đồng nghĩa với "thuộc sở hữu của địa điểm đó". Vai trò bền bỉ của các công ty Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản cho thấy họ nắm giữ những chuyên môn và năng lực nhất định.
Đây chính là cơ hội để Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị. Việc nhiều nhà máy tại Trung Quốc do các công ty nước ngoài sở hữu cũng tạo điều kiện cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng tiềm năng. Khi các công ty điện tử phương Tây đối mặt với thuế quan, họ đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất đa dạng hơn.
Vì vậy, việc đánh giá một thiết bị chỉ dựa vào nơi nó được lắp ráp là chưa đầy đủ. Hành trình của Việt Nam từ một trung tâm lắp ráp vươn lên thành một trung tâm sản xuất linh kiện công nghệ cao sẽ là một chặng đường dài, đòi hỏi những chiến lược và chính sách phù hợp để nắm bắt cơ hội trong một hệ thống thương mại quốc tế đang thay đổi.
Trong kỳ quay số mở thưởng sản phẩm Vietlott Power 6/55 hôm nay (03/07/2025), giải thưởng jackpot 1 trị giá gần 311,5 tỷ đồng và Jackpot 2 gần 4,3 tỷ đồng đều vô chủ.
Sau khi hoàn tất sắp xếp lại đơn vị hành chính, TP HCM sẽ tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành đến cuối năm nay.
Trong 6 năm, giá thuê kho xưởng công nghiệp tại Việt Nam tăng tới 70%, thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á.
Hành trình sở hữu một chiếc xe hơi trên đảo quốc sư tử không bắt đầu từ showroom mà từ một ma trận chi phí phức tạp, nơi một "tấm giấy phép" có thể đắt hơn chính chiếc xe.