Kinh tế Quốc tế 05/02/2025 13:55

'Bong bóng Trung Quốc' chưa vỡ, kịch bản nào đang chờ phía trước?

Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua những thay đổi đau đớn, nhưng điều đó không báo hiệu một cú sụp đổ mà là sự tiến hóa.

 (Ảnh minh họa: Bloomberg). 

Kể từ khi tiến hành cải cách nền kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc đã trải qua hơn 40 năm tăng trưởng thần tốc, giúp quy mô nền kinh tế tăng từ gần 150 tỷ USD lên gần 18.000 tỷ USD vào năm 2023.

Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc lần lượt vượt mặt các cường quốc châu Âu như Pháp, Anh và Đức và cuối cùng là Nhật Bản để trở thành siêu cường thứ hai thế giới.

Sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng tăng lên tương ứng và Bắc Kinh trở thành đối thủ đáng gờm nhất với Mỹ với vai trò lãnh đạo toàn cầu.  

Song, bắt đầu từ năm 2020, các nhà đầu tư tin tưởng rằng sức mạnh vượt trội của Trung Quốc sẽ tiếp tục đã mất rất nhiều tiền. Thị trường bất động sản Trung Quốcchuyển từ giai đoạn bùng nổ sang đổ vỡ, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm sút đáng kể, và lĩnh vực công nghệ bị cản trở nghiêm trọng bởi các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Phải chăng “bong bóng Trung Quốc” đã nổ tung như dự đoán của một số học giả phương Tây từ đầu thế kỷ 21? Ông Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, khẳng định câu trả lời là “không”. Và ông đưa ra hai lý do để chứng minh cho luận điểm này.

Bất động sản không xô đổ nền kinh tế

Lý do thứ nhất, bong bóng vỡ thường là một cú sốc bất ngờ, cực đoan và không thể kiểm soát được. Các ví dụ tiêu biểu bao gồm khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ vào năm 2008 và khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Trong những sự kiện đó, điều thường thấy là các nhà hoạch định chính sách mất khả năng kiểm soát, thị trường tài chính sụp đổ, GDP lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Tuy nhiên, đây không phải là điều đang xảy ra ở Trung Quốc.

Thị trường bất động sản Trung Quốc quả thực đang trải qua quá trình đau đớn để khắc phục sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu. Nhiều nhà phát triển bất động sản vỡ nợ, giới đầu tư chịu lỗ lớn, các hộ gia đình chứng kiến tài sản lớn nhất của họ giảm sút giá trị.

Nhưng mặt khác, sự sa sút của ngành bất động sản Trung Quốc đang được quản lý và kiềm chế. Các nhà hoạch định chính sách đã hành động trước khi khủng hoảng nổ ra, triển khai loạt công cụ để kìm hãm tốc độ suy giảm. Các ngân hàng có cơ cấu vốn tốt vẫn chịu được sức ép từ nợ xấu ngày càng tăng. Nền kinh tế không suy thoái mà vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Nỗi đau ngắn hạn có thể tạo điều kiện cho lợi ích dài hạn. Việc doanh nghiệp liên tục vay nợ để xây những căn hộ trống rỗng không phải là chiến lược có thể duy trì vĩnh viễn.

Bằng cách khiến hoạt động đầu cơ nhà đất mất khả năng sinh lời, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang dẫn dắt người lao động và nhà đầu tư khỏi các thành phố ma sang những công việc có năng suất cao hơn.

Tiềm năng tăng trưởng tương lai

Trung Quốc chấp nhận chịu đau ngày hôm nay để bảm bảo cho tăng trưởng tương lai. Điều này không chỉ diễn ra trong ngành bất động sản mà cả công nghệ và tài chính. Điều này dẫn đến lý do thứ hai của ông Orlik, đó là sự phát triển của Trung Quốc vẫn đang diễn ra đúng hướng. 

Kể từ năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu siết chặt quản lý lên các công ty công nghệ khổng lồ như Alibaba, Tencent và Didi, dẫn đến việc giá cổ phiếu cắm đầu giảm. Truyền thông phương Tây coi đây là sai lầm khủng khiếp sẽ làm giảm động lực đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Nhận định này có thể đúng, nhưng chính sách của Trung Quốc cũng cần được đánh giá theo góc độ khác. Những công ty công nghệ trên có vị thế độc quyền trong các lĩnh vực hoạt động của họ.

Về lâu dài, doanh nghiệp độc quyền có thể gây hại cho nền kinh tế thông qua việc ép giá các nhà cung ứng, buộc khách hàng trả giá cao và giết chết các startup. Do đó, việc hạn chế sức mạnh của các công ty độc quyền là điều tích cực với nền kinh tế.

Cũng từ 5 năm trước, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm soát ngành tài chính. Tiền lương của các nhân viên ngân hàng bị giới hạn ở mức 400.000 USD một năm, tiền thưởng bị áp đặt một số giới hạn. Cơ quan điều tra chống tham nhũng của Trung Quốc đã nhắm tới một số tên tuổi lớn nhất trên thị trường.

Ở Mỹ, các động thái tương tự sẽ gây ra thảm họa. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được thúc đẩy bởi các đổi mới công nghệ, còn các công ty sáng tạo cần vốn từ mạng lưới phức tạp gồm các nhà đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư và nhà quản lý quỹ. Để một số nhân tài giỏi nhất đất nước tập trung vào tài chính - thông qua sự khích lệ từ lương thưởng - là điều tích cực.

Nhưng trường hợp của Trung Quốc thì khác. Theo nhà kinh tế Orlik, mức thu nhập trung bình của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/3 của Mỹ, cho thấy nền kinh tế vẫn còn cách xa các công nghệ tân tiến nhất. Điều đó có nghĩa là sự phát triển được thúc đẩy chủ yếu bởi việc bắt kịp các công nghệ quan trọng, thay vì phát minh.

Do đó, ở cấp độ phát triển hiện nay của Trung Quốc, một hệ thống tài chính đơn giản có thể thực hiện tốt nhiệm vụ điều chuyển vốn tới những dự án quan trọng. Thay vì để các thiên tài toán học vạch ra những chiến lược phức tạp, nền kinh tế sẽ được lợi hơn nếu họ tập trung làm việc trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI).

Một số dấu hiệu cho thấy chiến lược của Bắc Kinh đang tạo ra trái ngọt. Xe điện do Trung Quốc sản xuất đang lăn bánh trên khắp thế giới. DeepSeek nâng tầm Trung Quốc thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ về AI.

Từ năm 2020 đến 2024, đóng góp của bất động sản trong GDP đã giảm từ 24% xuống 19%, còn tỷ trọng của các ngành công nghệ cao tăng từ 11% lên 15%. Tới năm 2026, rất có thể vị thế của đất đai và công nghệ trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ đảo ngược. Đây rõ ràng là bước tiến quan trọng.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 05/02/2025 15:56
WTO 'mắc kẹt' giữa tranh chấp thương mại

Cơ quan Phúc thẩm của WTO, bao gồm bảy chuyên gia về luật thương mại và quốc tế, đã không thể xử lý bất kỳ vụ việc mới nào kể từ tháng 12/2019, do Mỹ liên tục chặn các đề cử thành viên.

Kinh tế Quốc tế 05/02/2025 14:50
Các NHTW gom hơn 1.000 tấn vàng vào năm ngoái và lực mua sẽ tiếp tục trong năm nay

Nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại trong năm 2025.

Kinh tế Quốc tế 05/02/2025 11:41
Chứng khoán Trung Quốc bết bát phiên đầu năm Ất Tỵ

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhà đầu tư bất an vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Kinh tế Quốc tế 05/02/2025 10:50
Sau lệnh áp thuế quan của ông Trump, USPS bất ngờ tạm ngừng dịch vụ từ Trung Quốc

Quyết định tạm ngừng vận chuyển bưu kiện từ China và Hong Kong Post của USPS có hiệu lực ngay lập tức.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO