Tại một quán cà phê nép mình bên sườn núi ở vùng tây nam Trung Quốc, Liao Shihao đang pha những ly cà phê nóng hổi với nguyên liệu được sản xuất tại chỗ – một biểu tượng cho sự chuyển mình mang sắc thái hiện đại của thức uống truyền thống của vùng đất vốn gắn bó lâu đời với trà.
Suốt nhiều thế kỷ, Phổ Nhĩ (Puer) thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nổi tiếng với sản phẩm trà lên men đậm vị, được ưa chuộng tại Đông Á và nhiều nơi khác trên thế giới. Thế nhưng, khi giới trẻ Trung Quốc ngày càng chuộng hơn espresso, latte hay flat white, nhiều nông dân trồng chè ở đây đã mạnh dạn chuyển hướng sang “đối thủ truyền thống” của trà: cà phê.
“Ngày càng có nhiều người đến quán thưởng thức và trải nghiệm cà phê pha chế thủ công. Trước kia, hầu hết mọi người chỉ quen với cà phê thương mại”, Liao, 25 tuổi, chia sẻ.
Liao Shihao phục vụ cà phê cho khách trong quán cà phê ở Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam.
Gia đình Liao đã có 3 thế hệ gắn bó với đồn điền cà phê “Thung lũng nhỏ” (Xiaowazi), nơi những quả cà phê chín mọng được phơi khô trên các tấm gỗ ngoài trời.
“Cà phê ở đây rất ngon. Một số loại hơi chát hơn tôi nghĩ, nhưng nhiều mẫu vượt xa kỳ vọng”, Cai Shuwen, 21 tuổi, nhận xét khi nếm thử từng loại.
Theo số liệu của chính phủ, mỗi năm Phổ Nhĩ cung ứng hàng chục nghìn tấn cà phê cho các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải – nơi các quán cà phê đang mọc lên ngày một nhiều với nhóm khách hàng chủ yếu ở độ tuổi 20-40.
Liao, chuyên gia rang xay kiêm barista được đào tạo bài bản, nhận định, cà phê Phổ Nhĩ có “hương vị kem béo ngậy, kết cấu mượt và sánh mịn nơi đầu lưỡi”.
Cà phê mới chỉ được trồng thương mại ở Phổ Nhĩ từ những năm 1980. Đến nay vùng đất này vẫn nổi danh hơn với nghề trà truyền thống với lịch sử hàng trăm năm. Ông Liao Xiugui, ông nội của Liao, nhớ lại “Khi tôi đến đây vài thập niên trước, không ai biết gì về cà phê cả”.
Lúc đó, ông Liao Xiugui là một trong số rất ít người ở Trung Quốc từng học về kỹ thuật canh tác cà phê. Nhưng theo lời ông lão 83 tuổi, địa hình cao và khí hậu ôn hòa của vùng đất Phổ Nhĩ rất phù hợp với loại cây trồng còn xa lạ ấy.
“Cà phê trồng ở Phổ Nhĩ cho hương vị đậm đà nhưng không quá đắng, có hương hoa nhẹ nhàng, hơi pha chút vị trái cây,” ông nói thêm.
Đồn điền cà phê “Thung lũng nhỏ” mỗi năm thu hoạch khoảng 500 tấn quả tươi, canh tác theo phương pháp tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và trồng xen canh để tăng đa dạng sinh học.
Bản thân ông Liao Xiugui cũng duy trì thói quen uống 2-3 ly cà phê mỗi ngày. Ông tin rằng loại thức uống này đã giúp ông giữ được sức khỏe, sự minh mẫn dù đã ngoài 80 tuổi. “Uống cà phê giúp bạn trẻ trung hơn, khỏe mạnh hơn... và ngăn ngừa lão hóa. Hơn nữa, ngày nay ai cũng bận rộn, mệt mỏi với công việc... nên rất cần chút ‘năng lượng’ cho não bộ”, ông Liao Xiugui cho hay.
Một quán cà phê ở Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam.
Sản lượng cà phê của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, dù còn rất khiêm tốn so với các cường quốc cà phê như Brazil, Việt Nam hay Colombia. Riêng tỉnh Vân Nam, chủ yếu là Phổ Nhĩ, hiện cung cấp gần như toàn bộ sản lượng cà phê trong nước.
Theo truyền thông nhà nước, trong chuyến thăm tỉnh này mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, cà phê Vân Nam “đại diện cho Trung Hoa”, đồng thời cam kết hỗ trợ phát triển ngành cà phê từ sản xuất đến xuất khẩu.
Ngoài chính sách ưu đãi sản xuất, Trung Quốc còn khuyến khích kết hợp phát triển cà phê với du lịch nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa – 1 trong những chiến lược trọng tâm của chính phủ.
Bà Yu Dun, nông dân 51 tuổi, chia sẻ, bà đã có thêm nguồn thu nhập bằng việc tổ chức các chuyên thăm quan trải nghiệm đồn điền cà phê, dịch vụ homestay và nhà hàng kết hợp cà phê với ẩm thực truyền thông của dân tộc Thái địa phương.
Bà Yun tin rằng hoạt động kinh doanh rất có triển vọng, đồng thời tiết lộ, thu nhập từ cà phê của bà đã tăng “gấp 10 lần” kể từ khi học được phương thức chế biến và rang xay.
“Ngày xưa, mọi người thường nói, chỉ người giàu mới được uống cà phê, nhưng giờ thì khác rồi,” bà nói.
Thị trường lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận biến động trái chiều, với giá gạo tăng nhẹ trong khi giá lúa giảm. Trên thị trường châu Á, giá gạo tại các nước khác đồng loạt tăng, riêng giá gạo Việt Nam duy trì ổn định.
Giá vàng tăng cao khiến tiêu thụ vàng tại Trung Quốc trong quý I giảm gần 6% khi người dân giảm mua trang sức và chuyển sang tích trữ vàng miếng.
Trưa 28/4, giá vàng trong nước tiếp tục giảm sâu trên diện rộng. Các loại vàng từ SJC, vàng nhẫn trơn, vàng nữ trang 24K đến 18K đều đồng loạt mất giá mạnh, phổ biến từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSteel cho rằng các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Đông, ASEAN, châu Phi có thể làm giảm áp lực cạnh tranh thị trường nội địa trong thời gian tới.