Tài chính Doanh nghiệp 30/10/2024 14:55

Cập nhật KQKD quý III: Thêm một quý buồn của nhóm bất động sản, nhiều DN lãi lớn nhờ doanh thu tài chính

Tính tới chiều 30/10, theo dữ liệu từ Wichart đã có hơn 710 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý III. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý III.

 

 

 

 Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) tăng trưởng đột biến trên 100% trong quý III như: Novaland (Mã: NVL), Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Tập đoàn Masan (Mã: MSN), Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH), LPBank (Mã: LPB), Eximbank (Mã: EIB), NamABank (Mã: NAB), Dabaco (Mã: DBC), CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã: VFG), Cảng Đình Vũ (Mã: DVP), CTCP Vạn Phát Hưng (Mã: VPH), CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu Điện Hà Nội (Mã: BTH), CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (Mã: PGD), Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Mã: SGR),...

Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng báo lãi ròng tăng trưởng một tới hai con số so với cùng kỳ như: Đạm Cà Mau (Mã: DCM), Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), Masan Consumer (Mã: MCH), PAN Group (Mã: PAN), VPBank (Mã: VPB), MBBank (Mã: MBB), Techcombank (Mã: TCB), FPT (Mã: FPT), HAGL (Mã: HAG), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG), SCS,...

Trái lại nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận suy giảm như: DIC Corp (Mã: DIG), Vinhomes (Mã: VHM), Vincom Retail (Mã: VRE), Gelex (Mã: GEX), Viettel Global (Mã: VGI), Viglacera (Mã: VGC), HDBank (Mã: HDB), Ngân hàng ACB (Mã: ACB), Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC), CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), Mộc Châu Milk (Mã: MCM),...

MWG lãi ròng 800 tỷ đồng trong quý vừa qua, gấp 20,6 lần cùng kỳ do doanh thu thuần tăng 15%, lợi nhuận gộp tăng 28% so với cùng kỳ và tối ưu chi phí theo chiến lược tái cấu trúc đã đề ra từ đầu năm. 

Luỹ kế 9 tháng, MWG ghi nhận 2.881 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 37 lần cùng kỳ năm ngoái và đã vượt 20% mục tiêu năm. Lợi nhuận ròng là 2.875 tỷ đồng.

     Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý. 

Viettel Global báo lãi sau thuế 622 tỷ, bằng 44% so với quý III/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do lỗ tỷ giá, trong khi đó lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng.

Gelex lãi sau thuế 387 tỷ, tăng 15% so với quý III/2023 chủ yếu đến từ sự tăng trưởng nguồn thu của mảng thiết bị điện. Còn lãi ròng 99 tỷ quý III, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. 

    Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý. 

Tương tự, công ty con của Gelex là Viglacera báo lãi ròng 205 tỷ đồng trong quý, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh thu mảng cho thuê hạ tầng bất động sản khu công nghiệp giảm, cùng với các đơn vị thành viên của mảng kính gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm.

   Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý. 

Ông lớn ngành cá tra là Vĩnh Hoàn ghi nhận 3.278 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21%. Lãi ròng 321 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất trong vòng 5 quý của công ty.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý. 

Masan báo lãi ròng đạt 701 tỷ đồng trong quý III, gấp 14,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh và chi phí lãi vay ròng giảm cùng việc không phát sinh chi phí do biến động tỷ giá hối đoái.

Doanh thu thuần của Masan đạt 21.487 tỷ đồng, tăng gần 7% so với quý III/2023, nhờ sự tăng trưởng từ các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ giúp bù đắp lại hoạt động tái cấu trúc mảng gà trang trại của Masan MEATLife (Mã: MML) và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn tạm thời của Masan High-Tech Materials (Mã: MHT).

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý. 

Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần 5.084 tỷ đồng quý III, tăng 37% so với cùng kỳ. Các chi phí (bán hàng, tài chính) đều gia tăng so với cùng kỳ. Song nhờ giá vốn được kiểm soát và đặc biệt là lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng vọt lên từ 2 tỷ cùng kỳ lên 147 tỷ giúp tập đoàn báo lãi sau thuế tăng 78% lên 344 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 89% lên 187 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Trái lại, Hoá chất Đức Giang báo lãi ròng 706 tỷ đồng quý vừa qua, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái dẫu doanh thu tăng 4% lên 2.558 tỷ đồng do hụt thu tài chính và tăng chi phí bán hàng. 

   Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Quý III, CTCP Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 3% so với cùng kỳ xuống còn 1.062 tỷ đồng. Doanh nghiệp dược này báo lãi sau thuế 156 tỷ đồng, giảm 6% so với quý III/2023 và cũng là con số thấp nhất kể từ quý IV/2019.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) ghi nhận 1.432 tỷ đồng doanh thu thuần quý III, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái do giảm nguồn thu từ trái cây và bán heo.

Dẫu doanh thu suy giảm hai con số song nhờ việc kiểm soát giá vốn cùng với các chi phí tiết giảm nên HAGL vẫn báo lãi ròng quý III tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 332 tỷ. Luỹ kế ba quý, HAGL đạt 4.194 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ song lãi sau thuế tăng 20% lên 851 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý của PNJ rơi về mức thấp nhất 3 năm. Trong quý III, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.130 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế giảm gần 15% xuống còn 216 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất kể từ quý IV/2021 của PNJ.

Luỹ kế 9 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.382 tỷ đồng; tăng lần lượt 25% và 3% so với cùng kỳ.

   Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Dù chưa công bố báo cáo tài chính song một số doanh nghiệp vốn hoá lớn trên sàn đã đưa ra sơ bộ kết quả kinh doanh quý III.

Quý III, CTCP FPT báo lãi ròng kỷ lục 2.089 tỷ đồng, tăng 20% so với quý III/2023 và cũng là lần đầu tiên tập đoàn vượt 2.000 tỷ lợi nhuận trong một quý.

9 tháng đầu năm, FPT ghi nhận 45.241 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 5.762 tỷ đồng, tăng 21,5% so với 9 tháng đầu năm ngoái. 

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Hay ông lớn ngành thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) đã công bố sơ bộ tình hình kinh doanh với mức lãi sau thuế 3.022 tỷ đồng quý III, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước (2.000 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước và đạt 92% mục tiêu năm. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với 85%, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp.

   Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Công ty bất động sản lãi lớn từ chuyển nhượng cổ phần

Doanh thu của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG) giảm 80% so với cùng kỳ xuống còn 47 tỷ. Lợi nhuận ròng còn 7 tỷ trong quý III, bằng 42% so với quý III/2023.

Trong quý vừa qua, doanh thu kinh doanh bất động sản của DIG ghi nhận âm 50 tỷ, cùng kỳ đạt 128 tỷ.

Còn Novaland (Mã: NVL) lãi sau thuế đột biến 2.950 tỷ đồng, gấp 21,5 lần cùng kỳ năm ngoái và là con số cao kỷ lục của công ty. Phía doanh nghiệp lý giải kết quả tăng đột biến chủ yếu do doanh thu tài chính cao hơn cùng kỳ, trong đó đã bao gồm khoản doanh thu tài chính trong nửa đầu năm mà đơn vị kiểm toán điều chỉnh trong báo cáo soát xét trước đó (3.046 tỷ đồng) do tập đoàn đã thực thu trong quý III. 

Tuy nhiên, do mức lỗ lớn trong nửa đầu năm, Novaland vẫn bị lỗ 4.377 tỷ đồng sau 9 tháng kinh doanh, phần lớn do trích lập dự phòng cho kỳ báo cáo bán niên 2024 theo quan điểm riêng của đơn vị kiểm toán.

Một doanh nghiệp bất động sản họ Vin là Vinhomes báo lãi ròng giảm 26% so với cùng kỳ xuống 7.866 tỷ đồng. Doanh thu ghi nhận 33.323 tỷ, tăng gần 2% so với quý III/2023.

Luỹ kế 9 tháng, Vinhomes lãi ròng 19.642 tỷ, bằng 61% con số đạt được của cùng kỳ năm ngoái.

     Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Sau 6 quý liên tiếp báo lãi ròng trên nghìn tỷ, Vincom Retail chính thức mất mốc lợi nhuận nghìn tỷ trong quý III khi chỉ còn ghi nhận lãi ròng 906 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái do mảng bất động sản không còn ghi nhận nhiều sản phẩm tại các dự án.

Trong quý III, doanh thu từ hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại của Vincom Retail tương đương cùng kỳ còn mảng bất động sản thương mại để bán, do đã bàn giao phần lớn dự án Đông Hà Quảng Trị trong năm 2023, phần doanh thu từ dự án này không còn nhiều dẫn tới doanh thu mảng bất động sản giảm.

    Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

 CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF) - công ty con của Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC), ghi nhận chưa tới 4 tỷ đồng doanh thu thuần.

Doanh thu luôn ở mức thấp song nguồn thu chính của VEF đến chủ yếu từ lãi cho vay. Doanh thu tài chính kỳ này giảm 14% so với cùng kỳ còn 129 tỷ do VEF sử dụng nguồn tiền vào hoạt động phát triển các dự án đang triển khai. Trừ đi các chi phí, VEF báo lãi sau thuế gần 85 tỷ, giảm 27% so với quý III năm ngoái. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) báo lỗ ròng 52 tỷ quý III trong khi doanh thu thuần tăng 4% lên 371 tỷ do giá vốn leo thang và hụt nguồn lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. 

9 tháng, Nam Long ghi nhận 828 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng chưa tới 16 tỷ; giảm lần lượt 46% và 92% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Doanh thu của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) chỉ còn chưa tới 3 tỷ đồng quý III, cùng kỳ đạt 355 tỷ trong bối cảnh ngành còn nhiều khó khăn, việc đầu tư và phát triển dự án của công ty chưa thuận lợi. Song nhờ lợi nhuận chuyển nhượng công ty liên kết giúp Phát Đạt ghi nhận khoản doanh thu tài chính 194 tỷ.

Khoản thu đột biến giúp công ty bất động sản này thoát lỗ và lãi ròng quý III chỉ giảm 50% so với cùng kỳ còn 51 tỷ đồng.

9 tháng, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 173 tỷ, lãi ròng 154 tỷ đồng; giảm lần lượt 69% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Tăng mạnh nguồn thu từ bất động sản giúp CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (MãTCH) ghi nhận doanh thu quý II năm tài chính 2024 (giai đoạn 1/7 - 30/9) gấp gần 5,6 lần cùng kỳ lên 1.414 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 217 tỷ, tăng 292% so với quý II niên độ trước. 

Luỹ kế 6 tháng, TCH đạt 2.242 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 358 tỷ; tăng lần lượt 292% và 121% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, CTCP Vạn Phát Hưng (Mã: VPH) báo lãi ròng đột biến 183 tỷ quý III nhờ khoản lãi chuyển nhượng cổ phần 349 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp lỗ 20 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của công ty. Doanh thu trong kỳ của VPH chỉ đạt 18 tỷ song đã gấp gần 7 lần quý III/2023.

Doanh nghiệp thông tin trong kỳ công ty đã hoàn thành pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu Dân Cư Nhơn Đức Nhà Bè 16,7 ha. Từ đó, công ty thực hiện chuyển nhượng 99% cổ phần tại công ty con là CTCP Bất Động Sản Nhà Bè cho đối tác.

Hiện tại, công ty đang hoàn thiện những bước sau cùng để hoàn tất việc chuyển nhượng cũng như tập trung nguồn lực để triển khai những dự án mới tiếp theo.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (Mã: NHA) cũng lãi đột biến gần 12 tỷ, cùng kỳ chỉ đạt 60 triệu nhờ tăng nguồn thu từ mảng bất động sản.

Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Mã: SGR) công bố tình hình kinh doanh quý vừa qua với cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng do tăng nguồn thu từ dự án.

Quý III, SGR đạt 58 tỷ doanh thu thuần, 42,5 tỷ lãi sau thuế; tăng lần lượt 218% và 118% so với quý III/2023.

Ngành thuỷ sản chứng kiến đà tăng trưởng lợi nhuận của cả doanh nghiệp tôm (FMC), và cá tra (Vĩnh Hoàn, ANV) nhờ đà tăng từ các thị trường chủ lực.

nhóm dệt may, nhiều doanh nghiệp báo kết quả kinh doanh trong quý III tăng trưởng như TNG, TCM, Sợi Thế Kỷ,... nhờ tình hình xuất khẩu khả quan, thậm chí có đơn vị đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm

Doanh nghiệp cao su cũng ghi nhận nhiều đơn vị công bố lợi nhuận, trong đó nhóm cao su tự nhiên lãi lớn nhờ đà tăng của giá "vàng trắng" như: GVR, PHR, TRC, DPR,... Trái lại nhóm săm lốp tiếp tục chật vật trong quý vừa qua.

Ngành dược lại ghi nhận sự phân hoá khi Dược Hậu Giang, Domesco (Mã: DMC), CPC1 Hà Nội (Mã: DTP) báo lãi suy giảm trong quý. Trái lại, Imexpharm (Mã: IMP) cùng một số đơn vị nhỏ khác như Dược phẩm TW3 (Mã: DP3), Pharmedic (Mã: PMC),... lại có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp lỗ lớn quý III

Tính tới sáng 30/10, có gần 130 doanh nghiệp thua lỗ trong quý vừa qua như: CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR), HAGL Agrico (Mã: HNG), Chứng khoán APG (Mã: APG), CTCP Than Núi Béo - Vinacomin (Mã: NBC), Tisco (Mã: TIS), Nam Long (Mã: NLG), VKC Holdings (Mã: VKC), Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (Mã: AIC), Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (Mã: TIN), Chứng khoán Everest (Mã: EVS), Viglacera Hạ Long (Mã: VHL), CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Mã: VOS), Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND),...

MSR báo lỗ ròng 345 tỷ đồng quý III do nhu cầu thị trường thấp hơn, hoạt động doanh nghiệp bị gián đoạn do cơn bão Yagi và kế hoạch bảo trì nhà máy trong bối cảnh được thuận lợi về giá bán trên thị trường.

HAGL Agrico lỗ ròng 182 tỷ đồng trong quý III doanh thu trái cây giảm sâu trong khi kinh doanh dưới giá vốn và phải gánh thêm chi phí lãi vay, lỗ tỷ giá.

Luỹ kế 9 tháng, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu thuần 288 tỷ, bằng 66% cùng kỳ năm ngoái và lỗ ròng 546 tỷ đồng. Việc liên tục thua lỗ khiến khoản lỗ luỹ kế tính tới cuối quý III là 8.648 tỷ đồng.

   Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Hoàng Kiều
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 30/10/2024 16:16
Hoa Sen lãi sau thuế 510 tỷ trong niên độ 2023 - 2024

Báo cáo tài chính hợp nhất NĐTC 2023 - 2024 của Tập đoàn Hoa Sen cho thấy các chỉ số đều tăng trưởng so với cùng kỳ và vượt kế hoạch kinh doanh theo phương án cao đã đề ra vào đầu NĐTC.

Tài chính Doanh nghiệp 30/10/2024 16:07
Lãi ròng PV OIL giảm 87% trong quý III

Quý III, doanh thu của PV OIL ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại suy giảm trong bối cảnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu "đi xuống".

Tài chính Doanh nghiệp 30/10/2024 14:19
Hậu đổi tên, Sữa Quốc tế báo lãi kỷ lục

Quý III, Sữa Quốc tế báo lãi sau thuế gần 300 tỷ đồng, đây là mức lãi theo quý cao nhất trong lịch sử của công ty.

Tài chính Doanh nghiệp 30/10/2024 13:45
Mảng tiêu dùng của Masan tiếp tục tăng trưởng hai con số trong quý III

Bức tranh tổng thể của ngành tiêu dùng bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong cuối năm 2024. Một doanh nghiệp ngành tiêu dùng bán lẻ gây chú ý khi hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.