Nghị quyết số 218/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 đã nêu một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đề ra trong thời gian tới là tập trung xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp yếu kém, tồn đọng kéo dài.
Nghị quyết nêu rõ nội dung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trong tháng 12; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình các thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường để ổn định thị trường ngoại tệ.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đánh giá chính sách tiền tệ vừa qua hợp lý, ổn định hệ thống và xử lý được hai ngân hàng 0 đồng.
Trước đó, đã có ba ngân hàng được đưa vào diện bắt buộc mua lại 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). Đến cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Gần đây, NHNN đã chính thức chuyển giao CBBank và OceanBank về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB). Còn hai ngân hàng khác là GPBank và DongA Bank dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 218 cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, kiên trì các mục tiêu đề ra, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt khoảng 7,4%-7,6%, cả năm đạt trên 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024.