5 cựu bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo các động thái gần đây tại Bộ Tài chính của giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump và Bộ DOGE do tỷ phú Elon Musk dẫn dắt gây ra “nỗi lo đáng kể” rằng các cam kết tài chính của siêu cường số một thế giới đang bị tổn hại “một cách bất hợp pháp”.
Trên tờ New York Times (NYT) ngày 10/2, 5 cựu quan chức viết: “Trong thời gian làm việc tại Bộ Tài chính, chúng tôi đã từng đối mặt với những thời điểm khủng hoảng, khi bóng ma vỡ nợ rình rập nước Mỹ.
Mọi dấu hiệu về việc đình chỉ có chọn lọc các khoản thanh toán do Quốc hội phê chuẩn là hành vi bội tín và sau cùng là một hình thức vỡ nợ. Và một khi chúng ta đánh mất uy tín, việc khôi phục nó sẽ cực kỳ khó khăn".
"Không bộ trưởng Bộ Tài chính mới nhậm chức nào nên bị đặt vào tình thế phải lên tiếng trấn an đất nước và thế giới về sự toàn vẹn của hệ thống thanh toán hoặc phải nhấn mạnh cam kết của chúng ta trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính”, họ viết tiếp.
Các cựu bộ trưởng đồng chắp bút cho bài viết trên bao gồm các ông Robert Rubin, Lawrence Summers, Timothy Geithner, Jacob Lew và bà Janet Yellen. Tất cả đều phục vụ trong chính quyền các tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ, bao gồm ông Bill Clinton, Barack Obama và Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: AP).
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các thành viên thuộc Bộ DOGE đang tìm cách truy cập vào các hệ thống thanh toán nhạy cảm của Bộ Tài chính.
Khi DOGE và các ban ngành khác của chính quyền ông Trump nỗ lực cắt giảm chi tiêu và nhân viên chính phủ, họ đã chú ý tới hệ thống giải ngân thanh toán của Cục Dịch vụ Tài khóa thuộc Bộ Tài chính. Hệ thống này chịu trách nhiệm phân bổ hơn 5.000 tỷ USD tiền quỹ liên bang.
Chánh văn phòng Bộ Tài chính ban đầu từng hỗ trợ để một thành viên DOGE được cấp “quyền truy cập vào hệ thống thanh toán” nhằm giúp Bộ Tài chính đóng băng các khoản giải ngân cho cơ quan viện trợ nước ngoài USAID, tờ NYT đưa tin.
Tờ báo cũng lưu ý những email mà họ được cung cấp không giải thích thỏa đáng lý do các thành viên của DOGE được trao quyền tiếp cận hệ thống. Bộ Tài chính cho biết DOGE “chỉ tiến hành việc đánh giá hiệu quả hoạt động và không ngăn chặn các khoản thanh toán của Bộ Tài chính”.
5 cựu bộ trưởng lập luận rằng việc trao quyền tiếp cận cho người ngoài “làm đảo lộn” thông lệ lâu đời là để cho các hệ thống thanh toán được vận hành bởi “một nhóm nhỏ các công chức chuyên nghiệp phi đảng phái”.
Họ viết: “Chúng tôi lo ngại về nguy cơ các khoản thanh toán liên bang bị kiểm soát tùy tiện và thất thường với động cơ chính trị, điều này là bất hợp pháp và sẽ làm xói mòn nền dân chủ của Mỹ”.
Ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, bác bỏ mạnh mẽ tuyên bố của 5 cựu bộ trưởng trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Ông Hassett nhấn mạnh: “Người điều hành Bộ Tài chính Mỹ là Bộ trưởng Scott Bessent. Ông Bessent nhận thấy các biện pháp kiểm soát chi tiêu của chính quyền tiền nhiệm là không thể chấp nhận nổi…
Họ không kiểm tra trước khi gửi tiền đi, không xét xem liệu nó có hợp lý hay không. Và khi chúng tôi bắt tay vào xem xét, chúng tôi tìm thấy rất nhiều khoản lẽ ra không nên gửi đi… Có lẽ đến cuối cùng, chúng tôi sẽ phát hiện ra rất nhiều tiền đã đến những nơi tồi tệ”.
Ông Hassett cũng khẳng định ý tưởng tỷ phú Elon Musk có toàn quyền kiểm soát Bộ Tài chính là hoang đường. Ông chỉ ra: “Elon Musk ngồi trong văn phòng cạnh tôi. Ông ấy không nắm quyền kiểm soát”.
Theo Tổng thống Donald Trump, cái giá để Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine là 500 tỷ USD đất hiếm của quốc gia Đông Âu.
Bộ Tài chính cho biết tổng nợ của nước này đã cao gấp hai lần quy mô nền kinh tế và là mức nợ quốc gia lớn nhất trong các nền kinh tế phát triển, một phần do tăng chi phí quốc phòng và an sinh xã hội.
Theo nhận định của New York Times, quyết định áp thuế thép và nhôm của ông Trump thực chất nhắm vào Trung Quốc.
Penny là đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhất nước Mỹ, trị giá 0,01 USD. Từ lâu đã có ý kiến hoài nghi về sự hữu ích của đồng penny, nhưng một số người lo ngại việc loại bỏ nó có thể khiến giá cả hàng hóa gia tăng.