Kinh tế Quốc tế 17/04/2024 07:40

Chủ tịch Fed nói gì mà khiến chứng khoán Mỹ nới dài đà giảm?

Chia sẻ mới nhất của Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến hai chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm và kéo lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao hơn.

 

Chủ tịch Jerome Powell nói các dữ liệu gần đây không giúp Fed thêm tự tin về lạm phát. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 16/4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết mặc dù nền kinh tế vẫn mạnh mẽ, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương này. Ông Powell nói việc cắt giảm lãi suất sẽ khó mà diễn ra sớm.

Phát biểu tại một diễn đàn chính sách tập trung vào quan hệ kinh tế Mỹ - Canada, ông Powell cho biết tuy đang tiếp tục đi xuống, lạm phát vẫn chưa giảm đủ nhanh và chính sách tiền tệ hiện nay sẽ được giữ nguyên.

“Dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn vững chắc và thị trường lao động tiếp tục duy trì sức mạnh, nhưng không chỉ ra nhiều tiến bộ rằng lạm phát đang quay trở về mức mục tiêu 2%”, người đứng đầu Fed bày tỏ.

Có cùng quan điểm với một số quan chức ngân hàng trung ương khác, ông Powell nói Fed nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến khi lạm phát tiến gần hơn đến mức mục tiêu.

Fed đã giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25 - 5,5% kể từ tháng 7 năm ngoái. Đây là mức lãi suất cao nhất trong hơn 22 năm qua và là kết quả của 11 lần tăng liên tiếp bắt đầu vào tháng 3/2022.

“Các dữ liệu gần đây rõ ràng không mang lại cho chúng tôi thêm sự tự tin, mà thay vào đó cho thấy rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được sự tự tin đó. Song, chúng tôi nghĩ chính sách hiện tại có thể giúp giải quyết các rủi ro mà chúng tôi gặp phải”, ông Powell chia sẻ thêm.

Chủ tịch Fed nhấn mạnh, cho đến khi thấy thêm chuyển biến trên mặt trận chống lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ “có thể duy trì mức lãi suất như hiện nay trong khoảng thời gian cần thiết”.

 

Fed đã giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 7/2023.

 

Bình luận của ông Powell xuất hiện không lâu sau khi dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát trong ba tháng đầu năm đều cao hơn dự kiến, theo CNBC.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 - được công bố vào tuần trước - cho thấy lạm phát đang ở mức 3,5%. Con số này đã giảm mạnh từ mức đỉnh 9% vào giữa năm 2022 nhưng lại tăng tốc đáng kể kể từ tháng 10/2023.

Lợi suất trái phiếu kho bạc đi lên sau những chia sẻ của ông Powell. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm, vốn đặc biệt nhạy cảm với các động thái lãi suất của Fed, có thời điểm chạm mức 5%.

Hai chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là S&P 500 và Nasdaq Composite nối dài đà giảm sau lời cảnh báo của ông Powell. Chỉ Dow Jones phục hồi nhờ kết quả kinh doanh tích cực của UnitedHealth.

Ông Powell lưu ý thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân - cho thấy lạm phát lõi ở mức 2,8% vào tháng 2 và ít thay đổi trong vài tháng qua.

Thị trường tài chính đã phải điều chỉnh lại kỳ vọng về số đợt và thời điểm Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay. Vào đầu năm, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ giảm 6 hoặc 7 lần, bắt đầu từ tháng 3.

Khi dữ liệu thay đổi theo chiều hướng bất lợi, họ kỳ vọng Fed chỉ giảm lãi suất một hoặc hai lần - mỗi lần 25 điểm cơ bản. Các nhà giao dịch nhận định phải đến tháng 9 Fed mới bắt đầu đảo chiều.

Tại cuộc họp tháng 3, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn dự định sẽ hạ chi phí đi vay liên ngân hàng ba lần trong năm nay. Tuy nhiên, một số quan chức đã thể hiện sự thận trọng, nhấn mạnh vào vai trò của dữ liệu và không cố định số lần giảm. 

 

 

 

 

Khả Nhân
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 30/04/2024 10:00
Tại sao Trung Quốc tiếp tục sản xuất nhiều ô tô hơn mức cần thiết?

Trung Quốc hiện có thể sản xuất khoảng 40 triệu xe mỗi năm nhưng chỉ bán được khoảng 22 triệu xe trong nước, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Automobility và số liệu bán hàng từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc.

Kinh tế Quốc tế 30/04/2024 08:57
Reuters: Nhật Bản có thể đã can thiệp để hỗ trợ đồng yen

Thị trường cho rằng Nhật Bản có thể đã bán USD để hỗ trợ cho JPY trong bối cảnh nội tệ của nước này chạm mức thấp kỷ lục so với USD.

Kinh tế Quốc tế 30/04/2024 08:04
Vì sao đồng đô la mạnh hơn lại nguy hiểm?

Theo tờ The Economist, đồng đô la Mỹ đang ngày càng trở nên đáng gờm. Khi các nhà đầu tư hạ dự báo về khả năng Fed cắt giảm lãi suất, tiền tràn vào thị trường Mỹ và đồng bạc xanh đã tăng giá.

Kinh tế Quốc tế 30/04/2024 08:00
Yếu tố nào chi phối thị trường bất động sản châu Á?

Một số thị trường bất động sản ở châu Á chứng kiến sự giảm sút mạnh về giá cũng như lượng giao dịch. Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ do vấn đề lãi suất mà còn do sự mất cân đối cung cầu.