26/04/2024 13:17

Chủ tịch VietABank chia sẻ kế hoạch lên sàn HOSE trong năm 2024

Chủ tịch VietABank cho biết kế hoạch của ngân hàng là niêm yết trên HOSE trong năm 2024 và hiện tại đã chuẩn bị sẵn hồ sơ và làm việc với một số công ty chứng khoán về kế hoạch này.

 Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông của VietABank. (Ảnh: H.T).

Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tại khách sạn Pan Pacific Hà Nội.

Đại hội đã thông qua kế hoạch lợi nhuận 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kết quả thực hiện năm 2023; tổng tài sản tăng 4,3% lên gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 12,36% lên 77.741 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 5,6% lên 92.027 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 3%. Cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của VietABank ở mức 1,59%, thuộc nhóm tương đối thấp trong các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ.

 

Chia sẻ về vấn đề chi phí vốn tỷ lệ CASA của ngân hàng còn ở mức thấp. Ông Nguyễn Văn Trọng, Quyền Tổng Giám đốc VietABank cho hay mặc dù CASA của VietABank chưa lớn nhưng vẫn liên tục tăng trưởng so với các năm trước. Năm 2023 tăng lên trên 4% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt trên 3%.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định sẽ tiếp tục dịch chuyển cơ cấu huy động khách hàng để tăng lượng CASA, từ đó giảm giá vốn và có cơ sở giảm lãi suất cho vay khách hàng.

Niêm yết lên HOSE trong năm 2024

ĐHĐCĐ cũng thông qua tờ trình về việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Theo tờ trình gửi tới đại hội, ngân hàng đưa ra hai phương án là niêm yết trên HOSE và HNX.

Tuy nhiên, chia sẻ cụ thể tại đại hội, Chủ tịch Phương Thành Long cho biết kế hoạch của VietABank là sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2024 sau khi được ĐHĐCĐ và các cấp thẩm quyền phê duyệt.

"Hồ sơ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và đã làm việc với một số công ty chứng khoán. Hy vọng là sẽ hoàn thành được mục tiêu niêm yết trong năm 2024", Chủ tịch VietABank cho hay.

Chia cổ tức 39% bằng cổ phiếu

HĐQT VietABank cũng đã trình ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Năm 2023, VietABank không tăng vốn điều lệ.

Tại đại hội, cổ đông đặt vấn đề tại sao vốn điều lệ của VietABank đang thấp, ngoài việc trả cổ tức thì tại sao không tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu hoặc bán cho cổ đông chiến lược?

Trả lời cổ đông, Chủ tịch Phương Thành Long cho biết trong năm nay ngân hàng dự kiến tăng vốn lên 7.500 tỷ dựa trên lợi nhuận giữ lại. Còn phương án tăng vốn bằng phát hành cho cổ đông hiện hữu hay cổ đông chiến lược năm nay chưa đề xuất nhưng khoảng năm 2025 sẽ thực hiện. Ông cho biết hiện VietABank có hơn 29% room để dành cho cổ đông ngoại.

Giải trình về đề xuất tăng thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát thêm hơn 31% trong khi các chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh đều dưới 20%, ông Long cho biết mức thù lao hiện tại của VietABank khi so với thị trường là ở mức tương đối thấp và hầu như không tăng trong nhiều năm qua, có năm tăng nhưng rất nhỏ.

"Chúng tôi đề xuất mức tăng là hơn 30% nhưng có thể không đạt đến mức tối đa như vậy, có thể là sẽ tăng từ 9 - 10 tỷ đồng", ông cho hay.

Chia sẻ thêm về việc áp dụng các quy định mới về tỷ lệ sở hữu ngân hàng trong Luật các TCTD mới, Chủ tịch VietABank cho biết ngân hàng hiện đã rà soát và hiện tại không cần phải điều chỉnh gì.

 ĐHĐCĐ đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Hoàng Vũ Tùng và bầu ông Trần Ngọc Hải vào vị trí Thành viên Ban Kiểm soát thay thế ông Tùng. Số lượng thành viên Ban Kiểm soát của VietABank sau ĐHĐCĐ là 3 người. 

H.T