Tại tọa đàm hồi tháng 4, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn này đang báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm các cơ chế giá điện hai thành phần trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng từ 2025. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của EVN vừa gửi Bộ Công Thương, lộ trình thực hiện cách tính mới này vẫn chưa được xác định.
Việt Nam đang áp dụng giá một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.
Với giá hai thành phần, gồm tính theo sản lượng tiêu thụ và công suất đăng ký, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, họ vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
EVN cho biết đơn vị tư vấn Đề án xây dựng cơ chế thí điểm giá điện hai thành phần đưa ra lộ trình áp dụng theo hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn thử nghiệm "trên dữ liệu thời gian thực" nhưng vẫn dùng biểu giá bán lẻ hiện hành để tính hóa đơn tiền điện, thực hiện hết 2024. Kết quả tính toán này sẽ dùng để so sánh, đánh giá và có điều chỉnh phù hợp hoàn thiện biểu giá.
Cũng trong giai đoạn này, các văn bản pháp lý sẽ được chuẩn bị nhằm sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi - áp dụng chính thức giá hai thành phần.
Sau giai đoạn thử nghiệm, đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng chính thức giá hai thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất trong tập khách hàng Nghị định 80/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Tức, việc thí điểm được đề xuất cho khoảng 7.000 khách hàng có lượng tiêu thụ điện trung bình từ 200.000 kWh mỗi tháng đang đủ điều kiện tham gia DPPA. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành. Phương án lộ trình lý tưởng là từ 1/1/2025, theo đề xuất của đơn vị tư vấn.
Tuy nhiên, theo EVN, lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng giá điện hai thành phần cần được Thủ tướng phê duyệt và Bộ Công Thương hướng dẫn. Cùng đó, việc thay đổi cơ chế tính giá điện cần được xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp.
EVN cũng cho rằng việc lựa chọn nhóm khách hàng thuộc cơ chế DPPA để thí điểm là "thận trọng, có thể xem xét trong giai đoạn hiện nay".
Về lộ trình áp dụng, tập đoàn này nhìn nhận giai đoạn thử nghiệm chưa nên thanh toán theo biểu giá hai thành phần mà vẫn theo biểu giá hiện hành. "Chỉ áp dụng, thanh toán chính thức khi "đầy đủ các văn bản pháp lý hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương".
EVN khẳng định việc cải cách cơ chế giá bán lẻ điện cần được xem xét trong thời điểm Việt Nam đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường phát điện, bán buôn, bán lẻ điện. Song, việc áp dụng giá hai thành phần sẽ tác động đến các nhóm khách hàng, các hộ sử dụng điện do số tiền phải thanh toán của khách hàng có thể tăng hoặc giảm so với cơ chế hiện nay.
"Điều này sẽ tạo ra phản ứng trái chiều trong dư luận, dễ bị các đối tượng lợi dụng, xuyên tạc khi không nắm được bản chất sự việc. Do đó, cần phải truyền thông để tạo đồng thuận", EVN cho biết.
Nguồn cung cá rô phi từ Trung Quốc cho Mỹ giảm, khiến giá cá tăng. Đây có thể là cơ hội cho cá tra Việt Nam.
Giá thịt heo tại các cửa hàng thực phẩm vẫn chưa ghi nhận điều chỉnh mới trong sáng nay. Trong đó, nạc vai heo đang được bán với giá 123.120 đồng/kg tại WinMart và 102.000 đồng/kg tại Hà Hiền.
Giá dầu tăng gần 3% trong phiên giao dịch ngày 4/11 sau quyết định của OPEC+ về việc trì hoãn một tháng kế hoạch tăng sản lượng, trong khi các nhà đầu tư cũng tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 4/11 vì sự không chắc chắn về cuộc bầu cử ở Mỹ cùng với việc thị trường đặt cược khả năng xảy ra một kết quả gây tranh cãi và căng thẳng chính trị, trong khi các nhà đầu tư cũng theo dõi sát cuộc họp chính sách của Fed vào cuối tuần này.