Kinh tế Quốc tế 19/09/2024 06:35

Chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sau khi Fed hạ lãi suất 50 bps

Chứng khoán ban đầu vọt tăng nhờ quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay của Fed, nhưng cuối cùng không thể duy trì kết quả tích cực do những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 18/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 103 điểm, tương đương 0,25% và đóng cửa ở mức 41.503 điểm. Chỉ số này từng tăng tới 376 điểm ngay sau quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Chỉ số S&P 500 giảm 0,29% và chốt phiên với 5.618 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,31% xuống 17.573 điểm. Trong phiên, cả S&P 500 và Dow Jones đều chạm mốc kỷ lục mới trước khi quay đầu. 

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau khi Fed mạnh tay hạ lãi suất. 

Kết thúc cuộc họp vào ngày 18/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) đã giảm lãi suất quỹ liên bang từ 5,25% - 5,5% xuống phạm vi 4,75% - 5%. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong vòng 4 năm khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt đáng kể. 

Ngoài ảnh hưởng đến chi phí đi vay ngắn hạn của các ngân hàng, lãi suất chuẩn cũng tác động đến nhiều sản phẩm tiêu dùng khác khác như cho vay mua nhà, mua ô tô và thẻ tín dụng.

“Ủy ban đã tự tin hơn rằng lạm phát đang giảm bền vững về mức mục tiêu 2% và chúng tôi đánh giá rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát là tương đương nhau”, tuyên bố sau cuộc họp nhấn mạnh.

Ngoài các đợt giảm lãi suất khẩn cấp trong đại dịch, lần cuối cùng FOMC hạ 50 bps là vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Tuần trước, thị trường tương lai đã chuyển sang đánh cược rằng ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) thay vì 25 bps. Mặc dù kết quả thực tế đã đúng với kỳ vọng của thị trường, cổ phiếu không thể giữ được đà tăng. 

“Quyết định cắt giảm lãi suất 50 bps cho thấy Fed cảm thấy rằng xu hướng hạ nhiệt của lạm phát đã trở nên bền vững và họ có thể chuyển trọng tâm sang việc hạn chế căng thẳng cho nền kinh tế”, Giám đốc đầu tư của Morningstar Wealth là ông Philip Straehl cho biết. 

Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cố gắng xoa dịu những lo ngại rằng ngân hàng trung ương mạnh tay cắt giảm lãi suất vì nền kinh tế gặp rủi ro. Ông ám chỉ rằng khả năng lạm phát tăng trở lại đã giảm rất nhiều. 

“Tôi không thấy bất cứ điều gì trong nền kinh tế hiện tại cho thấy khả năng … suy thoái đang gia tăng”, ông Powell nói. 

Tuy nhiên, các chỉ số chính vẫn đảo chiều bất chấp những bình luận từ Chủ tịch Fed. Theo CNBC, một trong những lý do có thể là bởi cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước cuộc họp. S&P 500 đã tăng gần 18% trong năm 2024 và hơn 1% trong khoảng một tháng vừa qua. 

 

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 19/09/2024 23:06
Liban cấm mang máy nhắn tin, bộ đàm lên máy bay

Chính quyền Liban ngày 19/9 thông báo cấm máy nhắn tin và bộ đàm trên các chuyến bay từ sân bay Beirut.

Kinh tế Quốc tế 19/09/2024 20:00
Các đồng tiền châu Á mạnh nhất trong 14 tháng sau khi Fed giảm lãi suất, VND chỉ nhích nhẹ

Nhiều đồng tiền châu Á vọt tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, VND phản ứng tương đối yếu với thông tin trên.

Kinh tế Quốc tế 19/09/2024 14:25
Ông Trump: Fed giảm mạnh lãi suất chứng tỏ nền kinh tế Mỹ ‘rất tệ’

Động thái giảm lãi suất của Fed đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 19/09/2024 10:29
Huyền thoại Ray Dalio chỉ ra 5 yếu tố sẽ khuấy đảo nền kinh tế toàn cầu

Nợ của chính phủ Mỹ và xung đột Mỹ - Trung là hai trong số những nỗi lo lớn nhất của tỷ phú đầu tư Ray Dalio.