Trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh cao mới, chúng tôi đã có bài phỏng vấn trực tuyến với TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính độc lập - người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ và cũng là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam nhằm cung cấp thêm các phân tích và góc nhìn về thị trường vàng hiện nay.
- Gần đây giá vàng quốc tế liên tục biến động tăng, có lúc chạm các mốc kỷ lục. Thưa TS. Hiếu, đâu là những động lực chính đang “đẩy” giá vàng đi lên?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận về giá vàng trên thị trường quốc tế. Hiện nay, giá vàng đang tăng nhanh chóng và hiện đã đạt mức 3.334 USD mỗi ounce (oz). Trước đây, cả tôi và nhiều chuyên gia tài chính đều cho rằng giá vàng sẽ chạm mức 3.200 USD/oz vào đầu năm, một mức giá cần thời gian để đạt được. Tuy nhiên, mức 3.200 đô la đã bị vượt qua từ lâu, và hiện tại, giá vàng đã đạt tới mức 3.334 đô la. Điều này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá vàng trên thế giới.
Vậy lý do gì khiến giá vàng tăng cao như vậy? Thị trường vàng quốc tế đang chịu tác động từ nhiều phía. Thứ nhất, lạm phát tại nhiều nước còn cao, khiến nhà đầu tư lo ngại sức mua của tiền pháp định suy yếu, nên vàng được lựa chọn làm kênh trú ẩn.
Thứ hai, sau thời gian tăng lãi suất mạnh, Fed được kỳ vọng sẽ phải sớm hạ lãi suất khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xác nhận cắt giảm, nhưng chỉ cần kỳ vọng đó cũng đủ tạo đà cho giá vàng.
Thứ ba, bối cảnh địa chính trị bất ổn, bao gồm xung đột Nga - Ukraine kéo dài, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung càng khiến vàng được ưu tiên như tài sản an toàn. Mới đây, Fed đã bày tỏ lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác sẽ khiến mục tiêu kép giữa tăng trưởng và lạm phát càng trở nên khó khăn.
Mỹ đã áp thuế rất cao đối với Trung Quốc, lên tới 145%, và tổng mức thuế có thể lên đến 245% nếu tính cả thuế cho các mặt hàng đặc biệt. Thông tin này đã khiến thị trường tài chính bị hoảng loạn. Chứng khoán Mỹ đã liên tục giảm điểm trong những phiên gần đây.
Ngoài ra, một yếu tố ít được chú ý nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn chính là sự gia tăng của các quốc gia như Trung Quốc, Nga mua vào vàng để đa dạng hóa dự trữ. Điều này làm tăng cầu dài hạn cho vàng, tác động mạnh tới giá trị của kim loại quý này.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi sự biến động của giá vàng thế giới. Hiện nay, một số tiệm vàng bán vàng miếng với mức giá lên đến 120 triệu đồng mỗi lượng, điều này thực sự khiến tôi bất ngờ. Mức giá này có thể chưa được kỳ vọng sớm, nhưng ngày 17/4 đã cho thấy sự tăng mạnh này.
Một trong những lý do quan trọng là nguồn cung vàng trong nước hiện tại rất hạn chế. Nhiều người gọi điện cho tôi, thông báo rằng họ không thể mua vàng ở các tiệm vàng. Nếu tiệm vàng có bán, số lượng cũng rất nhỏ giọt, chỉ có thể mua được một chỉ vàng.
Với nguồn cung hạn chế và tâm lý đầu tư vàng đang tăng cao do giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước đã lên mức cao chưa từng có.
- Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường lượng vàng nhập khẩu và đầu tư vào các quỹ ETF vàng. Ông đánh giá thế nào về động thái này? Liệu có phải là khởi đầu cho một chu kỳ mua vào mạnh mẽ từ thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc Trung Quốc mua vào lượng vàng lớn trong thời gian gần đây không phải là điều mới mẻ. Trên thực tế, điều này đã diễn ra trong vài năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tích cực gom vàng. Đây là một phản ứng chiến lược đối với tình hình khủng hoảng mới.
Việc các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng đầu tư vào vàng là điều dễ hiểu, khi nhiều nhà đầu tư trên thế giới hiện nay đã rút khỏi các thị trường như chứng khoán và bất động sản để chuyển sang vàng, xem đây như một nơi trú ẩn an toàn.
Đối với chính phủ Trung Quốc, việc gom vàng không chỉ nhằm bảo vệ nền kinh tế mà còn nhằm thay thế một phần dự trữ quốc gia, đặc biệt là các tài sản định giá bằng đồng đô la, bao gồm trái phiếu của chính phủ Mỹ và các tài sản khác. Bằng cách này, Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la và gia tăng sự an toàn tài chính của quốc gia.
Giá vàng luôn có mối liên hệ chặt chẽ với lạm phát, và trong các thời kỳ khủng hoảng, giá vàng thường có xu hướng tăng. Đây là lý do tại sao động thái gom vàng của chính phủ Trung Quốc cũng như các nhà đầu tư Trung Quốc được xem là một chiến lược khôn ngoan. Họ không chỉ đầu tư vào các quỹ ETF vàng mà còn tích trữ vàng vật chất để tăng cường dự trữ quốc gia và tăng cường đầu tư vào vàng như một kênh an toàn trong bối cảnh tài chính toàn cầu bất ổn.
- Theo ông, nếu chu kỳ này kéo dài, liệu việc mua vàng của Trung Quốc có thể tạo các đỉnh mới cho giá vàng quốc tế?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại, tôi chưa thấy mức trần nào của thị trường vàng thế giới. Mức giá tiếp theo có thể đạt tới 3.500 USD/oz mỗi . Tuy nhiên, việc liệu giá vàng có thực sự đạt đến mức này hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp chính xác. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong năm 2025, xác suất giá vàng chạm mốc 3.500 đô la là khoảng 60-70%.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng thuế quan ngày càng khiến các nhà đầu tư lo ngại, tạo áp lực lên thị trường. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang đối mặt với khủng hoảng, khiến một số nhà đầu tư rời khỏi chứng khoán và chuyển sang vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết. Trong khoảng thời gian 90 ngày mà Tổng thống Donald Trump đã gia hạn, chúng ta còn khoảng 70 ngày nữa để xem xét diễn biến. Trong thời gian này, giá vàng có thể sẽ biến động mạnh, theo cả hai hướng: tăng hoặc giảm. Nếu Tổng thống Trump quyết định giảm thuế quan đối với nhiều quốc gia và thậm chí có thể đàm phán và thỏa thuận với một số quốc gia, kể cả Trung Quốc, thì khả năng cuộc chiến thương mại sẽ giảm nhiệt và giá vàng có thể giảm xuống.
Tuy nhiên, nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không được giải quyết và chính sách thuế quan của Trump tiếp tục gây khủng hoảng trong thương mại quốc tế, tôi nghĩ giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Tuy vậy, trong quá trình này, giá vàng có thể dao động, có lúc tăng lên, có lúc giảm mạnh, đặc biệt là khi các nhà đầu tư vàng bán ra để chốt lời.
Tóm lại, tôi không loại trừ khả năng giá vàng có thể giảm trong một vài giai đoạn trước khi đạt mức 3.500 USD/oz, nhưng nếu tình hình căng thẳng thương mại không được giải quyết, giá vàng sẽ tiếp tục đi lên. Dù có thể có những đợt giảm giá ngắn hạn, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những giai đoạn tạm thời. Giá vàng trong khoảng 15 năm tới sẽ tiếp tục tăng.
- Thông điệp mới nhất từ Fed (tối 16/4) cho thấy Chủ tịch Powell thừa nhận rủi ro tăng trưởng chậm lại, nhưng chưa cam kết cắt lãi sớm. Ông đánh giá thế nào về thông điệp này và có ý nghĩa gì với giá vàng? Liệu nó có ảnh hưởng như thế nào đến giá vàng, và nếu Fed tiếp tục trì hoãn việc giảm lãi suất, giá vàng sẽ phản ứng ra sao?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ rằng vàng hiện nay đang bị tác động bởi cả yếu tố ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng rất mạnh đến giá vàng. Bên cạnh đó, việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan cao đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ khiến giá hàng hóa trong nước tăng lên, tạo ra áp lực lạm phát.
Hiện tại, mục tiêu lạm phát của Mỹ là 2%, nhưng thực tế con số này đã vượt quá 3%. Nếu thuế quan tiếp tục được áp dụng ở mức cao trong năm nay, lạm phát có thể tăng lên 4% hoặc thậm chí cao hơn. Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng như vậy, Fed có thể sẽ không giảm lãi suất ngay lập tức, bởi khi giảm lãi suất, lượng tiền trong lưu thông sẽ tăng, khiến chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tăng cao, làm gia tăng lạm phát thêm.
Một yếu tố quan trọng khác mà Fed đang lo lắng là nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái (stagflation). Nếu điều này xảy ra, Fed có thể sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu việc giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh lạm phát vẫn tăng, nó có thể tạo ra mâu thuẫn giữa hai mục tiêu kinh tế của Fed: một mặt là kiềm chế lạm phát, mặt khác là hỗ trợ tăng trưởng.
Hiện tại, Fed đang đối mặt với một tình huống khó khăn, khi các mục tiêu về kiềm chế lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế phát triển có thể đối chọi nhau. Nếu Fed quyết định giảm lãi suất, nó sẽ tạo thêm tiền trong lưu thông, khiến lạm phát tăng cao hơn nữa. Ngược lại, nếu Fed tập trung vào kiềm chế lạm phát, lãi suất có thể không được cắt giảm, và nền kinh tế sẽ đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm.
Với những bất ổn này, chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Nếu Fed quay lại chính sách thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ làm tăng giá trị đồng đô la, được đo lường qua chỉ số USD. Khi đồng đô la mạnh lên, giá vàng sẽ bị đẩy xuống, vì vàng thường được đo lường bằng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chính sách thuế quan và các yếu tố khác có thể sẽ khiến vàng tiếp tục tăng giá, nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các quốc gia không được giải quyết. Vì vậy, các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng thương mại và chính sách tiền tệ của Mỹ trong thời gian tới, vì chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng và các lĩnh vực kinh tế khác của Mỹ.
- Với việc đã tăng giá mạnh trên thị trường vàng thời gian qua, liệu giá vàng vẫn giữ được vị thế là tài sản phòng thủ trong bối cảnh lạm phát gia tăng?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một điều chắc chắn là vàng vẫn có thể được coi là tài sản phòng thủ hiệu quả chống lại lạm phát. Khi lạm phát tăng, giá vàng thường sẽ tăng theo, không chỉ trong các thị trường quốc tế mà còn trên thị trường trong nước, với vàng được giao dịch bằng đồng USD hay tiền tệ khác. Do đó, vàng vẫn là kênh đầu tư phòng thủ đối với lạm phát.
Tuy nhiên, vàng không chỉ bị ảnh hưởng bởi lạm phát mà còn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác. Một trong những yếu tố quan trọng là tình hình thị trường. Hiện tại, lượng vàng mua vào đang vượt xa lượng bán ra, đẩy giá vàng tăng lên. Nếu nhu cầu về vàng giảm, do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, hay thậm chí là tiền kỹ thuật số trở nên hấp dẫn hơn, thì các nhà đầu tư có thể rút tiền ra khỏi vàng và chuyển sang các tài sản khác. Khi đó, nhu cầu mua vàng sẽ giảm và kéo theo giá vàng xuống.
Vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả, nhưng không thể chống lại tất cả yếu tố khác như sự thay đổi trong nhu cầu đầu tư toàn cầu hay những yếu tố địa chính trị.
Hiện tại, giá vàng đang được hỗ trợ bởi những biến động chính trị, đặc biệt là cuộc chiến tranh tại Ukraine. Dù Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ giải quyết cuộc xung đột này nhanh chóng, nhưng tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng. Nếu cuộc chiến này không được giải quyết, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ và có thể tăng lên.
Tuy nhiên, nếu cuộc chiến giữa Ukraine và Nga được giải quyết và một thỏa thuận ngừng bắn được đạt được, giá vàng có thể sẽ bớt trợ lực và có khả năng giảm xuống. Vì vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng và theo dõi sát sao không chỉ diễn biến của thị trường vàng mà còn các thị trường tài chính và đặc biệt là những diễn biến chính trị toàn cầu.
- Như ông đã chia sẻ, giá vàng liên tục lập đỉnh trong năm 2025, phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước những bất ổn chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, khi các yếu tố hỗ trợ này dần suy yếu, liệu ông có thể dự đoán những yếu tố nào sẽ là cơn gió ngược, kìm hãm đà tăng của kim loại quý trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có một số yếu tố có thể tác động làm giá vàng giảm. Thứ nhất là chính sách thuế quan của Mỹ. Trong vài tuần tới, liệu có sự thay đổi nào trong chính sách này có lợi cho các quốc gia xuất khẩu hay không? Ví dụ, nếu Tổng thống Donald Trump quyết định giảm thuế từ 46% xuống khoảng 20-30% đối với hàng hóa Việt Nam, điều này sẽ là tín hiệu tích cực không chỉ đối với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác.
Ngoài ra, nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết được và hai bên tìm ra một thỏa thuận chung, chấm dứt tình trạng leo thang căng thẳng, giá vàng có thể giảm xuống và ổn định hơn trong phần còn lại của năm 2025.
Thứ hai, vấn đề địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến tranh tại Ukraine và tình hình ở Trung Đông, cũng có thể tác động mạnh đến giá vàng. Nếu tình hình ở Ukraine được giải quyết và một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, cũng như nếu tình hình tại Trung Đông, đặc biệt là xung đột giữa Israel và các nhóm Hồi giáo, tìm được giải pháp hòa bình, giá vàng có thể giảm.
Bên cạnh đó, nếu tình hình chính trị thế giới trở nên ổn định hơn, với sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ, giá vàng cũng có thể giảm mạnh.
Trong ba tháng tới, nếu những yếu tố liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được giải quyết và các điểm nóng chiến sự trên thế giới được ổn định, tôi tin rằng giá vàng sẽ có khả năng giảm. Cùng với đó, nếu Chính phủ Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, có những biện pháp dung hòa đối với các liên minh quân sự quốc tế như Liên Hợp Quốc, WTO và NATO, thì giá vàng sẽ có khả năng giảm. Tuy nhiên, xác suất điều này xảy ra theo tôi là khoảng 40%.
Ngược lại, nếu các thỏa thuận mà chúng ta mong đợi không được thực hiện và các khủng hoảng toàn cầu tiếp tục, thì tôi ước tính xác suất giá vàng sẽ tiếp tục tăng là khoảng 60%.
- Theo ông kịch bản giá vàng từ 2025 đến 2026 sẽ biến động như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ rằng mức giá tiếp theo có thể đạt 3.500 đô la. Còn đối với giá vàng trong nước, hiện tại, vàng miếng có thể lên đến 120 triệu đồng mỗi lượng, và tôi dự đoán mức giá tiếp theo có thể đạt khoảng 125 triệu đồng mỗi lượng.
Tuy nhiên, khi giá vàng đạt những mức này, sẽ có các đợt bán tháo từ các nhà đầu tư để chốt lời. Khi các nhà đầu tư bán vàng, điều này sẽ tác động làm giảm giá vàng tạm thời. Chính vì vậy, mặc dù tôi dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng, nhưng quá trình này sẽ không đồng đều và sẽ có những đợt điều chỉnh giảm giá trước khi đạt được các mức cao như tôi đã nói.
- Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư cá nhân Việt Nam? Có nên mua vàng lúc này không? Và đối với những người đã đang nắm giữ vàng, họ nên xác định khung thời gian nắm giữ và tín hiệu chốt lời dựa trên những yếu tố nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trên nguyên tắc, khi giá vàng đang tăng như hiện nay, đây rõ ràng là cơ hội để kiếm lời. Nếu chúng ta nhìn thấy giá vàng sẽ tiếp tục tăng không chỉ trong năm nay mà còn trong những năm tới, thì việc mua vàng vào có thể được xem như một chiến lược đầu tư dài hạn để bảo đảm an toàn tài chính cho cá nhân. Vàng có thể được coi là một hình thức tự bảo hiểm, đặc biệt với những người không có bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, vì trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể bán vàng để trang trải chi phí y tế hay các nhu cầu sinh hoạt.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng giá vàng có thể giảm trong tương lai. Khi giá vàng giảm, nhà đầu tư không nên vội bán ngay vì sự giảm giá này có thể chỉ là tạm thời và lỗ trên sổ sách chứ không phải lỗ thực tế. Ví dụ, nếu bạn đã mua vàng với mức giá 120 triệu đồng mỗi lượng và giá vàng giảm xuống còn 100 triệu đồng, bạn chỉ lỗ trên sổ sách 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu giá vàng tăng trở lại, khoản lỗ đó có thể được điều chỉnh. Do đó, nếu đầu tư vào vàng, tôi khuyên nên đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng, vì chiến lược này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đối với những nhà đầu tư có ý định kinh doanh vàng ngắn hạn, họ nên xác định rõ mức lợi nhuận kỳ vọng trước khi ra quyết định. Ví dụ, nếu mục tiêu lợi nhuận là 20% hoặc 30%, khi giá vàng đạt đến mức đó, nhà đầu tư nên chốt lời ngay, không nên chờ đợi lâu vì giá vàng có thể giảm sau khi đạt đỉnh. Quan trọng là phải có chiến lược rõ ràng, đặt mục tiêu lợi nhuận cụ thể và kiên trì thực hiện.
Ngoài việc đầu tư vào vàng, tôi khuyên nhà đầu tư nên phân bổ tài sản của mình vào nhiều kênh khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Một phần có thể giữ tiền trong ngân hàng, mặc dù lãi suất thấp nhưng tính thanh khoản cao và an toàn. Một phần có thể đầu tư vào vàng, chứng khoán hoặc bất động sản, tùy theo khả năng chịu rủi ro và mục tiêu tài chính. Quan trọng là không nên đặt tất cả tài sản vào một kênh duy nhất. Nếu chỉ đầu tư vào vàng, khi giá vàng giảm, bạn sẽ phải chịu thiệt hại lớn.
Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư vàng, chỉ trừ khi họ có các công cụ quản lý rủi ro và có kinh nghiệm, nếu không, việc mua vàng ngắn hạn với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng là rất rủi ro. Do đó, đầu tư vàng nên được thực hiện cẩn trọng và có chiến lược rõ ràng.
- Về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, hiện nay mức chênh lệch đã được nới rộng lên khoảng 12 triệu đồng mỗi lượng. Trước đây, chênh lệch này vẫn được giữ ở biên độ hẹp nhờ vào sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại, sự chênh lệch này đang gia tăng. Vậy theo ông vì sao có hiện tượng này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn so với thế giới có nguyên nhân chính là do thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng quốc tế. Điều này khiến giá vàng trong nước và thế giới không đồng nhất.
Nguyên nhân sâu xa của sự thiếu liên thông này là tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất có quyền nhập khẩu vàng và mua vàng từ nước ngoài. Các đơn vị kinh tế khác không được phép chính thức nhập khẩu vàng.
Bên cạnh nguồn vàng chính thức, còn có một nguồn vàng không chính thức là vàng lậu, nhưng nguồn cung này hiện tại vẫn chưa được kiểm soát đầy đủ. Chính vì vậy, dù có một nguồn vàng không chính thức, nhưng nó vẫn cung cấp vàng rất hạn chế.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng nhập khẩu vàng trong nhiều năm qua, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung vàng chính thức để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều này càng đẩy giá vàng trong nước lên cao, vì sức cầu đang ngày càng mạnh mẽ, một phần do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư và tác động từ thị trường vàng quốc tế.
Trước đây, vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm ngoái, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã từng lên tới 18-20 triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, nhờ vào các chính sách bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước, mức chênh lệch này đã được giảm xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước lại bật tăng mạnh hơn.
Hiện nay, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã lên tới 12 triệu đồng mỗi lượng và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp, mức chênh lệch này có thể sẽ tiếp tục gia tăng và có thể dẫn đến những hệ lụy, trong đó có tình trạng buôn lậu vàng.
Chính vì vậy, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước và chính phủ cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, tránh tạo ra những tác động tiêu cực cho thị trường và nền kinh tế.
- Thưa ông, để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thực hiện những biện pháp gì? Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định 24. Theo ông, những điểm nào cần được sửa đổi để thu hẹp khoảng cách này, đồng thời thúc đẩy ngành chế tác vàng trang sức trong nước, một ngành đem lại lợi nhuận cao?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Như tôi đã chia sẻ trước đây trên các phương tiện truyền thông, tôi đã nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi ít nhất hai điều trong Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng.
Điều đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước nên từ bỏ vai trò là nhà nhập khẩu vàng duy nhất và chuyển sang vai trò quản lý, đứng ngoài quan sát thị trường. Việc nhập khẩu vàng có thể giao cho các nhà kinh doanh vàng có uy tín và năng lực tài chính, thay vì để Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu vàng này vẫn cần hoạt động dưới sự giám sát và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, có thể thông qua việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng mỗi năm. Việc này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được lượng vàng nhập khẩu và đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vàng miếng.
Điều thứ hai là để tạo ra một sân chơi công bằng và thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường vàng, tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước cần rút lại thương hiệu quốc gia đối với vàng miếng, chẳng hạn như vàng miếng SJC. Việc này sẽ giúp các sản phẩm vàng được cạnh tranh bình đẳng, từ đó giảm tình trạng vàng SJC luôn được tôn trọng hơn và có giá cao hơn so với các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến việc thành lập một sàn giao dịch vàng. Tất cả các giao dịch vàng nên được thực hiện qua sàn giao dịch chính thức, thông qua sàn giao dịch, các nhà kinh doanh vàng có thể phát hành chứng chỉ vàng thay vì mua bán vàng vật chất. Các nhà kinh doanh vàng phải có trụ sở hợp pháp, đủ vốn điều lệ và đáp ứng các tiêu chí của cơ quan quản lý. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng mà còn giúp đảm bảo chất lượng vàng.
Hiện nay, khi người dân muốn mua vàng, họ thường phải tới tiệm vàng, nơi không thể tránh khỏi những rủi ro như trộm cắp hay cướp bóc khi mang vàng về nhà. Hơn nữa, việc mua vàng qua các kênh không chính thức, chẳng hạn như online hay từ các thị trường trôi nổi, khiến người mua gặp phải rủi ro lớn, nhất là không thể xác định chất lượng vàng.
Việc hình thành một sàn giao dịch vàng sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro này. Người dân có thể giao dịch vàng qua các phương tiện điện tử, đảm bảo rằng tài sản của họ là hợp pháp và chất lượng vàng được đảm bảo.
Với sự biến động mạnh của thị trường vàng hiện nay, tôi cho rằng việc thành lập một sàn giao dịch vàng là rất cấp thiết. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường vàng trong nước mà còn thúc đẩy ngành chế tác vàng trang sức, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho quốc gia.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Giá thép kỳ hạn tiếp tục đi xuống trong tuần này nhưng mức chênh lệch so với cuối tuần trước không nhiều. Trong khi giá quặng sắt có xu hướng nhích lên.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 16/4, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào 11/4 tăng tuần thứ 3 liên tiếp trong khi dự trữ xăng và nhiên liệu chưng cất đều giảm do các nhà máy lọc dầu giảm công suất, theo Reuters.
Thị trường đồng loạt giảm trở lại với mức biến động lớn nhất ở Thái Lan. Tuy nhiên so với cuối tuần trước, giá cao su ở các thị trường chính không thay đổi nhiều.
Giá thịt heo tại Công ty Thực phẩm Tươi sống Hà Hiền tiếp tục lặng sóng trong sáng nay. Trong đó, mỡ heo hiện được bán với giá 85.000 đồng/kg, thấp nhất trong các sản phẩm được khảo sát.