Cơ hội nào cho thép Việt Nam trước quy định mới của Canada?

Mới đây, Canada công bố một số chính sách thép nhập khẩu. Các đối tác CPTPP như Việt Nam có cơ hội tăng thị phần nếu chứng minh được chuỗi cung ứng rõ ràng và minh bạch.

Theo Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam vào Canada tiếp tục xu hướng giảm mạnh từ năm 2023 do tác động của các vụ kiện phòng vệ thương mại, kinh tế suy yếu và bất định thuế quan.

Với mặt hàng sắt thép thuộc HS 72, kim ngạch chỉ đạt 19 triệu USD, giảm 38,6% so với cùng kỳ và thị phần luôn duy trì ở mức rất nhỏ, dưới 3%. Trong khi đó, với HS 73, xuất khẩu đạt 65 triệu USD, giảm 12,1%, dù năm 2024 từng đạt mức cao kỷ lục 170 triệu USD và lần đầu lọt top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Canada.

Dù nhập khẩu từ các đối tác lớn như Mỹ và Trung Quốc đều giảm mạnh, Canada lại tăng nhập khẩu sắt thép từ nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và cả Philippines – quốc gia lần đầu lọt top 10 về kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vào Canada.

Tổng xuất khẩu sắt thép (HS 72 và 73) của Việt Nam trong năm 2024 đạt 217 triệu USD, tương đương 2% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Canada, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 424 triệu USD năm 2022. Bộ Công thương nhận định điều này cho thấy sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ngành sắt thép của Canada và các tiềm năng cho xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.

Để bảo vệ ngành thép – nhôm nội địa trước tình trạng dư thừa công suất toàn cầu và các hành vi thương mại không công bằng, chính phủ Canada đã công bố một loạt biện pháp mạnh.

Từ ngày 30/6, Canada chính thức áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) và thuế bổ sung nhằm kiểm soát nhập khẩu, ưu tiên nguồn cung từ các nước có FTA và có chuỗi cung ứng minh bạch.

TRQ ban đầu dành cho các nước không có FTA ở mức 100% khối lượng nhập khẩu năm 2024, sau đó bị siết lại còn 50%. Các nước có FTA, như Việt Nam, vẫn được giữ hạn ngạch theo mức năm 2024, tuy nhiên nếu vượt trần sẽ bị áp thuế 50%, bắt đầu từ ngày 1/8.

Ngoài hạn ngạch, Canada còn công bố áp thuế bổ sung 25% đối với mọi sản phẩm thép có thành phần được nấu chảy và đúc tại Trung Quốc, bất kể nước xuất khẩu cuối cùng. 

Bộ Công thương cho biết, những thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại của Canada khiến cho kim ngạch 2024 giảm mạnh với mã HS 72 và bắt đầu giảm với mã HS 73 trong nửa đầu 2025.

Tuy nhiên, các thay đổi chính sách thuế quan và thương mại đối với ngành thép của Canada, nhất là chính sách hạn ngạch với sự phân biệt rõ ràng giữa các đối tác FTAs và không có FTAs có thể sẽ có những tác động đến xuất khẩu mặt hàng sắt thép và sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam thời gian tới.

Các sản phẩm thép mà Canada ưu tiên thúc đẩy sản xuất/chuyển dịch sản xuất trong nước thời gian tới là các mặt hàng sắt thép phục vụ quốc phòng, hàng không và xây dựng, trong đó chủ yếu là thép cán phẳng và thép dài.

Việt Nam sẽ vẫn có lợi thế đối với các sản phẩm thép không gỉ, thép bán thành phẩm và trong chừng mực nhất định là thép ống. Việc Canada áp thuế bổ sung sẽ khiến sắt thép từ Trung Quốc phải chịu thuế đến 75%, khiến cho nước này hoàn toàn mất khả năng vào thị trường Canada.

Bộ Công thương nhận định, đây có thể là cơ hội đối với Việt Nam và các nước có FTAs với Canada vì biên độ cạnh tranh của các nước này và Trung Quốc là 25%. Điều quan trọng là Việt Nam phải chứng tỏ được chuỗi cung ứng rõ ràng và không phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn chung, Bộ Công thương đánh giá những thay đổi gần đây trong chính sách thuế quan với sản phẩm nhôm thép của Canada có tác động tích cực nhưng không nhiều đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam do kim ngạch 2024 còn thấp.

 

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá tiêu hôm nay 26/7: Thị trường trầm lắng, đâu là nguyên nhân?

Giá tiêu hôm nay (26/7) giảm nhẹ 500 đồng/kg tại Gia Lai, trong khi giá tiêu của Indonesia và Brazil cũng quay đầu giảm. Hoạt động giao dịch có phần trầm lắng do ảnh hưởng bởi thuế quan tại Mỹ và việc áp dụng Luật Thuế GTGT trong ngành nông sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu chuẩn hóa thủ tục xuất khẩu trước 31/7

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo các bộ, địa phương khẩn trương chuẩn hóa, triển khai thủ tục xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh đã phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/7 để tránh ách tắc.

Giá cà phê hôm nay 26/7: Giảm mạnh phiên cuối tuần khi Brazil đẩy nhanh tiến độ thu hoạch

Giá cà phê hôm nay (26/7) hôm nay quay đầu giảm mạnh trên các sàn giao dịch sau ba phiên tăng giá liên tiếp. Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2025-2026 của Brazil đã đạt 84% diện tích gieo trồng, vượt qua mức 81% cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 5 năm là 77%.

Giá heo hơi hôm nay 26/7: Trở lại đà giảm, thêm một địa phương giao dịch dưới 60.000 đồng/kg

Sau nhịp chững giá trong ngày 25/7, giá heo hơi đã trở lại đà giảm trên cả nước trong sáng nay.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO