Khép lại năm 2024 chứng kiến sự ổn định và phục hồi rõ rệt của cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi biến động suy giảm trong các năm trước. Dù gặp phải những khó khăn về thanh khoản trong giai đoạn đầu năm, nhờ vào các chính sách điều hành hiệu quả từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhóm ngân hàng đã từng bước hồi phục.
Đặc biệt, các cổ phiếu ngân hàng đóng góp một phần quan trọng vào sự hồi phục chung của thị trường, khi nhóm ngành này chiếm tới ¼ vốn hóa của sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, trong số 27 mã cổ phiếu ngân hàng, có đến 20 mã tăng giá, chỉ 6 mã giảm và trong đó có 4 mã giảm hai chữ số, cho thấy sự tích cực của ngành trong bối cảnh chung của thị trường.
Cổ phiếu LPB của LPBank là tâm điểm của sự chú ý trong năm vừa qua, khi đạt mức tăng 127%, kết thúc năm với mức giá 31.250 đồng/cp. Đà tăng của cổ phiếu này một phần đến từ việc hoạt động kinh doanh khởi sắc của ngân hàng, liên tục lãi lớn qua các quý.
Xếp sau đó là cổ phiếu HDB với mức tăng 60%, đạt 25.500 đồng/cp. Cổ phiếu này cũng lập đỉnh trong những ngày giao dịch cuối cùng của năm 2024, đạt mức 26.650 đồng/cp trong phiên 30/12/2024.
Đáng chú ý, những mã cổ phiếu như TCB (Techcombank), MBB (MB) và CTG (VietinBank) đã ghi nhận đà tăng trưởng ổn định nhờ vào hiệu quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, TCB đã tăng 58%, CTG tăng 39% và MBB tăng 36% tính từ đầu năm 2024. Đây là các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh về biên lãi thuần NIM, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA và hệ sinh thái.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm giá trong năm qua chủ yếu tập trung ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á giảm mạnh nhất năm qua, khi giá trị giảm đi 21% xuống còn 16.750 đồng/cp, tương ứng giảm 4.330 đồng/cp so với đầu năm 2024.
Ngoài SSB, còn có ba mã PGB, NVB và ABB có mức giảm hai con số trong năm 2024. Các mã còn lại gồm SHB và KLB giảm lần lượt 2% và 1%.
Cổ phiếu ngân hàng đã tăng 20,6% trong năm 2024, vượt trội hơn so với chỉ số VNIndex (12%). Các chuyên gia Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận phục hồi là động lực chính hỗ trợ giá cổ phiếu, đặc biệt trong nửa đầu năm 2024 khi NIM được cải thiện.
Bước sang 2025, các chuyên gia Chứng khoán VCBS dự báo NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14 - 15%, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 15% vào năm 2025.Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.
Chứng chuyên gia Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đưa ra các động lực tăng trưởng ngành ngân hàng cho năm sau bao gồm thúc đẩy giải ngân công qua các dự án hạ tầng quốc gia sẽ giúp các ngân hàng quốc doanh hưởng lợi trực tiếp về tăng trưởng tín dụng; bước vào chu kì cắt giảm chi phí tín dụng từ đó tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận.
Các chuyên gia BSC nhận định các cổ phiếu hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản với nhiều tỷ trọng tín dụng phân bổ cho chủ đầu tư và người mua nhà như TCB, VIB, VPB hay đầu tư theo sự kiện như kế hoạch phát hành riêng lẻ của BID (8% vốn điều lệ) và VCB (6,5% vốn điều lệ); HDB (đang chuẩn bị cho kế hoạch bán vốn) và STB (kết thúc quá trình tái cơ cấu, bán 32,5% cổ phần quản lý bởi VAMC).
Trong khi đó, Chứng khoán BVSC cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đang ở mức định giá rẻ để đầu tư. Môi trường lãi suất ổn định là yếu tố giúp nợ xấu không gia tăng, bức tranh kinh tế chung khả quan là điểm tựa cho nợ xấu ngân hàng cải thiện.
"Cùng với đó là định giá ngành ngân hàng ở mức rẻ, giúp cổ phiếu ngành thu hút nhà đầu tư", BVSC nhấn mạnh.