Kinh tế Quốc tế 21/05/2025 14:16

Có sự mất kết nối trong nền kinh tế Mỹ, là tin tốt hay điềm gở?

Nền kinh tế Mỹ đang đứng vững nhưng người Mỹ dường như không nhìn nhận theo hướng đó.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

 

Nền kinh tế đang đứng vững nhưng người Mỹ dường như không nhìn nhận theo hướng đó. Sự trái ngược này phản ánh khoảng cách ngày càng lớn giữa “dữ liệu cứng” và “dữ liệu mềm” của nền kinh tế.

Nói một cách dễ hiểu, các dữ liệu hướng đến tương lai như tâm lý người tiêu dùng đang giảm mạnh, trong khi các dữ liệu liên quan đến quá khứ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng để hoạch định chính sách như báo cáo việc làm vẫn mạnh mẽ.

Tình trạng mất kết nối vẫn tiếp tục diễn ra vào tuần trước.

Báo cáo do Đại học Michigan công bố ngày 16/5 cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã giảm mạnh hơn dự kiến vào tháng 5, từ mức 52,2 vào tháng 4 xuống còn khoảng 50,8.

Đây là mức thấp thứ hai từng ghi nhận. Tuy nhiên, báo cáo lại xuất hiện giữa lúc nền kinh tế đón nhận những diễn biến tích cực như dữ liệu lạm phát hạ nhiệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lắng dịu và cổ phiếu xoá bỏ mức lỗ từ đầu năm.

“Người tiêu dùng không tin rằng trong suốt phần còn lại của năm, lạm phát sẽ không quá cao như trong tháng 4. Họ đang chờ đợi những chuyện xấu khác xảy đến”, bà Joanne Hsu, Giám đốc phụ trách các khảo sát tiêu dùng của Đại học Michigan, chia sẻ với Business Insider.

Triển vọng trong mắt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp gần đây cũng đang suy yếu. Chỉ số niềm tin CEO - thước đo cảm nhận của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về tình hình kinh doanh trong 12 tháng tới - đã giảm vào tháng 4 so với mức đầu năm nay.

Cảm giác tiêu cực của người tiêu dùng và lãnh đạo doanh nghiệp không khớp với các dữ liệu cứng.

Lạm phát đã bất ngờ đi xuống trong tháng 4. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Lao động Mỹ, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm trong tháng 4.

Trong khi đó, thị trường việc làm vẫn đang duy trì sức mạnh. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ổn định trong tuần trước, ở mức khoảng 229.000. Tỷ lệ thất nghiệp, tuy cao hơn một chút so với đầu năm, vẫn đang ở mức thấp kỷ lục là 4,2%.

Trong một phân tích hồi tuần trước, Bank of America phát hiện rằng khoảng cách giữa dữ liệu mềm và dữ liệu cứng đã nới rộng kỷ lục.

Điềm tốt hay xấu cho thị trường?

Trái ngược với Phố Main, tâm lý tích cực đang lan toả trên Phố Wall và thúc đẩy đợt tăng giá của thị trường chứng khoán.

Tính đến phiên 19/5, chỉ số S&P 500 đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp nhờ sự lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong một lưu ý mới, Bank of America cho biết “sự hoảng loạn” trong các dữ liệu kinh tế mềm có thể là tin tốt cho giá cổ phiếu, miễn là Mỹ tránh được suy thoái kinh tế.

Trong 70 năm qua, khi các dữ liệu mềm suy yếu mà suy thoái không xảy ra, thị trường chứng khoán Mỹ tăng trung bình khoảng 17% trong 12 tháng tiếp theo.

 

Ông lớn ngân hàng Phố Wall này không dự đoán Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, một phần do sức mạnh của dữ liệu kinh tế cứng, chẳng hạn như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp và tăng trưởng tiền lương cao hơn lạm phát.

“Trừ khi dữ liệu cứng suy yếu, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên tận dụng các giao dịch giá trị tương đối trong từng loại tài sản. Chúng tôi vẫn lạc quan về cổ phiếu và tín dụng, thận trọng về trái phiếu chính phủ và hy vọng về các loại hàng hoá công nghiệp”, các nhà phân tích viết trong lưu ý hôm 16/5.

Các ngân hàng khác cũng đã chuyển sang trạng thái lạc quan hơn về cổ phiếu sau loạt dữ liệu kinh tế tích cực và thoả thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Goldman Sachs đã nâng dự báo cho thị trường chứng khoán Mỹ năm nay và hạ dự báo rủi ro suy thoái từ 45% xuống còn 35%.

Barclays, ban đầu dự đoán nền kinh tế sẽ suy thoái nhẹ trong nửa cuối năm, cho biết họ đã loại suy thoái khỏi kịch bản cơ sở.

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 22/05/2025 06:34
Dow Jones bay hơn 800 điểm khi lợi suất trái phiếu tăng nóng

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo do áp lực từ đà tăng nóng của lợi suất trái phiếu kho bạc, trong bối cảnh các nhà giao dịch lo ngại rằng dự luật ngân sách mới sẽ làm tăng thâm hụt.

Kinh tế Quốc tế 21/05/2025 21:25
CEO Nvidia: Lệnh cấm xuất khẩu chip AI của Mỹ là một sai lầm

Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang, ngày 21/5 cho biết việc kiểm soát xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc của Mỹ đã khiến các công ty Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu.

Kinh tế Quốc tế 21/05/2025 20:18
Citigroup: Đồng USD có thể tiếp tục suy yếu sau cuộc họp G7

Citigroup dự báo đồng USD có thể tiếp tục mất giá sau cuộc họp G7 tuần này, giới phân tích cho rằng Mỹ không chủ trương làm yếu đồng bạc xanh, nhưng tiến trình hạ thuế và áp lực từ các đối tác có thể khiến USD suy yếu trong thời gian tới.

Kinh tế Quốc tế 21/05/2025 15:49
Xuất hiện vật cản mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Ngoài xung đột thương mại, Mỹ - Trung còn đang căng thẳng về vấn đề công nghệ.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO