Kinh tế Quốc tế 10/06/2024 11:29

Cứ 15 phút quốc gia châu Á này lại có thêm một triệu phú USD

Cùng với thành tích đáng nể của nền kinh tế, số lượng triệu phú tại Ấn Độ đã gia tăng đáng kể trong vài năm qua.

Quang cảnh Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Shutterstock). 

Số người giàu tăng mạnh

Khi nói về những quốc gia có nhiều triệu phú nhất trên thế giới, hẳn hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến ngay những cái tên quen thuộc là Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản.

Song, Ấn Độ cũng là một quốc gia đáng chú ý. Số triệu phú ở đất nước Nam Á này tăng 12% vào năm ngoái, nhanh hơn bất kỳ đối thủ nào khác. Số liệu này được rút ra từ báo cáo Global Wealth Report hàng năm của công ty tư vấn Cap Gemini.

Cap Gemini ước tính Ấn Độ hiện có 359.000 người sở hữu ít nhất 1 triệu USD tài sản có thể đem đi đầu tư. Con số này lớn gấp đôi so với một thập kỷ trước. Ấn Độ sản sinh ra 40.000 triệu phú mới chỉ trong năm ngoái, đồng nghĩa với việc có thêm một triệu phú sau mỗi 15 phút.

Cap Gemini định nghĩa cá nhân có giá trị tài sản ròng cao là người có “tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên, không bao gồm nơi ở chính, đồ sưu tầm, hàng tiêu dùng và hàng tiêu dùng lâu bền”.

Tuy nhiên, số lượng triệu phú ở Ấn Độ vẫn còn kém xa các cường quốc châu Á khác. Trung Quốc có 1,5 triệu cá nhân có tài sản ròng cao, Nhật Bản có 3,8 triệu người được xếp vào nhóm này. Còn tại Mỹ, số triệu phú tăng hơn 7% trong năm ngoái lên 7,8 triệu người.

Đối với các doanh nghiệp muốn bán hàng cho những người giàu mới nổi, Ấn Độ sẽ là thị trường đầy tiềm năng, theo tờ MarketWatch. Lịch sử cho thấy những người mới giàu sẽ háo hức mua các mặt hàng đắt giá để thể hiện đẳng cấp như ô tô thể thao, đồng hồ xa xỉ và quỹ đầu cơ có mức phí cao.

Trung Quốc thứ hai?

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Ấn Độ khiến nhiều người càng tin tưởng rằng đất nước này sẽ trở thành “Trung Quốc thứ hai”, tức là đạt được các thành tựu kinh tế đáng nể.

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất với Mỹ.

Vào năm 2002, GDP Trung Quốc tính theo sức mua tương đương chiếm khoảng 8% sản lượng kinh tế toàn cầu. Ngày nay, Ấn Độ đã chiếm được tỷ trọng tương tự trong nền kinh tế thế giới. Và kể từ sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh hơn hẳn Trung Quốc và dĩ nhiên là cả Mỹ.

 

Ấn Độ đang chứng kiến sự bùng nổ của thị trường tài chính trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng lâu dài của nước này. Trong 4 năm qua, chứng khoán Ấn Độ đã tạo ra tỷ suất lợi nhuận 150%, gấp đối tỷ suất sinh lời của chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ có lúc đã chao đảo vào tuần trước sau khi thông tin đảng của Thủ tướng Narendra Modi mất thế đa số tại Quốc hội.

Bất chấp sự biến động, chỉ số chứng khoán chính của Ấn Độ là BSE Sensex vẫn cao hơn 4% so với đầu năm và 20% so với một năm trước. Một chỉ số khác của FactSet đại diện cho các cổ phiếu Ấn đã tăng 11% từ đầu năm đến nay và cao hơn 40% so với năm ngoái.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 05/07/2025 20:44
Mỹ muốn hạn chế xuất khẩu chip AI sang Malaysia và Thái Lan

Theo Bloomberg, Mỹ đang có kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc thu mua chip AI tiên tiến thông qua các nước trung gian.

Kinh tế Quốc tế 05/07/2025 19:59
Ông Trump đã ký 12 thư thông báo thuế quan, sẽ gửi đi vào thứ Hai tuần tới

Trái với tuyên bố trước đó, ông Trump mới đây cho biết Mỹ sẽ gửi thư thông báo thuế quan cho các nước vào đầu tuần tới.

Kinh tế Quốc tế 05/07/2025 14:40
Thái Lan chưa đạt được thỏa thuận về thuế quan với Mỹ

Thái Lan vẫn chưa hoàn tất đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng, song đã có được “những hiểu biết giá trị” để định hướng việc soạn thảo một đề xuất sửa đổi.

Kinh tế Quốc tế 05/07/2025 08:55
Ấn Độ đề xuất áp thuế đối ứng đối với thuế ô tô của Mỹ tại WTO

Ấn Độ đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề xuất áp thuế đối ứng đối với các thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với ô tô và một số linh kiện ô tô.