Kinh doanh & Thị trường 16/05/2025 07:47

Cuộc đua tỷ đô của doanh nghiệp dược: Mở rộng nhà máy giành miếng bánh 8 tỷ USD

Nhiều công ty ngành dược đang rốt ráo xây dựng, mở rộng đầu tư nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP để gia tăng lợi thế cạnh tranh trong việc tham gia đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và các cơ sở y tế, nhất là phân khúc thuốc chất lượng cao nhóm 1 và nhóm 2.

Báo cáo từ IQVIA cho biết trong năm 2024, thị trường dược phẩm Việt Nam (không bao gồm vaccine) ước đạt 203.827 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD), tăng 9% so với cùng kỳ. Giai đoạn 2023-2028, ngành dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 6% đến 8%.

Tính đến cuối năm ngoáinước ta có hơn 5.100 cơ sở bán buôn và hơn 60 cơ sở bán lẻ thuốc, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc ngày càng tăng. Điều này cho thấy một bức tranh tích cực cho ngành dược, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Bước sang quý I năm nay, nhiều doanh nghiệp ngành dược vẫn duy trì được phong độ với những tín hiệu tích cực khi liên tục báo lãi lớn.

Người dân đi mua thuốc tại một cửa hàng dược phẩm. (Ảnh: Lâm Anh).

Nhiều doanh nghiệp dược phẩm báo lãi lớn

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, doanh thu thuần của CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) đạt 1.195 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ do doanh thu hàng hoá (có biên lợi nhuận thấp) giảm. Ngược lại doanh thu hàng do công ty sản xuất tăng 8% đã giúp cải thiện biên lợi nhuận. Cụ thể, biên lợi nhuận tăng từ 41% lên 47%.

Kết quả,  Dược Hậu Giang lãi sau thuế 266 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ quý II/2023.

Tương tự, một doanh nghiệp trong ngành là CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) ghi nhận doanh thu đạt 594 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện, tăng từ 37lên 39%, mức cao nhất từ quý I/2024.

Bóc tách tiêng về doanh thu, sự tăng trưởng của công ty đến từ cả hai kênh OTC (tăng 25%) và ETC (tăng 27%). Trong đó, kênh OTC (thuốc không kê đơn, bán tại quầy) tại khu vực miền Bắc tăng mạnh 69%, đóng góp 12% vào tổng doanh thu kênh OTC. Đối với kênh ETC (kênh đấu thầu), mức tăng trưởng có được là nhờ hợp tác với mạng lưới bệnh viện và danh mục sản phẩm chất lượng cao.

Sau khi trừ đi các chi phí, Imexpharm báo lãi sau thuế hơn 74 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Quý I, CTCP Dược phẩm Hà Tây (: DHT) ghi nhận 1496 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng tăng 50% so với cùng kỳ nhờ giá vốn bán hàng được tiết giảm, doanh thu tài chính tăng do phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng vốn tại công ty liên kết.

Ba tháng đầu năm nay, nhiều công ty dược cũng báo kết quả kinh doanh tích cực như CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD), CTCP Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (Mã: DMC), CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (Mã: VMD), CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: PMC)…

Trái ngược với bức tranh kinh doanh của các đơn vị trên, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (Mã: DVN) và CTCP Traphaco (Mã: TRA) có doanh thu quý I đều tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm tương ứng 9%, 20% so với cùng kỳ do giá vốn bán hàng tăng cao.

Trụ sở chính của Traphaco. (Ảnh: Lâm Anh).

Lợi nhuận sau thuế của CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) giảm 27% xuống 24 tỷ đồng trong quý I. OPC cho biết, kết quả kinh doanh đi xuống do nhóm hàng có lợi nhuận cao của công ty giảm doanh thu. Ngoài ra, công ty chia sẽ khó khăn với khách hàng thông qua việc áp dụng hình thức giảm giá, tăng chiết khấu thương mại, tăng chăm sóc khách hàng.

Doanh thu giảm, cùng với áp lực chi phí hoạt động tăng cao khiến CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP) báo lỗ 13 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2025, cùng kỳ lãi 14 tỷ đồng.

Cuộc chạy đua mở rộng công suất

Theo quy định tại Thông tư 07/2024 của Bộ Y tế, thuốc sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn cao (EU-GMP, JapanGMP) được tham gia đấu thầu tại nhóm thuốc 1, 2 (chiếm 60% giá trị trúng thầu năm 2023). Trong khi đó, thuốc đạt tiêu chuẩn WHO-GMP có thể tham gia đấu thầu ở nhóm thuốc 3, 4, 5.

Theo ước tính của Chứng khoán FPT (FPTS), hiện có khoảng 211 doanh nghiệp với xấp xỉ 288 cơ sở sản xuất dược phẩm trong nước. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp dược phẩm hiện tại sản xuất thuốc ở tiêu chuẩn tối thiểu WHO-GMP, tương ứng với khoảng 91% số lượng cơ sở sản xuất, tính đến 10/2024.

Để gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 12 tại kênh ETC, hiện nay, các doanh nghiệp ngành dược đang dốc sức đầu tư, xây dựng các nhà máy mới theo tiêu chuẩn EU–GMP. 

 So sánh 3 tiêu chuẩn sản xuất thuốc phổ biến tại Việt Nam. (Nguồn: FPTS).

Về phía Dược Hậu Giang, tháng 5/2024, nhà máy mới Betalactam được xây dựng theo tiêu chuẩn EU-GMP đã đi vào hoạt và dự kiến đạt chứng nhận EU-GMP vào năm 2025.

Việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn EU–GMP sẽ giúp công ty gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1, 2 tại kênh ETC.  Điều này từng được lãnh đạo Dược Hậu Giang nhấn mạnh tại các ĐHĐCĐ thường niên  khi cho rằng, công ty sẽ tăng khả năng trúng thầu và tăng doanh thu kênh bệnh viện khi nâng cấp các nhà máy lên các tiêu chuẩn cao. Hơn nữa, quá trình này cũng thể hiện được mục tiêu vươn tầm quốc tế của công ty, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.

Một số sản phẩm thuốc được bày bán tại cửa hàng dược phẩm. (Ảnh: Lâm Anh).

Trong năm 2024, Imexpharm tiếp tục củng cố năng lực sản xuất thuốc đạt chuẩn EU-GMP khi 1 dây chuyền cuối cùng của nhà máy IMP4 chính thức được công nhận EU-GMP, nâng tổng số dây chuyền EU-GMP lên con số 12. Như vậy, đơn vị tiếp tục dẫn đầu toàn thị trường và vượt xa các doanh nghiệp dược khác về quy mô hệ thống sản xuất EU-GMP.

Hồi tháng 10/2024, cổ đông Imexpharm cũng thông qua dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh quy mô 25.000 m2 tại Đồng Tháp. Tiêu chuẩn nhà máy là EU-GMP, công suất thiết kế dự kiến là 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm. 

Dự án này do Imexpharm làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng, trong đó 80% vốn tương đương 1.195 tỷ đồng là vốn vay. Thời gian khởi công dự kiến vào quý IV/2025, hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2028 và đưa vào vận hành từ năm 2028  - 2030.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD) cho biết, công ty đã hoàn thành xây dựng và mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị cho Nhà máy sản xuất Thuốc điều trị ung thư.

Trong đó, dây chuyền thuốc tiêm đã đạt chứng nhận GMP-WHO. Song, công ty vẫn đang trong quá trình nâng cấp dây chuyền để đạt tiêu chuẩn GMP-EU, dự kiến hoàn thành trong năm 2028-2029. Còn dây chuyền thuốc viên đã đạt chứng nhận GMP-WHO. Công ty đang trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký cho các sản phẩm sản xuất trên dây chuyền này, năm 2024 đã nộp 4 hồ sơ và sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo.

Năm 2023, Dược Hà Tây tiếp tục đầu tư xây dựng cho dự án nhà máy công nghệ cao Hataphar khu CNC Hòa Lạc. Nhà máy hiện đang trong quá trình chạy thử nghiệm và dự kiến đạt chứng nhận Japan - GMP vào năm 2025, sản xuất thương mại vào năm 2026.

Công suất tối đa của nhà máy dự kiến đạt 2 tỷ viên/năm sẽ đáp ứng được nhu cầu không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trong kế hoạch kỳ vọng đến năm 2030, nhà máy CNC Hataphar sẽ là đơn vị sản xuất biệt dược gốc đầu tiên tại Việt Nam.

Lâm Anh
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 18/05/2025 20:40
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số vụ tấn công 'vét cạn'

Số vụ tấn công vét cạn (brute-force) để dò tìm mật khẩu tại Việt Nam lên đến gần 20 triệu, chiếm 37% toàn khu vực, tiềm ẩn nguy cơ chiếm đoạt tài khoản người dùng.

Kinh doanh & Thị trường 18/05/2025 18:50
Kết quả Vietlott Mega 6/45 ngày 18/05/2025: Jackpot hơn 18,8 tỷ đồng vô chủ

Cập nhật nhanh kết quả quay số Vietlott Mega 6/45 hôm nay (18/05/2025), giải thưởng lớn jackpot giá trị hơn 18,8 tỷ đồng không tìm thấy được chủ nhân may mắn trúng giải.

Kinh doanh & Thị trường 18/05/2025 17:20
Quan điểm của ông Trump ảnh hưởng thế nào đến thị trường blockchain?

Sự trở lại của ông Donald Trump trên chính trường Mỹ đang tạo ra nhiều chuyển động trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số. Từ các phát biểu chính sách, động thái pháp lý đến sự tham gia trực tiếp của các thành viên trong gia đình ông, giới quan sát cho rằng thái độ cởi mở hơn từ chính quyền mới có thể định hình lại cách ngành công nghiệp blockchain vận hành.

Kinh doanh & Thị trường 18/05/2025 16:55
TP HCM định chuyển đổi toàn bộ xe máy công nghệ sang điện

TP HCM sẽ hoàn thiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện trong tháng 6 để lấy ý kiến.