Kinh doanh & Thị trường 04/05/2024 06:55

Cuộc gọi bất ngờ từ người giàu nhất Việt Nam và hành trình xây nhà máy từ con số 0 của VinFast chỉ sau 24 tháng

Khi mới bắt tay vào dự án VinFast, cựu giám đốc BMW Việt Nam đã từng nhận định rằng tham vọng của Vingroup trong việc xây dựng nhà máy ô tô chỉ sau 2 năm là điều vô cùng khó.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ô tô và động cơ ô tô tại Đức, ông Võ Quang Huệ đã gia nhập hãng xe hơi Đức - BMW và có 24 năm làm việc tại đây. Ông cũng là Thành viên Hội đồng trường Đại học Việt Đức, Nguyên Tổng giám đốc đầu tiên của công ty Bosch tại Việt Nam. Ông Huệ là một trong những thành viên đầu tiên của đề án VinFast do tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi xướng.

Trong tập podcast đăng tải trên kênh YouTube Vietsuccess, ông Võ Quang Huệ - nguyên Phó Tổng giám đốc tập đoàn Vingroup phụ trách đề án VinFast đã kể về cơ duyên trò chuyện với tỷ phú Phạm Nhật Vượng và lời mời tham gia sản xuất ô tô Việt Nam.

Theo đó, trong một chiều cuối tuần khi đang sắp xếp lại bàn làm việc để chuẩn bị cho một tuần làm việc mới, ông Võ Quang Huệ bất ngờ nhận được cuộc gọi mời tới gặp người đứng đầu tập đoàn Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng. Thời điểm đó, ông Huệ chưa hề biết bất cứ thông tin gì về ý định sản xuất ô tô của người giàu nhất Việt Nam.

 Ông Võ Quang Huệ được mời về Vingroup để điều hành đề án VinFast. (Ảnh chụp màn hình).

"Ông Vượng cho tôi thời hạn hai năm để đưa xe hơi Made in Vietnam - VinFast ra thị trường. Tôi nói điều đó là không tưởng, khó lắm", ông Huệ hồi tưởng. Cựu giám đốc BMW Việt Nam cho rằng Việt Nam chưa có công nghệ ô tô hay nền công nghiệp phụ trợ cho xe hơi, bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nhân công, lao động có tay nghề về ô tô. Như vậy, tham vọng của Vingroup là điều vô cùng khó.

"Dựa theo kinh nghiệm của tôi tại BMW, doanh nghiệp Đức cần 4-5 năm cho một dự án, xây dựng nhà máy sản xuất ở South Carolina (Mỹ) để cho ra dòng xe mới, vậy chúng ta có cửa gì để làm xe hơi trong vòng hai năm?", ông Huệ phản biện với tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Sau khi bàn luận và đưa ra các phương án với lãnh đạo Vingroup, ông Võ Quang Huệ bị thuyết phục với tham vọng làm xe hơi của ông Phạm Nhật Vượng và đồng ý về làm Phó Tổng Giám đốc Vingroup, phụ trách đề án VinFast.

Ông Huệ là một trong những thành viên đầu tiên tham gia đặt nền móng cho VinFast, từ xây dựng trung tâm đào tạo cho tới cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Theo nhà cựu lãnh đạo VinFast, để có thể đưa xe hơi ra thị trường trong vòng hai năm, cách khả dĩ nhất là kết hợp với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như thiết kế của Italia, động cơ đến từ Đức...

Và điều này đã vấp phải ý kiến của dư luận ở thời điểm đó, khi VinFast nêu cao cái gọi là "ô tô Made in Vietnam" nhưng không có linh kiện nào do người Việt tạo ra. Đáp trả lại những tranh cãi này, ông Huệ cho biết ngành công nghiệp ô tô đã qua một giai đoạn khác và hầu như các nhà sản xuất không còn sản xuất toàn bộ linh kiện. 

"Họ phải hợp tác với nhiều bên để sản xuất linh kiện, thậm chí kết hợp càng nhiều nhằm tối ưu chi phí sản xuất. Khách hàng quan tâm nhiều hơn đến giá thành, chất lượng sản phẩm, thương hiệu. Đó mới là bài toán cần giải quyết, chứ không phải sản xuất... Tại sao gọi VinFast là sản phẩm Việt Nam? Vì đây là công ty Việt Nam duy nhất nắm quyền phát triển những dòng xe mới của hãng, trong khi các nhà sản xuất khác đang hoạt động trong nước lại chịu sự phụ thuộc từ công ty mẹ của họ từ Nhật Bản, Hàn Quốc...", ông Võ Quang Huệ nói.

Năm 2017, tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố thành lập VinFast. Chỉ sau hai năm thai nghén, VinFast đã khai trương nhà máy sản xuất ô tô, xe máy tại KCN Cát Hải thuộc TP Hải Phòng. Dây chuyền sản xuất có sự hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới như Italia, Đức, Nhật Bản,... Bên cạnh đó, công ty cũng hợp tác với những đơn vị thiết kết nổi tiếng như Pininfarina, Ital Design, One One Lab, Torino Design...

Về làn sóng xe điện, ông Huệ tin rằng để tạo lợi thế cạnh tranh, các nhà sản xuất cần xây dựng được trung tâm nghiên cứu mạnh và công nghệ lõi đặc biệt, bên cạnh các yếu tố khác như năng lực sản xuất, chiến lược bán hàng - marketing... Theo ông Huệ, trung tâm nghiên cứu của VinFast đã được thành lập với đội ngũ có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế lẫn Việt Nam.

"Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng về các dòng xe điện với xe bus, xe máy và ô tô. Ở tuổi 65, tôi đã đi 18 thành phố thuộc 7 quốc gia trong gần một tháng, để gặp gỡ các đối tác nhằm phát triển các dòng xe mới cho VinFast, tìm hiểu khả năng sản xuất pin cho dòng xe điện trong tương lai", ông Huệ trả lời câu hỏi vì sao VinFast chọn chuyển sang làm xe điện.

Năm 2018, VinFat công bố kế hoạch sản xuất xe điện và đến đầu năm 2021, hãng đã cho ra mắt mẫu xe điện đầu tiên là VF e34. Tiếp nối sau đó, VinFast tiếp tục giới thiệu các mẫu xe nhưVF e35, VF e36, VF 8, VF 9, đồng thời chuyển đổi thành nhà sản xuất xe thuần điện, chính thức khai tử dòng xe xăng. VinFast đang nhanh chóng mở rộng các thị trường quốc tế và đang xúc tiến xây dựng nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ cũng như mở rộng đầu tư vào Indonesia.

Thành Vũ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 18/05/2024 07:46
15 tỷ phú có tài sản hơn 100 tỷ USD

Câu lạc bộ những người siêu giàu hiện có 15 thành viên có giá trị tài sản hơn 100 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử, khi họ hưởng lợi từ sự phát triển của AI, xa xỉ phẩm và biến động địa chính trị.

Kinh doanh & Thị trường 18/05/2024 07:33
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư công khai dự án nhà ở xã hội

Doanh nghiệp, chủ đầu tư phải công khai thông tin về dự án nhà ở xã hội để người dân biết, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Kinh doanh & Thị trường 17/05/2024 22:55
Mạnh tay xử lý hoạt động đa cấp biến tướng

Để ngăn chặn hoạt động đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, xử lý nghiêm hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm hệ lụy xấu cho xã hội.

Kinh doanh & Thị trường 17/05/2024 22:17
Thu hút FDI thế hệ mới - Bài 3: Bước 'chạy đà' của thị trường bất động sản

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào lĩnh vực bất động sản giữ vị trí thứ hai trong tổng vốn đầu tư, với số vốn đăng ký trong 4 tháng khoảng 1,6 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.