Vĩ Mô 08/10/2024 15:58

Đà Nẵng dẫn đầu duyên hải Nam Trung Bộ, thu ngân sách về đích trước hạn ba tháng

Theo số liệu của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, bức tranh kinh tế thành phố 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, một số ngành duy trì mức tăng cao đã đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

GRDP dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng quý III và tháng 9 năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III năm 2024 ước tăng 8,59% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng 8,09% của quý II và gấp gần 3,5 lần mức 2,49% của quý I.

Tính chung 9 tháng năm nay, GRDP của Đà Nẵng ước tăng 6,47%, gần gấp đôi mức tăng 3,94% của cùng kỳ năm trước, xếp thứ 17/63 cả nước và dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,79%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,03%; khu vực dịch vụ tăng 6,96%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,51%.

Quy mô và cơ cấu kinh tế 9 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng).

Thu ngân sách về đích trước hạn

Tính đến ngày 25/9, sơ bộ tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 19.112 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành sớm dự toán năm HĐND TP giao. 

Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 4.740 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 14.372 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nội địa đạt 16.943 tỷ đồng, chiếm gần 89% tổng thu ngân sách và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Để đạt được kết quả này, từ đầu năm đến nay, ngành thuế thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; giám sát việc sử dụng hóa đơn điện tử, kê khai thuế của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trọng điểm, doanh nghiệp có rủi ro cao trong một số lĩnh vực, ngành nghề.

Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 25/9 đạt 22.510 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 7.570 tỷ đồng, tăng 12,0%; chi thường xuyên đạt 14.908 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu gần 442 triệu USD

Ước tính quý III, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 876 triệu USD, tăng 5,6% so với quý trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 523 triệu USD, tăng 8,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 353 triệu USD, tăng 1,4% so với quý trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2,466 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,454 tỷ USD, tăng 5,1%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,012 tỷ USD, tăng 21,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng tiếp tục duy trì xuất siêu gần 442 triệu USD.

IIP tăng 5,36%, riêng ngành khai khoáng giảm 40,28%

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 của thành phố ước giảm 2,96% so với tháng trước và tăng 14,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 4 nhóm ngành chính đều giảm so với tháng trước.

Tính riêng quý III, IIP của thành phố tăng 2,92% so với quý trước và tăng 8,46% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 9 tháng năm nay, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 5,36% so với cùng kỳ năm 2023, với 3/4 nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng dương, riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 40,28%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Doanh thu du lịch lữ hành duy trì tăng trên 40%

Theo đánh giá của Cục Thống kê Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm, khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, Đặc biệt, lĩnh vực thương mại và du lịch là trụ đỡ chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của cả khu vực.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 103.607 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng cao nhất với 42,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng).

3,2 triệu lượt khách quốc tế lưu trú tại thành phố

Hoạt động du lịch luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Tính chung 9 tháng, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ tại thành phố ước đạt 8,7 triệu lượt, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 30,6%; khách trong nước đạt 5,5 triệu lượt, tăng 34,9% so với cùng kỳ.

Cục Thống kê Đà Nẵng thông tin thêm, hiện nay, khách quốc tế đến du lịch tại Đà Nẵng chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ. 

CPI tăng 3,02%, với 10/11 nhóm hàng tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Đà Nẵng quý III tăng 3,33% so với bình quân quý III năm 2023. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng gần nửa mức tăng 5,74% của 9 tháng đầu năm 2023. Trong đó, 10/11 nhóm hàng tăng giá so với bình quân cùng kỳ, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 2%.

Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân 9 tháng năm 2024 so với bình quân năm trước (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Số doanh nghiệp mới có xu hướng giảm

Tính riêng tháng 9, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 175 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 1.034 tỷ đồng, giảm 41,1% về số doanh nghiệp và giảm 20,5% về vốn đăng ký mới so với cùng kỳ 2023.

Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 25/9, tình hình đăng ký doanh nghiệp tại Đà Nẵng giảm 9% về số doanh nghiệp và giảm 27,6% về số vốn so với cùng kỳ 2023. Cụ thể, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.927 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 9.879 tỷ đồng.

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố có 1.436 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại, tăng 3,2%; 3.820 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, tăng 9,5%. Cũng trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 535 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu hút FDI giảm mạnh

Về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính từ ngày 25/8 - 25/9, Đà Nẵng đã thu hút được 389.000 triệu USD. Trong đó, có 4 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký là 349.000 USD, một dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn với tổng vốn đạt 40.000 USD; ba lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn đạt 272.000 USD. 

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 25/9, toàn thành phố thu hút được 30,97 triệu USD vốn FDI, giảm 82,0% so với cùng kỳ năm 2023, Trong đó, cấp mới 53 dự án với vốn đăng ký là 24,88 triệu USD; 19 lượt dự án với tổng vốn 4,84 triệu USD; 16 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,25 triệu USD.

Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng).

Tình hình triển khai một số công trình trọng điểm

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, giá trị vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm nay ước thực hiện 4.685 tỷ đồng, tăng 13,44% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54,32% kế hoạch vốn được giao. 

Trong đó, một số công trình hiện vẫn tồn tại vướng mắc, như: Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng được đầu tư với tổng mức đầu tư 789 tỷ đồng. Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có tổng mức đầu tư 4.825 tỷ đồng, với tổng diện tích 35 ha cũng vừa bị tạm dừng thi công các hạng mục công trình nằm trong phạm vi bảo vệ cầu đường sắt Nam Ô Km 778+155.

Từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai thi công các dự án, đặc biệt đối với các dự án công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án Đường nối cảng Liên Chiểu; dự án Bến cảng Liên Chiểu; cầu đường bộ, nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ; dự án phát triển đô thị và nhà ở xã hội…

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 08/10/2024 15:53
Ông Lê Ánh Dương bị miễn nhiệm chức Chủ tịch tỉnh Bắc Giang

Ông Lê Ánh Dương bị HĐND tỉnh Bắc Giang miễn nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp sáng 8/10.

Vĩ Mô 08/10/2024 13:47
WB: Năm 2024, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 6,1%, thấp hơn mức trước dịch COVID-19

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng chưa bằng so với trước đại dịch trong năm năm 2024. Tuy vậy, tổ chức quốc tế này vẫn giữ nguyên mức dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,1% đưa ra hồi tháng 8.

Vĩ Mô 08/10/2024 13:43
EuroCham: Hơn 50% doanh nghiệp châu Âu dự định mở rộng hoạt động tại Việt Nam

Theo EuroCham, trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Vĩ Mô 08/10/2024 12:02
Diện mạo 9 cầu bắc qua sông Hồng

Sau 70 năm giải phóng, Hà Nội đã xây thêm 8 cầu bắc qua sông Hồng, kết nối các quận huyện và với tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.