Ngày 1/4, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) và Tập đoàn Taekwang đã tiến hành Lễ ký kết thỏa thuận bàn giao Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF).
Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt được khởi công xây dựng vào tháng 7/2016 tại TP HCM. Tháng 12/2017 nhà máy NPK Hàn - Việt của KVF chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tháng 11/2023, ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau tiết lộ giá trị thương vụ tối đa khoảng 25 triệu USD. Công ty này tọa lạc tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP HCM) với diện tích khoảng 8,8 ha. Theo vị tổng giám đốc đánh giá, đây là mức giá tốt khi giá mua mặt bằng trên thị trường đã khoảng 17 triệu USD.
Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tăng sản lượng bán hàng của KVF lên 150.000 tấn và giúp công ty hết lỗ vào cuối 2024, có lãi từ 2025. Phía lãnh đạo đánh giá điều này không hề khó, khi chủ động được cả đầu ra và đầu vào của KVF.
Thương vụ M&A nhằm thâm nhập thị trường NPK ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung (trong khi nhà máy NPK hiện tại chủ yếu phục vụ nhu cầu tại khu vực Tây Nam Bộ và Campuchia). Tại khu vực Tây Nam Bộ, Phân Bón Cà Mau chiếm đến 61% thị phần.
Bên cạnh đó, khu vực nhà máy còn được sử dụng làm kho chứa nguyên liệu, có thể giúp chủ động được nguồn nguyên liệu khá cạnh tranh để cung cấp cho nhà máy.
Phân bón Cà Mau hiện đang sở hữu Nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất Urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm; Nhà máy NPK Cà Mau với công suất 300.000 tấn/năm và vừa hoàn thành chuyển nhượng Nhà máy NPK Hàn - Việt với công suất 360.000 tấn/năm.
Cuối tháng 3, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024, Phân bón Cà Mau cũng vừa được UBND tỉnh Bình Định trao Chứng nhận đầu tư. Công ty sẽ triển khai Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định với quy mô 3 ha, vốn đầu tư 120 tỷ đồng.
Đóng đô tại KCN Long Mỹ, TP Quy Nhơn, nhà máy thứ hai của Phân bón Cà Mau có chức năng sản xuất, phối trộn các loại phân bón cao cấp như NPK+TE công suất 50.000 tấn/năm; đóng gói thành phẩm 50.000 tấn/năm các loại phân bón khác cũng như lưu trữ, kinh doanh phân bón/nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm.
Công ty triển khai dự án ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025.
Tăng giá điện được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận sẽ có tác động, dù không lớn. Song việc này cũng khiến việc tiết kiệm điện được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Trong 30 phút nói lời sau cùng, bà Trương Mỹ Lan nhiều lần khóc, nói bản thân phải trả giá quá đắt, cam kết ưu tiên hàng đầu là khắc phục hậu quả.
VinFast vừa huy động lô trái phiếu trong nước có kỳ hạn 2 năm.
Novaland đã và đang xử lý 15 tài sản, trong đó đã bán thành công một tài sản và ghi nhận dòng tiền về trong nửa đầu năm.