16/04/2024 14:45

Đề xuất cho phép kinh doanh đòi nợ, xử lý hình sự những đối tượng cố tình bùng nợ

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng cần có chế tài mạnh mẽ để xử lý những đối tượng cố tình không trả nợ hay thành lập hội nhóm bùng nợ. Ngoài ra, nhiều đại diện từ ngân hàng, công ty tài chính cho rằng cần phải cho phép hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA). (Ảnh: Minh Quang).

Cần xử lý hình sự những đối tượng cố tình bùng nợ

Chia sẻ bên lề Hội thảo "Nâng cao tính lành mạnh, hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ", ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng chế tài răn đe các đối tượng chây ì không trả nợ còn chưa đủ mạnh. 

Theo ông Hùng, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có sự tăng trưởng tốt, hỗ trợ, giải quyết nhu cầu cho người dân và góp phần hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn này đến từ ngân hàng. Đến tháng 2/2024, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt hơn 2,8 triệu tỷ đồng, giảm 2,8% so với cuối 2023. Trong đó, dư nợ đến từ các công ty tài chính tiêu chỉ ở mức khoảng 138.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho vay phục vụ đời sống. 

Ngoài những khó khăn khách quan, đại diện VNBA cho biết vấn đề phải suy nghĩ nhiều hơn là tình trạng người vay vốn chây ì không trả nợ, cố tình không trả nợ, lập hội nhóm bùng nợ, bày cách trốn nợ. Tình trạng này khiến ngân hàng hạn chế xem xét, thận trọng cho vay, từ đó tạo ra khoảng trống và mảnh đất cho tín dụng đen phát triển. 

"Vấn đề này đã được phản ánh với cơ quan chức năng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tháo gỡ những nội dung này trên mạng xã hội. Bộ Công an cũng đã có chiến dịch trấn áp tội phạm tín dụng đen ở nhiều tỉnh thành", ông nói.

Tuy nhiên, xử lý đối tượng (chây ì không trả nợ, lập hội nhóm bùng nợ) chưa xảy ra. "Do chưa có trường hợp nào bị xử lý, nên họ vẫn coi thường pháp luật", Tổng Thư ký VNBA nhận định. Theo ông, cần có biện pháp xử lý mạnh vấn đề này, vì đây là những đối tượng làm ảnh hưởng đến người có nhu cầu tiếp cận vốn thực sự.

"Đây là hành vi rất xấu, vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được và phải xử lý một cách nghiêm túc. Để đẩy mạnh cho vay tài chính tiêu dùng, hạn chế nợ xấu phát sinh cần có biện pháp hết sức mạnh đối với những phần tử cố tình chây ì không trả nợ, đặc biệt những phần tử lập nhóm, bày cách bùng nợ …", ông nhấn mạnh.

"Nợ xấu tài chính tiêu dùng là 14,63%, một tỷ lệ cao chưa từng có. Nếu không có giải pháp cụ thể thì tỷ lệ này sẽ còn cao hơn rất nhiều", đại diện VNBA cảnh báo. 

Ngoài câu chuyện xử lý hình sự những đối tượng không trả nợ, lôi kéo người khác không trả nợ, ông Hùng cũng khuyến nghị ngân hàng, tổ chức tài chính tiêu dùng cần xác định rõ mục đích cho vay. 

"Không thể cho vay qua app, cho vay peer to peer (P2P - cho vay ngang hàng) được. Cứ có nhu cầu, đưa lên mạng là được vay thì không thể chấp nhận được", ông nói. Tổng Thư ký VNBA cũng cho rằng bên cho vay không thể chỉ dựa vào những hoạt động thanh toán của khách hàng để giải ngân. 

Về phía người đi vay, ông Hùng cho rằng người dân khi vay một đồng cũng cần xác định là phải trả. Trong thời gian tới, Nghị định 13 và tích hợp dữ liệu dân cư, chấm điểm tín dụng thì người dân sẽ hiểu rõ trách nhiệm tác động chấp hành nợ. Nếu không trả nợ chắc chắn sẽ gặp khó khăn từ xin việc cho tới cuộc sống khác, ông cảnh báo.

"Tôi tin chắc rằng sau khi tích hợp dữ liệu dân cư, người dân sẽ tự nguyện trả nợ. Khi người dân tự nguyện trả nợ, ngân hàng cũng phải rộng mở đón người dân, xem xét tạo điều kiện hỗ trợ về lãi quá hạn, nợ xấu, có sự dung hòa …", ông Hùng nói thêm.

 Đề xuất cho phép hoạt động đòi nợ

Cũng tại Hội thảo, các đại diện công ty tài chính, ngân hàng cho rằng cần phải cho phép lại hoạt động dịch vụ đòi nợ. Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Mcredit cho biết kinh doanh dịch vụ đòi nợ là nhu cầu thiết yếu, nhưng lại đang thiếu do đã bị cấm trong Luật Đầu tư 2020.

Mặc dù đã bị cấm, hoạt động này vẫn không hề biến mất mà trở nên biến tướng khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia. Đồng thời, lĩnh vực đòi nợ vẫn được phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. 

Do đó, ông Ninh đề xuất cần quy hoạch hoạt động này thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát rõ ràng, thay vì cấm đoán như hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank, cũng cho rằng ngành tài chính tiêu dùng đang thiếu công cụ, tổ chức thu hồi nợ chuyên nghiệp. 

"Dịch vụ thu nợ bị cấm đã để lại khoảng trống, buộc ngân hàng, công ty tài chính phải hạn chế cho vay lại", ông nói. Theo Phó Tổng Giám đốc TPBank, cần học hỏi các nước bên cạnh về quy định thu hồi nợ.

"Cần khởi tố tín dụng đen, chây ì trả nợ. Luật pháp đang nghiêng quá nhiều sang người cho vay và ít hơn đối với người cho vay. Luật pháp bảo vệ người yếu thế, nhưng chỉ nên là người yếu thế ngay tình thôi", ông Quân nhấn mạnh.  

Chia sẻ thêm, ông Quân cho biết TPBank đã triển khai hệ thống nhắc nợ tự động, ứng dụng công nghệ Big Data trong hoạt động tín dụng cũng như thành lập đơn vị thu nợ nội bộ với quy mô khoảng 300 người. Tuy nhiên, ngay cả với lực lượng này, hoạt động thu nợ của TPBank vẫn gặp khó khăn. 

Ông Quân nhấn mạnh cần phải có đội ngũ, lực lượng chuyên nghiệp khắp cả nước để hoạt động thu nợ đạt hiệu quả, còn nếu chỉ một ngân hàng hay một tổ chức thì không đủ khả năng.

Tổng Thư ký VNBA cho rằng cần phải thành lập công ty mua bán nợ chuyên nghiệp, nhưng cũng cần có những quy định, quản lý rõ ràng để tránh tình trạng thu hồi nợ bằng biện pháp côn đồ như đã phản ánh trong những năm vừa qua.

Minh Quang
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO