Vĩ Mô 04/10/2024 11:54

Đề xuất thu hút nguồn vốn trong nhân dân để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng xem xét về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Sáng ngày 4/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp tới.

Theo đánh giá của ông Thân, hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ. Chẳng hạn, việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường bộ cao tốc và đồng thời nghiên cứu triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo ông Nguyễn Văn Thân, thách thức đặt ra ở đây là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".

Do đó, Chủ tịch VINASME đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, đồng thời đề xuất sử dụng hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. 

“Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình”, ông Thân khẳng định.

Lãnh đạo VINASME cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua công nghệ, thuê chuyên gia…

Theo ông, việc này một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) (Ảnh: VGP).

Gia tăng số lượng 'đàn sếu' của nền kinh tế

Ông Nguyễn Văn Thân cho biết, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu ngân sách nhà nước và 60% lao động.

Tuy nhiên, đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp, chiếm 4% nhưng đều là những doanh nghiệp có tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp. 

Do đó, để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, VINASME kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.

Bên cạnh đó, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vì vậy, theo ông, Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để "chính thức hóa" chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được "phải" chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Mặt khác, cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.

Ông Thân chia sẻ, cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh, đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ.

Chủ tịch VINASME cũng mong muốn Chính phủ và Thủ tướng ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Ông Thân cho biết thêm, hiện tại, lượng tiền lưu thông trong thị trường tiền số đã lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ. Mặc dù Việt Nam chưa cho phép vận hành thị trường này nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. 

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 04/10/2024 12:35
Chủ tịch Viettel: Cần những sếu đầu đàn dẫn dắt doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài

Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, đầu tư ra nước ngoài rất cần có những điểm tựa. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đầu đàn, để dẫn dắt, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ để đầu tư ra nước ngoài.

Vĩ Mô 04/10/2024 11:56
Việt Nam xuất siêu gần 21 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 81,09 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cân thương mại hàng hóa thặng dư 20,79 tỷ USD.

Vĩ Mô 04/10/2024 09:39
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá 'tích cực' về kinh tế vĩ mô năm tới tăng mạnh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

Vĩ Mô 04/10/2024 09:34
Thủ tướng yêu cầu báo cáo nguồn cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2023

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại thời điểm ngày 31/12/2023.