Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Bảo hiểm MIC. (Ảnh: Diệp Bình).
Sáng nay (31/3),Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC - Mã: MIG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông như: kế hoạch kinh doanh năm 2025, tăng vốn điều lệ, miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát,...
Chia sẻ tại đại hội Chủ tịch HĐQT Uông Đông Hưng đánh giá năm 2024 là năm khó khăn với ngành bảo hiểm phi nhân thọ khi ảnh hưởng từ siêu bão Yagi khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả khoản bồi thường lớn chưa từng có.
Cùng với đó, nền kinh tế phục hồi còn chậm khiến ngành bảo hiểm phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2024, MIC từng đặt mục tiêu lợi nhuận 440 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ lãi trước thuế 308 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm 2023 và thực hiện được 70% kế hoạch. Tỷ lệ chi phí kết hợp (Combine Ratio) tăng lên 103,6%.
Cũng tại đại hội, ông Đinh Như Tuynh - Tổng Giám đốc MIC cho biết trong năm 2024 MIC ghi nhận gần 1.900 vụ tổn thất do bão Yagi, ước bồi thường hơn 500 tỷ. "Dự kiến đến tháng 6 năm nay sẽ giải quyết xong với các khách hàng", ông nói đồng thời cho biết thêm con số ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận năm trước là hơn 100 tỷ.
Ông cũng lý giải chi tiết với các cổ đông về lý do tỷ lệ bồi thường giảm, chi phí quản lý giảm, chi phí bán hàng không tăng nhưng tỷ lệ chi phí kết hợp lại tăng (theo báo cáo tài chính 2024).
Theo đó, ông cho biết tỷ lệ chi phí kết hợp tăng từ chủ yếu do thay đổi quy định về trích lập dự phòng, các khoản phí chưa được ghi nhận theo quy định mới. Trong năm 2024, dự phòng của MIC tăng thêm 158 tỷ so với năm trước, nếu loại trừ ảnh hưởng yếu tố này thì tỷ lệ này 96,3%.
Còn về tỷ lệ bồi thường giảm là do công ty đã sử dụng quỹ dự phòng cho các tình huống thiên tai, khoảng hơn 112 tỷ. Nếu không dùng quỹ này thì tỷ lệ bồi thường có thể lên tới 35,9%.
Sang năm 2025, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% cùng với triển vọng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo duy trì ở mức 10%, ban lãnh đạo MIC đặt mục tiêu kinh doanh tương đối tham vọng với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 75% (đạt gần 540 tỷ).
Cùng với đó, doanh thu bảo hiểm trong năm dự kiến tăng tối thiểu 25% so với năm trước,giữ Top 4 thị phần trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ, tỷ lệ chi phí kết hợp 95% và duy trì tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 10%.
Tổng Giám đốc Đinh Như Tuynh cho biết công ty dự báo thị trường bảo hiểm sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 10 - 15% trong 5 năm tới dựa trên cơ sở tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm còn thấp chỉ ở mức 2,3 - 2,8% (trong khi Asean là 3,5%, châu Á là 5,4% thế giới là 6,3%).
Đồng thời, thu nhập của người dân có xu hướng tăng, kinh tế tăng trưởng ổn định, xu hướng chuyển đổi số và hành lang pháp lý được hoàn thiện hơn cũng giúp thúc đẩy hoạt động bảo hiểm.
Ông đánh giá các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận hệ sinh thái lớn (từ các tập đoàn, ngân hàng) như MIC, có năng lực có sức khoẻ tài chính, năng lực tài chính tốt sẽ có nhiều cơ hội gia tăng thị phần. Ngược lại, doanh nghiệp có danh mục sản phẩm kém đa dạng, tập trung vào các sản phẩm có tỷ lệ bồi thường cao, chi phí bán hàng cao sẽ có khả năng cạnh tranh kém, có khả năng mất thị phần.
Chia sẻ về chiến lược để đối phó với bối cảnh lãi suất ngân hàng ngày càng giảm, Chủ tịch Uông Đông Hưng cho biết MIC dự kiến sẽ có sự dịch chuyển về cơ cấu tài sản đầu tư theo hướng tăng dần các khoản đầu tư cổ phiếu và trái phiếu có tiềm năng tốt.
"Chúng tôi sẽ dịch chuyển lại danh mục đầu tư với kỳ vọng VN-Index năm nay tăng trưởng từ 1.300 - 1.500 điểm.[...] việc lựa chọn các mã cổ phiếu tốt sẽ đảm bảo được câu chuyện khó khăn về lãi suất", ông Hưng chia sẻ.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, MIC dự kiến chia cổ tức tỷ lệ là 10%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Lợi nhuận dùng để chi trả cổ tức dự kiến là hơn 201 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2024 (304 tỷ).
Theo đó, công ty bảo hiểm dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ thực hiện quyền 100:5 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng 1 quyền, 100 quyền nhận 5 cổ phiếu mới). Việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ để phục vụ các hoạt động kinh doanh của MIC.
Thời gian phát hành dự kiến từ quý II - quý III/2025. Thời gian cụ thể do Hội đồng quản trị MIC quyết định trên cơ sở sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Một trong những nội dung quan trọng được trình tới các cổ đông là việc miễn nhiệm 03 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm ông Uông Đông Hưng - Chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Thuỷ - Thành viên (hiện là Thành viên Ban Điều hành MB) và bà Ngô Bích Ngọc - Thành viên chuyên trách.
Lý do được đưa ra là căn cứ theo nguyện vọng cá nhân của các Thành viên HĐQT và thông báo từ MB về việc đề cử nhân sự tham gia HĐQT của MIC trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Sau khi miễn nhiệm ba thành viên trên, HĐQT của MIC chỉ còn lại hai người là ông Đinh Như Tuynh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MIC và ông Đặng Quốc Tiến - Thành viên độc lập.
Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung ba thành viên mới vào HĐQT của MIC gồm ông Trần Minh Đạt, bà Vũ Thái Huyền và ông Chu Hải Công, đều là các cán bộ lãnh đạo lâu năm từ Ngân hàng Quân đội (MB). Cả ba thành viên đều trúng cử vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 với tỷ lệ thống nhất cao.
Ba thành viên mới của HĐQT Bảo hiểm MIC. (Ảnh: Diệp Bình).
Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông MIC cũng thông qua việc miễn nhiệm với hai thành viên Ban Kiểm soát là bà Bùi Thị Hồng Thuý và bà Hoàng Thị Tuyết Mai, đồng thời bầu bổ sung hai thành viên là bà Lê Thị Thu Trang (hiện đang làm Phó phòng - Phòng Quản lý công ty thành viên - Khối Đầu tư MB) và bà Nguyễn Thị Tươi (Chuyên gia kiểm toán của MB).
Ngoài ra, Đại hội cổ đông cũng thông qua các nội dung về thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát, dự kiến lần lượt là 2,8 tỷ đồng, tương đương 1,8% lợi nhuận sau thuế năm 2024; lựa chọn công ty kiểm toán và một số vấn đề khác trong thẩm quyền.
Thông tin ba thành viên được bầu bổ sung vào HĐQT của MIC nhiệm kỳ 2022 - 2027:
Ông Trần Minh Đạt (sinh năm 1968) là Thạc sỹ Đại học Kinh tế Quốc dân, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Ông từng công tác tại nhiều ngân hàng như Agribank, GP Bank và gia nhập MB từ năm 2008 với vị trí Giám đốc Chi nhánh Điện Biên Phủ. Hiện ông Đạt đang đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc MB (từ tháng 10/2024), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản MB (MBAMC) (từ tháng 4/2020).
Bà Vũ Thái Huyền (sinh năm 1976) là Thạc sỹ Quản trị công nghệ và phát triển doanh nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội, cử nhân Kế toán - Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Bà Huyền từng công tác tại CTCP Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (CIRI), Tập đoàn Than Khoáng sản - TKV, Công ty Tài chính Sông Đà - Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển xây dựng (DIC), Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước- Công ty TNHH (SCIC).
Bà Huyền gia nhập MB từ tháng 4/2019 và đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT từ đó đến nay.
Ông Chu Hải Công (sinh năm 1975), Thạc sỹ Kinh tế - Học viện Tài chính, cũng có nhiều năm kinh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế - tài chính. Ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính của CTCP Chứng khoán MB và Tổng công ty MBLand, Chánh văn phòng CEO của MB và hiện là Giám đốc Quan hệ công chúng của MB.