Kinh doanh & Thị trường 26/04/2024 19:28

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng

Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...

Đề nghị cổ đông chờ thêm để đại hội đủ điều kiện tiến hành

Theo chương trình, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào lúc 14h ngày 26/4. Tính đến 14h43, ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết đại hội chưa đủ tỷ lệ để tiến hành họp theo quy định, đề nghị cổ đông chờ thêm đến 15h. Trong trường hợp vẫn không đủ điều kiện tiến hành, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIG, chia sẻ thêm với cổ đông một số thông tin quan trọng.

Trước đó ĐHĐCĐ thường niên 2023 của DIG lần 1 cũng không đủ điều kiện tiến hành khi số cổ đông tham sự chỉ chiếm 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại diện DIG thông báo cuộc họp ĐH ĐC Đ thường niên 2024 chưa đủ điều kiện tiến hành, đề nghị cổ đông chờ thêm đến 15h. (Ảnh chụp màn hình).

Theo cập nhật từ ban tổ chức đến 15h13, tỷ lệ cổ đông tham dự họp đã gần đủ điều kiện tiến hành nên đề nghị cổ đông chờ thêm 30 - 40 phút. Trong thời gian này, ban điều hành sẽ báo cáo trước một số nội dung và Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ thêm về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.

"BIDV cam kết hỗ trợ dự án DIG giai đoạn 2024 - 2028"

HĐQT báo cáo trong năm 2023, DIG đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại Phân khu 2 và Phân khu 3 dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh để đủ điều kiện triển khai bán hàng trong năm 2024.

Bên cạnh đó, công ty tiến hành thông qua phê duyệt điều chỉnh các dự án: Khu Trung tâm Chí Linh (điều chỉnh TMĐT, điều chỉnh tiến độ thực hiện, bổ sung các hạng mục chung cư A2, A4, A5); Khu dân cư Hiệp Phước (điều chỉnh TMĐT, điều chỉnh tiến độ, điều chỉnh ranh dự án, bổ sung hạng mục nhà ở xã hội); Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (điều chỉnh TMĐT).

Một trong những thương vụ lớn trong năm là DIG đã chấm dứt hợp tác kinh doanh với CTCP Logistics Cái Mép, qua đó xóa bỏ phải thu dài hạn 1.000 tỷ đồng từ đơn vị này trên bảng cân đối kế toán.Ngoài ra, công ty đã mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong năm.

Về hoạt động tài chính, công ty đã được cấp tổng hạn mức vay 4.100 tỷ đồng (bao gồm hạn mức vay từ tổ chức tín dụng và trái phiếu), chuẩn bị nguồn vốn đầu tư các dự án: Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Khu đô thị du lịch Long Tân..."BIDV đã cam kết hỗ trợ DIG trong việc phát triển tất cả các dự án giai đoạn 2024 - 2028", Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tín cho biết thêm.

Đối với các dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh, Khu nhà ở Lam Hạ Center Point, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu... HĐQT chỉ đạo ban điều hành tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các phương án huy động thêm các nguồn vốn đối ứng song song, đảm bảo đủ đầu tư theo từng giai đoạn.

Ban điều hành đã rà soát, nghiên cứu một số các khu đất tại Quảng Xương - Thanh Hóa, Quảng Bình, Xuân Cảnh - Phú Yên, Núi Dinh - Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Có kế hoạch tham gia vào mảng khu công nghiệp

Năm nay DIG tập trung nguồn lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích còn lại; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội các dự án: Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Khu dân cư thương mại Vị Thanh, Khu nhà ở Lam Hạ Center Point, Khu Trung tâm Chí Linh để đủ điều kiện bán hàng và tạo nguồn thu trong năm 2024. Đồng thời, công ty tiến hành nghiên cứu hình thức đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà ở xã hội trên quỹ đất các dự án đang phát triển.

Bên cạnh đó, DIG nghiên cứu phát triển lĩnh vực mới như: Năng lượng (điện gió, điện rác), dược phẩm, logistic (đường biển, hàng không) và định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái đạt chuẩn ESG.

Công ty sẽ tham gia góp vốn thông qua mua cổ phần phát hành tăng vốn điều lệ hoặc mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu tại DIC số 2, DICons, DIC Hospitality, DIC Vision, DIC Phương Nam; góp vốn vào một đơn vị mới là CTCP Phát triển Thương mại Thiên Quang.

Mặt khác, công ty sẽ tiến hành thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị này trong năm nay: DIC Anh Em, Công ty TNHH Đại Phước Thiên Ân, DIC Hội An, CTCP Cao su Phú Riềng Kratie.

Về chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2024, DIG đặt mục tiêu doanh thu 2.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.010 tỷ đồng (năm 2023 doanh thu đạt 856 tỷ đồng và lãi trước thuế 233 tỷ đồng). Vốn đầu tư phát triển gần 7.212 tỷ đồng, trong đó đầu tư dự án hơn 6.400 tỷ đồng, còn lại là vốn góp vào các đơn vị. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 8 - 15%.

 

Muốn huy động gần 6.500 tỷ từ cổ phiếu

DIG muốn huy động gần 6.500 tỷ đồng bổ sung vốn cho nhiều dự án đang triển khai, thông qua các phương án: Chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, công ty muốn chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vớitỷ lệ 32,794% trong năm nay. Giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn có thể huy động 3.000 tỷ đồng, bổ sung vốn đầu tư dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 2 và 3 (169 Thuỳ Vân, phường 8, TP Vũng Tàu); dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh (phường 4, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang); thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành năm 2021 (900 tỷ đồng).

 Biến động giá cổ phiếu DIG. (Nguồn: Wichart.vn).

Bên cạnh đó, DIC Corp dự kiến phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu ESOP với giá 15.000 đồng/cp. Kế đến, công ty dự kiến phát hành thêm gần 30,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 và cổ phiếu thưởng. tỷ lệ thực hiện quyền đều là 2,5%. 

Cuối cùng, công ty muốn chào bán tối đa 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá chào bán không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 37,9% so với giá đóng cửa ngày 29/3 là 32.200 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm và dự kiến triển khai trong năm 2024 đến năm 2025.

Tổng số tiền dự kiến thu đợt từ đợt chào bán là 3.000 tỷ đồng sẽ được bổ sung vốn cho dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (2.000 tỷ đồng), Khu nhà ở Lam Hạ Centre Point (1.000 tỷ đồng).

Nếu hoàn tất các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của DIG sẽ tăng từ 6.099 tỷ đồng lên hơn 10.203 tỷ đồng.

 

Tiến độ các dự án đến cuối năm 2023

Khu Trung tâm Chí Linh còn khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công do chưa có mặt bằng, chưa thống nhất được tiền sử dụng đất với các cơ quan chức năng, do đó chưa nộp tiền sử dụng đất.

Khu Đô thị mới Bắc Vũng Tàu, Khu Đô thị Du lịch Long Tân vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tín cho biết "dự án Long Tân đã được chuẩn bị vốn cho quá trình triển khai, bao gồm phát hành trái phiếu và huy động từ phát hành cổ phiếu trong thời gian tới. Ngoài ra, đã có ngân hàng trong nhóm big4 cam kết hỗ trợ cho dự án này".

Tại Khu dân cư Hiệp Phước, khách hàng gặp khó khăn về tài chính nên chậm ký phụ lục hợp đồng (xây thô 17 căn còn lại). Diện tích còn lại chưa bồi thường chủ yếu đất của hộ ông Bình. Tuy nhiên, gia đình đang có tranh chấp nội bộ, chờ Tòa xét xử nên chưa thể thương lượng để bồi thường trong năm 2023.

Khu Đô thị mới Nam Vĩnh Yên chờ phê duyệt phân khu A4, chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; công tác thi công chậm do chưa có mặt bằng, chưa nộp tiền sử dụng đất do chưa xong thủ tục.

Đối với Khu đất chung cư A2 - Khu Trung tâm Chí Linh, công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng các sản phẩm tại dự án chung cư A2-1.

Hơn 16h30, đại hội đủ điều kiện tiến hành

Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. 

Cổ đông tham dự trực tiếp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG tại TP Vũng Tàu chiều ngày 26/4. (Ảnh: HT).

Chủ tịch: Đã xây dựng đề án xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng

Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn, "làm sao để tạo doanh thu ngày càng tăng, theo đó lợi nhuận tăng, vốn tăng là điều mà ban điều hành phải nghĩ tới. Trước hết, chúng tôi đã đề làm đề án xin Thủ tưởng xây hai thành phố: TP Vũng Tàu và TP Nam Thanh Hóa (một bên dọc bờ biển rất đẹp, một bên là khu công nghiệp). Công ty định hướng phát triển hai thành phố này trở thành thành phố y tế, nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sinh sống ở Việt Nam khi về già.

Chúng tôi đã có hơn 10 phiên làm việc với Nhật Bản, Hàn Quốc và đối tác cho biết sẽ tài trợ làm hai bệnh viện ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chúng tôi đang xin nâng cấp sân bay Thanh Hóa thành sân bay quốc tế, thêm sân bay vận tải để kêu gọi nhà đầu tư Nhật Bản vào".

Về du lịch, DIG có kế hoạch bán hết phần sở hữu còn lại ở khách sạn Pullman, bù lại sẽ phát triển hai khách sạn ở đường Thùy Vân, TP Vũng Tàu (trước đây là nhà nghỉ cán bộ nhân viên) và phấn đấu mua thêm một khu đất phát triển thêm 6 block khách sạn (cao nhất 32 tầng, thấp nhất 25 tầng) thuộc khu Chí Linh.

DIG cũng có kế hoạch mua lại một sân golf, trong đó có 6ha đất làm khách sạn 5 sao. Vừa rồi DIG đã thành lập công ty để quản lý sân golf sau này, có thể do người nước ngoài (Hàn Quốc hoặc Nhật Bản) điều hành. Tổng cộng công ty có khoảng 20 địa điểm trên cả nước có thể làm sân golf, trong đó khu đất ở Đồng Hới, Quảng Bình đã đền bù được phần lớn diện tích khu đất.

Ngoài ra, DIG đang quan tâm đến khoảng 4 khu đất làm khu công nghiệp và muốn tham gia đấu thầu một nhà máy điện tái tạo ở Mỹ Xuân, Bà Rịa - Vũng Tàu.

 Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIG, chia sẻ tại đại hội. (Ảnh chụp màn hình).

Phiên thảo luận

Cổ đông: Chúng ta đưa ra chỉ tiêu phấn đấu 2023 là doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ, lãi trước thuế 1.430 tỷ nhưng thực hiện rất thấp. Trong báo cáo tổng kết, lượng từ cho phần thuận lợi và khó khăn tương đương nhau. Đúng ra trong báo cáo, phần khó khăn, không đạt yêu cầu phải được nói rõ cụ thể lý do chứ không vì những yếu tố chung chung như quốc tế, khu vực, trong nước… Căn cứ khi chúng ta đặt chỉ tiêu đó là vì cái gì, cơ sở nào mà đến nay không đạt được, yếu tố nào là chủ quan, yếu tố nào là khách quan? 

Đến kế hoạch 2024, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao hơn thực trạng 2023 gấp 3 - 4 lần nghe rất sướng. Tuy nhiên, tôi cộng lại cả phần thực hiện 2023 với chỉ tiêu đạt của 2024 vẫn chưa bằng chỉ tiêu phấn đấu của năm 2023. Vậy có phải năm 2024 này chúng ta làm tiếp phần của 2023 không? Có điều gì ở năm 2023 chúng ta nhận định sai, không làm được dẫn đến hủy bỏ, năm 2024 có gì mới hơn không? Bộ phận nghiên cứu thị trường đánh giá mọi vấn đề liên quan đã chuẩn chưa, đã ổn định chưa, rút kinh nghiệm của năm 2023 chưa?

Năm 2023 chúng ta đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ 3.600 tỷ, hợp nhất 4.000 tỷ, lãi trước thuế công ty mẹ cao hơn 30 tỷ so với hợp nhất. Đây cũng là một chi tiết cần chú ý. Đến năm 2024, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận công ty mẹ và hợp nhất có sự chênh lệch hụt mất 50 tỷ. Đây có phải là dự báo lỗ ở một công ty thành viên không?

Về thù lao cho HĐQT, ban điều hành, con số này càng cao thì cổ đông càng mừng vì các anh làm lãi to, lãi nhiều, các anh xứng đáng được hưởng. Năm 2023, với chỉ tiêu đặt ra, ĐHĐCĐ đã đồng ý chi thù lao hơn 5,2 tỷ nhưng thực tế còn thừa 25 triệu. Phải chăng do điều hành không đạt kế hoạch nên các anh không nhận hay như thế nào (phân bổ chưa hết, có sự thay đổi…)?

2024 chúng ta đề nghị tăng thêm 88 triệu so với thực chi năm 2023. Việc tăng thêm này có thể hiểu một phần do trượt giá, gánh nặng trách nhiệm càng cao. Tuy nhiên, thù lao tăng thêm mà chỉ tiêu thấp hơn so với 2023. Ban điều hành có đề xuất nếu vượt chỉ tiêu sẽ được thưởng nhưng nếu không đạt chỉ tiêu giống như năm 2023 nữa thì sao? Tôi nghĩ chúng ta đề cập đến vấn đề thưởng nhưng chưa đề cập đến trách nhiệm thì chưa công bằng. 

Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tín: Kế hoạch 2024 chúng tôi làm số liệu rất kĩ để bảo vệ trước HĐQT trước khi trình ĐHĐCĐ. Trong kế hoạch lãi 1.000 tỷ, khu đô thị Đại Phước 881 tỷ, Lam Hạ Center Point 129 tỷ, Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên 87 tỷ, Vị Thanh 46 tỷ, hai dự án nhỏ khác là Hiệp Phước và Vũng Tàu Gateway khoảng 20 tỷ.

Trong quý I, chúng tôi đã tháo gỡ cơ bản pháp lý các dự án được trình bày và chúng tôi chắc chắn rằng trong 6 tháng đầu năm sẽ hoàn thành, giúp chỉ tiêu lãi 1.000 tỷ năm nay đạt kế hoạch.

Về thù lao, chúng tôi chỉ đặt ra khoảng 100 triệu/tháng/5 người, so với các doanh nghiệp cùng ngành cùng quy mô 500-700 triệu. Ở Vũng Tàu, xứ tỉnh lẻ, chúng tôi đặt ra mục tiêu như vậy và gắn bó với DIG. Nếu năm nay vượt chỉ tiêu 1.000 tỷ, chúng tôi trình đại hội cho phép thưởng một phần nhỏ cho HĐQT, tạo động lực cho 5 thành viên chỉ đạo ban điều hành. Sang năm là 35 năm DIG thành lập, chúng tôi sẽ đảm bảo các chỉ tiêu hoàn thành, đây cũng là chỉ tiêu hình ảnh để chúng tôi chào mừng kỷ niệm 35 năm.

Cổ đông: Tại sao kế hoạch sử dụng vốn từ phát hành cổ phiếu năm nay không có dự án Long Tân?

Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Tín: Chúng tôi có kế hoạch phát hành trái phiếu và đã có sẵn nguồn vốn cho dự án Long Tân khoảng 1.500 tỷ nên mục đích sử dụng vốn từ kế hoạch phát hành cổ phiếu không đưa dự án này vào. Trong kế hoạch trình cổ đông, chi phí dự kiến chỉ 1.300 tỷ đồng nên vẫn đủ nguồn vốn cho dự án Long Tân. Vốn từ phát hành cổ phiếu chúng tôi ưu tiên cho dự án khác. Nhóm big4 ngân hàng cũng đã cam kết hỗ trợ cả chục nghìn tỷ đồng sau khi chúng ta sử dụng hết vốn sẵn có hiện tại cho pháp lý, giải phóng mặt bằng dự án Long Tân. Đây là câu chuyện của năm 2025.

Đại hội kết thúc vào lúc 19h23p cùng ngày. Tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Nguyên Ngọc
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 06/05/2024 22:25
Quy định về sổ đỏ sắp tới có gì đáng chú ý?

Tại Dự thảo thông tư đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến, đề xuất có 22 trường hợp xác nhận thay đổi vào sổ đỏ đã cấp khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Kinh doanh & Thị trường 06/05/2024 20:55
Tây Ninh gọi đầu tư 21 dự án khu đô thị, nhà ở gần 500 ha

Tây Ninh muốn kêu gọi 6 dự án đô thị, 15 dự án lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở có tổng diện tích gần 500 ha.

Kinh doanh & Thị trường 06/05/2024 20:30
Quốc Cường Gia Lai không đồng ý trả hơn 2.800 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan

Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ đồng ý trả 1.441 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan, thay vì 2.882 tỷ như tòa tuyên; đồng thời yêu cầu được trả lại 6 sổ đỏ.

Kinh doanh & Thị trường 06/05/2024 19:55
Liên danh của Xuân Cầu Holdings làm khu đô thị hơn 5.500 tỷ ở Hòa Bình

Tập đoàn đa ngành đứng sau dự án Xanh Villas vừa được chấp thuận làm nhà đầu tư khu đô thị hơn 5.500 tỷ đồng tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình.