Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, thông qua nhiều kế hoạch quan trọng như: kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 7%, mua cổ phần của CTCP Chứng khoán ASEAN (ASEAN SC) và bầu bổ sung Thành viên độc lập Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Đại hội đồng cổ đông đã thông quakết quả hoạt động kinh doanh năm 2024 và kế hoạch năm 2025.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của SeABank đạt hơn 6.039 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch; tổng tài sản đạt 325.699 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Các chỉ số về hiệu suất hoạt động ROA và ROE lần lượt đạt 1,63% và 14,75%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,89%.
Trong năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.458 tỷ đồng, tăng 7% so với mức thực hiện năm 2024.ROA và ROE dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện, lần lượt lên 1,8% và 13,8%.
Cùng với đó, tổng tài sản dự kiến sẽ tăng trưởng 10%, lên mức 358.268 tỷ đồng,Tăng trưởng tín dụng của SeABank được định hướng đạt 15% so với năm 2024, tăng trưởng nguồn vốn huy động dự kiến là 16%.
Ban lãnh đạo cũng chia sẻ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ; Tổng huy động đạt 189.993 tỷ đồng; Tổng dư nợ đạt 213.048 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 333.746 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu giảm so với năm 2024, ở mức 1,84% do Ngân hàng kiểm soát tốt rủi ro tín dụng.
Nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, đồng thời tăng cường năng lực tài chính để đầu tư đẩy mạnh kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động, ĐHĐCĐ SeABank đã thông qua kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP để nâng vốn điều lệ lên 28.650 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ SeABank cũng thông qua chủ trương chào bán/phát hành cổ phiếu riêng lẻ và/hoặc cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ với tỷ lệ tối đa 20% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chào bán/phát hành.
Cùng với kế hoạch tăng vốn, SeABank hướng tới mở rộng hoạt động kinh doanh với đề án mua Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (ASEAN SC) trở thành công ty con của ngân hàng. Điều này tạo cơ hội cho SeABank đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và hệ thống phân phối, đẩy mạnh bán chéo, phát triển hoạt động đầu tư.
Theo tài liệu đại hội, CTCP Chứng khoán ASEAN được thành lập từ năm 2006 và có vốn điều lệ hiện tại 1.500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán như môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán và các hoạt động kinh doanh khác.
Dự kiến SeABank có thể mua tối đa 100% vốn điều lệ của Chứng khoán ASEAN. Tỷ lệ cụ thể sẽ do HĐQT quyết định để đảm bảo Chứng khoán ASEAN trở thành công ty con của SeABank.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025 và/hoặc phù hợp với chấp thuận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Trước đó, nội dung này từng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của SeABank.
Một trong những nội dung quan trọng khác được thông qua tại ĐHĐCĐ là việc bầu bổ sung ông Matthew Sander Hosford (sinh năm 1958, quốc tịch Mỹ) làm Thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Ông Matthew Sander Hosford được bầu làm thành viên HĐQT SeABank. (Ảnh: SeABank).
Ông Matthew Sander Hosford là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (Trường Kinh doanh Harvard) và Cử nhân khoa học (Trường Đại học Brigham Young), có hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng quốc tế uy tín, trong đó có 10 năm làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Santander (Hong Kong) và 8 năm làm chuyên gia cao cấp ngân hàng tại Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Việc bầu bổ sung ông Matthew Sander Hosford làm thành viên độc lập HĐQT nâng tổng số thành viên HĐQT của SeABank lên 8 người, trong đó có 2 thành viên độc lập và 3 thành viên người nước ngoài với nền tảng chuyên môn, kinh nghiệm và văn hóa đa dạng.