Theo Nikkei, các công ty công nghệ ở Đông Nam Á chứng kiến lợi nhuận tăng sau khi điều chỉnh chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” do giai đoạn bùng nổ sau đại dịch đã qua. Đây là kết quả từ một báo cáo ngành công bố vào ngày 5/11.
Theo nghiên cứu thường niên của Google, quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek Holdings và công ty tư vấn Bain & Co., các ngành thương mại điện tử, du lịch, vận tải và giao đồ ăn theo yêu cầu cùng các dịch vụ liên quan tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) đạt 11 tỷ USD vào năm 2024 - tăng so với con số 9 tỷ USD năm ngoái và 4 tỷ USD năm 2022.
Báo cáo “e-Conomy SEA 2024” đã ước tính lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn trong từng lĩnh vực và dùng đó làm cơ sở để dự báo cho các công ty nhỏ hơn.
“Bằng những nỗ lực bền bỉ, chúng ta đang thấy tiến bộ rõ rệt về lợi nhuận”, bà Sapna Chadha, Phó Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ trong buổi họp báo.
Lần đầu tiên được đưa vào báo cáo, con số lợi nhuận này cho thấy các “ông lớn” công nghệ trong khu vực như Shopee trong thương mại điện tử và Grab trong dịch vụ gọi xe đang cố gắng tồn tại bằng cách cắt giảm chi phí và tăng doanh thu qua việc nâng phí hoa hồng và mở rộng sang các dịch vụ mới như bán quảng cáo.
Những ngành này chuyển hướng sang tập trung vào lợi nhuận sau khi đại dịch kết thúc vào năm 2022 và lãi suất tăng cao.
Khi nhu cầu cho các dịch vụ trực tuyến suy yếu và môi trường huy động vốn khó khăn, các công ty không thể duy trì các chương trình giảm giá và khuyến mãi lớn để thu hút người dùng như trước.
Đối với phần lớn các nhà đầu tư giai đoạn đầu, ít nhất một phần tư số công ty trong danh mục đầu tư của họ đã đạt hoặc sẽ sớm đạt lợi nhuận, báo cáo cho hay.
Về từng ngành, truyền thông trực tuyến và du lịch đã đạt lợi nhuận trong năm nay, với tỷ lệ EBITDA trên doanh thu lần lượt là 45% và 15%.
Dù đã cải thiện, biên lợi nhuận của các ngành cạnh tranh hơn như thương mại điện tử và vận tải, giao đồ ăn vẫn còn âm, lần lượt ở mức -10% và -5%.
“Mô hình thương mại điện tử về cơ bản là có lợi nhuận”, ông Florian Hoppe, đối tác tại Bain & Co., cho biết và nhấn mạnh rằng tỷ lệ hoa hồng đang được cải thiện. “Chúng ta đang thấy các nguồn thu tốt từ các mảng liên quan” như quảng cáo, bảo hiểm và thanh toán tín dụng, ông nói thêm.
Tuy vậy, dù các công ty đang cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng nhanh và lợi nhuận mạnh mẽ hơn, chi tiêu trong nền kinh tế số tại Đông Nam Á vẫn đang chững lại do lạm phát và lãi suất cao.
Theo báo cáo, giá trị tổng hàng hóa (GMV) của các công ty công nghệ số - thước đo tổng doanh số bán trực tuyến - dự kiến tăng 15% lên 263 tỷ USD trong năm nay, giảm từ mức tăng 17% vào năm 2023, trong đó thương mại điện tử chiếm khoảng 60% tổng chi tiêu.
Nghiên cứu hàng năm này theo dõi xu hướng kinh tế số ở 6 thị trường trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á vẫn ở mức thấp, với chỉ 306 thương vụ đầu tư tư nhân trong nửa đầu năm nay, giảm so với 564 thương vụ vào cùng kỳ năm ngoái.
“Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói rằng ‘mùa xuân’ của nguồn vốn đã đến”, ông Fock Wai Hoong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại Temasek, nhận định.
Do ít kinh nghiệm trong việc thiết kế máy chủ trung tâm dữ liệu, Apple phải phụ thuộc vào các đối tác như Foxconn hay Lenovo.
Hà Nội vừa bổ sung loạt khu đô thị quy mô lớn vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Đông Anh.
Tổ công tác sẽ thống kê các dự án nhà ở thương mại chưa được cấp sổ hồng để xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc, phân loại và tháo gỡ.
Theo số liệu của Hội đồng Sân bay Quốc tế Thế giới (ACI World), trong năm 2023, doanh thu phi hàng không tại các sân bay toàn cầu tăng mạnh, đóng góp khoảng 30-40% tổng doanh thu.