Những năm gần đây, Nghệ An đã có sự bứt phá mạnh mẽ về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Sở Công Thương Nghệ An cho biết, trong 11 tháng năm nay, tỉnh đã thu hút được 977,83 triệu USD vốn FDI. Theo dự kiến, cả năm 2024, Nghệ An sẽ thu hút được 1,696 tỷ USD vốn FDI, gấp 10 lần mức 169,4 triệu USD của năm 2020. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 147 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 5,1 tỷ USD.
Trước đó, năm 2022, Nghệ An lần đầu lọt top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước, với tổng số vốn đăng ký đạt 961,3 triệu USD. Năm 2023, tỉnh này lần đầu ghi nhận thu hút FDI đạt trên 1 tỷ USD khi đạt tới 1,603 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, một lần nữa nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước.
Từ đầu năm tới nay, Nghệ An có 13 dự án FDI đăng ký cấp mới. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lớn, điển hình như: Dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II có quy mô sử dụng đất 50 ha, chia thành hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, dự án dự kiến sử dụng 30 ha đất, với tổng mức đầu tư 450 triệu USD. Ngày 26/3, Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt và Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda (Trung Quốc) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án.
Cuối tháng 11, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho hai dự án Luxshare - ICT (Nghệ An) và Luxshare - ICT (Nghệ An) 2. Từ tháng 6/2019, khi tập đoàn Luxshare đầu tư dự án đầu tiên tại Nghệ An, đến nay, trong Khu kinh tế Đông Nam đã có 7 dự án đầu tư thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Luxshare, 2/7 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô lao động khoảng 11.600 người, 4 dự án đang hoàn thiện xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị và một dự án đang hoàn thiện thủ tục.
Gần một tháng sau đó, ngày 18/12, tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Mega Textile - Vietnam cho Tập đoàn Best Pacific International Holdings Limited có tổng mức đầu tư 590 triệu USD, với tổng diện tích 51 ha tại Khu kinh tế Đông Nam. Đây là dự án FDI có số vốn đầu tư lớn nhất Nghệ An thu hút được trong năm nay.
Ngoài ra, Nghệ An còn một loạt các dự án FDI đang hoàn thiện và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam giai đoạn 1 với 270 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư dự án khoảng 400 triệu USD, giai đoạn 1 là 200 triệu USD; nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng thuộc Tập đoàn Juteng đầu tư giai đoạn I với 200 triệu USD dự kiến sản xuất 32 triệu sản phẩm/năm.
Dự án Sunny Automotive Quang học Vina của Tập đoàn Sunny chuyên sản xuất, gia công linh kiện quang học, lắp ráp mô đun camera, camera điện thoại di động, camera ô tô và các thiết bị điện tử khác, với công suất 60 triệu sản phẩm/năm, có tổng mức đầu tư 150 triệu USD hay một loạt dự án của Công ty TNHH KHKT Luxvisions Innovation (Nghệ An) sản xuất cụm camera cũng dự kiến chuẩn bị vận hành chính thức.
Việc các dự án FDI lớn bắt đầu đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sản xuất công nghiệp tại Nghệ An, đặc biệt trong các ngành chế biến và chế tạo.
Để giữ vững vị trí nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong ba năm qua, Nghệ An đặc biệt nhấn mạnh quan điểm “5 sẵn sàng” về các khía cạnh: Quy hoạch, hạ tầng kết nối, mặt bằng sạch, nguồn nhân lực và hỗ trợ thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.
Hiện tại, để đáp ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư, Nghệ An đã quy hoạch để mở rộng các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm, khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Hiện tại, tỉnh đang tập trung khai thác hạ tầng tại các khu công nghiệp lớn gồm: VSIP II quy mô 500 ha, Hoàng Mai II quy mô gần 350 ha và WHA khoảng 250 ha.
Đồng thời, tỉnh cũng huy động nguồn lực trong các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu như dự án đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Vinh; xây dựng các tuyến đường bộ ven biển; các tuyến đường nối đến cảng biển, sân bay...
Bên cạnh việc cải thiện hệ thống hạ tầng, "tấm thảm đỏ" trải dài đón dòng vốn FDI đổ về Nghệ An trong thời gian qua còn được tạo ra từ những nỗ lực thay đổi trong công tác thu hút đầu tư của chính quyền địa phương.
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương diễn ra ngày 18/11, ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư là cần nhận định đúng tình hình, đặt ra đúng mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để triển khai.
Địa phương cũng thực hiện đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, từ tiếp cận theo diện rộng sang tiếp cận theo điểm, tập trung vào các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là thông qua các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để xúc tiến đầu tư.
Việc điều chỉnh giá thuê đất trong các khu công nghiệp, chủ động chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư cũng là những yếu tố then chốt để tỉnh Nghệ An đạt được kết quả cao trong thu hút đầu tư FDI.
Theo đánh giá của bà Anchalee Prasertchand, Phó Chủ tịch mảng Quốc tế, Tập đoàn WHA (Thái Lan), thành công của tỉnh Nghệ An trong thu hút FDI năm nay có thể được lý giải bởi việc tỉnh đã phát huy được các lợi thế có sẵn, chính sách ưu đãi tiếp tục được duy trì, đồng thời liên tục cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả logistics.
Song song với đó, Nghệ An đã phát triển các khu công nghiệp đẳng cấp thế giới, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với nhu cầu của các nhà đầu tư toàn cầu.
“Đặc biệt, những câu chuyện thành công từ các nhà đầu tư lớn như Foxconn, Goertex hay Luxshare đã chứng minh được khả năng của Nghệ An trong việc thu hút cũng như giữ chân các nhà đầu tư”, bà Anchalee Prasertchand nói.
Được biết, Nghệ An đã đặt mục tiêu 5 năm liên tiếp nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng tỉnh cần tập trung đẩy mạnh kết nối hạ tầng đồng bộ, kết nối đầy đủ các phương thức giao thông (đường hàng không, đường thuỷ, đường bộ, đường sắt) để tận dụng tất cả lợi thế của địa phương.
Ông Tú Anh nhấn mạnh, dòng vốn FDI chỉ bền vững khi các doanh nghiệp nội địa tại khu vực đó cũng phát triển, vì doanh nghiệp FDI cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các khía cạnh như: logistics, cung ứng dịch vụ hỗ trợ.
Theo chuyên gia, Nghệ An cần tập trung đẩy nhanh chính quyền điện tử để giảm tối đa các chi phí hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, vấn đề năng lượng cũng cần được chú trọng bởi khối lượng điện và năng lượng tiêu thụ của tỉnh Nghệ An sẽ tăng cao khi thực hiện mục tiêu trên.
Để thu hút thêm nguồn vốn FDI, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mở rộng thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, hạ tầng năng lượng, từng bước chú trọng thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít sử dụng đất đai và lao động.
Tỉnh Nghệ An cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nội tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI, từng bước chuyển giao công nghệ, từng bước nội địa hóa.
Theo Bộ Giao thông vận tải, suất đầu tư khoảng 290 tỷ đồng/km của dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đang cao hơn suất vốn đầu tư dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.
Dù coi việc tổ chức cách ly tại tỉnh là cơ hội kiếm tiền, cựu phó Giám đốc Sở ngoại vụ Thái Nguyên Trần Tùng khai chỉ thu "lợi nhuận hợp lý" và tự hào khi công dân hài lòng.
Năm 2024, ngành tài chính TP HCM ghi dấu ấn lớn khi lần đầu tiên thu ngân sách vượt mốc trên 500.000 tỷ đồng, dự kiến đạt 104% dự toán năm, tăng 12% so với năm trước đó.
Loạt đường bay từ TP HCM đến các tỉnh, thành phố miền Bắc và Trung đã kín chỗ từ 23 đến 27 tháng Chạp.