Chuyển dịch năng lượng đang là xu thế của doanh nghiệp hiện nay đặc biệt là những doanh nghiệp có lượng tiêu thụ điện lớn và xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu việc chuyển đổi xanh cao như EU hay Mỹ.
Dệt may và thuỷ sản thuộc top những doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu thế này và cũng là những ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện nhất.
Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều nay (15/5), ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết lượng điện mà ngành dệt may sử dụng chiếm tới 8 - 10% tổng lượng điện mà các ngành công nghiệp tiêu thụ.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Ảnh: H.Mĩ)
Do đó, việc sử dụng điện tái tạo có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là những nơi có lượng bức xạ lớn như khu vực miền Nam và miền Trung.
“Ngành dệt may là một trong những ngành có lợi thế. Doanh nghiệp có diện tích mái nhà lớn để lắp tấm pin mặt trời”, ông Cẩm cho biết.
Tuy nhiên, theo ông cần có cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh, trong đó có vấn đề thuế. Điển hình như Bangladesh hỗ trợ giảm thuế 2% với các dự án chuyển đổi xanh. Ngoài ra, ông cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ về đào tạo nhân lực và có cơ chế bán lại lượng điện mặt trời dư thừa cho Nhà nước.
Với ngành thuỷ sản, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), chi phí điện luôn nằm trong trong 4 chi phí lớn nhất của một doanh nghiệp sau nguyên vật liệu, nhân công và bao bì. Do vậy, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm vấn đề năng lượng.
“Để giữ nhiệt độ âm 25 độ C thì cần lượng điện rất lớn trong khi toàn ngành có khoảng 1.000 nhà máy lớn nhỏ. Do vậy, giải pháp làm sao giảm tiêu thụ điện và thúc đẩy năng lượng xanh là ưu tiên của chúng tôi”, ông Nam cho biết.
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí điện, theo ông Nam, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh còn là yêu cầu của các doanh nghiệp Châu Âu và Mỹ.
“Khi một nhà máy tích cực chuyển đổi sang năng lượng sạch thì đây sẽ là điểm cộng trong thương thảo hợp đồng”, ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo đại diện VASEP hiện nay vẫn còn một vài vướng mắc ở hai nghị định mới được ban hành là Nghị định số 57/2025 và Nghị định số 58/2025 liên quan đến mức giá trần mua bán điện hoặc giới hạn công suất của hệ thống.
“Chúng tôi mong rằng đây là những điểm mà Bộ Công Thương quan tâm đến khi ban hành những hướng dẫn để chúng tôi chuyển đổi xanh, tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí”, ông Nam cho biết.
Bà Trần Thủy Tiên, Giám đốc phát triển dự án và đối ngoại Constant Energy, cho biết doanh nghiệp đã làm việc và đưa ra nhiều giải pháp chuyển đổi năng lượng tái tạo cho các đối tác. Tuy nhiên, mô hình duy nhất có thể làm được là điện mặt trời áp mái. Điểm hạn chế là mô hình này mới chỉ giải quyết được 20% nhu cầu điện của doanh nghiệp sản xuất.
Nguyên nhân là bởi hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về giấy tờ, giấy phép và các hướng dẫn chưa rõ ràng.
“Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan Nhà nước để xây dựng những thông tư, quy định mới rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định liên quan đến DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp, không thông qua EVN). Hiện tại, chúng tôi sẵn sàng hết về vấn đề kỹ thuật và nguồn vốn nhưng để triển khai vấn đề đó thì cần phải có thông tin rõ ràng từ Nhà nước.
Từ đó, chúng tôi có thể chuyển tiếp năng lượng sạch từ những “trang trại” điện mặt trời, điện gió đến các doanh nghiệp đối tác. Khi đó, mức độ chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể lên tới 100%”.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn gặp khó khăn khi muốn đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu hướng dẫn cụ thể, chưa có quy định rõ ràng từ các bộ, ngành về việc triển khai loại hình năng lượng này trong khu công nghiệp. Doanh nghiệp vì thế loay hoay không biết phải làm theo quy trình nào, tuân thủ văn bản nào, trong khi nhu cầu cắt giảm chi phí điện, tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo là rất rõ ràng và cấp thiết.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, nếu chính sách đi đúng hướng và sớm có hướng dẫn thống nhất, doanh nghiệp hoàn toàn có thể trở thành lực lượng tiên phong trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các chính sách bảo hộ đang xuất hiện trở lại dưới nhiều hình thức mới.
Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng dây đai thép nhập khẩu từ các quốc gia; trong đó, có Việt Nam.
Nhiều chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục lặng sóng tại một số khu vực trong sáng mai do heo hơi đang tạm chững giá.
Giá sầu riêng hôm nay duy trì phổ biến dưới 50.000 đồng/kg đối với loại mua xô và khoảng 70.000 - 90.000 đồng đối với loại đẹp. Trong khi đó, Campuchia đã chỉ đạo tất cả các cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt chống buôn lậu sầu riêng tươi qua biên giới.