Kinh doanh & Thị trường 28/04/2025 14:23

Doanh nghiệp lữ hành mất 70% khách online vì nạn lừa đảo qua Fanpage

Tâm lý khách hàng không muốn đặt cọc vé vì sợ lừa đảo online khiến các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng bị ảnh hượng nặng nề.

“Thời gian gần đây việc lừa đảo trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch diễn ra hết sức phức tạp và tinh vi. Bluesky Travel là đơn vị chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề bởi vì công ty đổ rất nhiều tiền để chạy quảng cáo dịch vụ. Chúng tôi đã và đang tìm đủ mọi cách để lấy lại niềm tin của khách hàng cũng như vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Nguyễn Văn Tiến - CEO Bluesky Travel, viết trên Facebook cá nhân than phiền về vấn nạn lừa đảo online.

 Du khách bên trong chợ Bến Thành, TP HCM. (Ảnh: Đức Huy).

Tiến cho biết doanh nghiệp của anh mất khoảng 70% lượng khách thông qua kênh online. “Có những khách tư vấn xong rồi nhưng nhất quyết không chuyển khoản đặt cọc vì sợ bị lừa”, Tiến chia sẻ.

Anh nói với những doanh nghiệp lữ hành như Bluesky Travel, nếu khách không đặt cọc thì họ cũng sẽ không thể đặt dịch vụ trước. Các nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, xe, vé máy bay thường khi đặt sẽ thanh toán 100%. Do đó, “khách không đặt cọc, đến ngày gần đi khách đổi ý không đi thì coi như bên mình lỗ” - Tiến chia sẻ.

Vị CEO cho hay giai đoạn sau Tết đến thời điểm hiện tại lượng khách nhu cầu du lịch trong nước tăng, song vấn nạn nhái các thương hiệu lữ hành, khách sạn,… trên không gian mạng khiến các đơn vị như công ty anh bị ảnh hưởng nặng nề.

Đối với những trường hợp khách sợ bị lừa đảo online, giải pháp của Bluesky Travel là đưa khách đến tận trụ sở văn phòng để đặt cọc. Nhưng hiện doanh nghiệp này chỉ có trụ sở tại Hà Nội. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi lượng lớn khách hàng ở các địa phương khác nếu không thể thực hiện giao dịch online.

Gặp tình cảnh tương tự, Serena Resort Kim Bôi (Hoà Bình) nói rằng đã phát hiện nhiều Fanpage giả mạo đã sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin dịch vụ, nghỉ dưỡng của họ.

Phương thức lừa đảo chính là dùng các Fanpage giả có nội dung y hệt Fanpage chính với số lượng theo dõi lớn và dùng tài khoản công ty để chiếm niềm tin của khách hàng.

Các khách hàng sau khi nhắn tin tới Fanpage giả, đã được quản trị viên mạo danh là nhân viên lễ tân của khu nghỉ dưỡng, giới thiệu dịch vụ sau đó gửi thông tin để khách hàng chuyển khoản thanh toán mua dịch vụ phòng nghỉ. Sau khi khách hàng thanh toán chuyển khoản, nhóm lừa đảo chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi, cho biết hành vi này không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng cho uy tín, hình ảnh của khu nghỉ dưỡng mà còn gây thiệt hại nặng nề và làm mất niềm tin của khách hàng.

Đầu năm nay, một phụ nữ ở Hải Phòng bị lừa hơn 1 tỷ đồng sau khi đặt phòng thông qua một Fanpage giả mạo khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình.

 

Chia sẻ với chúng tôi, TS Daisy Kanagasapapathy, Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cảnh báo rằng các vụ lừa đảo trực tuyến nhắm vào khách du lịch có thể sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.

Bà cho biết các nền tảng mạng xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ của quảng cáo lưu trú giả mạo, đại lý du lịch không có thật và các ưu đãi “siêu hời” khó tin. Kẻ gian dụ dỗ nạn nhân bằng mức giá chiết khấu, nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp và các bài đánh giá bịa đặt, làm lu mờ ranh giới giữa thật và giả. 

Đối với những du khách nhẹ dạ cả tin, các chiêu trò này không chỉ hủy hoại kế hoạch đi nghỉ mà còn khiến họ bị tổn thất về tài chính và mất lòng tin vào ngành du lịch Việt Nam.

Theo Tiến sĩ, ậu quả đối với doanh nghiệp địa phương cũng nghiêm trọng không kém. Các khách sạn và công ty lữ hành uy tín có thể mất doanh thu tiềm năng, bị tổn hại danh tiếng và buộc phải đối phó với những khách hàng giận dữ sau khi bị kẻ xấu lừa. 

“Hơn nữa, những sự việc như vậy phản ánh không tốt về ngành du lịch của Việt Nam vào thời điểm đất nước đang tích cực nới lỏng chính sách thị thực và tự quảng bá là điểm đến không thể bỏ qua”, bà Daisy lưu ý.

Bà Daisy cho biết mặc dù nhận được phản ánh liên tục từ các doanh nghiệp và du khách bị ảnh hưởng, Meta - công ty mẹ của Facebook - phản hồi khá chậm. Trong một sự cố lừa đảo mà bà chứng kiến ở Mũi Né, khách sạn bị mạo danh đã nhanh chóng báo cáo tài khoản giả cho Meta nhưng chỉ nhận được phản hồi chậm chạp và thờ ơ. “Vì trang gian lận đang trả tiền cho quảng cáo nên họ không có nhiều động lực xóa trang” - bà nói.

“Sự thiếu trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội thực sự đáng lo ngại. Mặc dù các công ty này cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ người dùng và hành động quyết liệt chống lại nội dung gian lận. Nếu không làm như vậy, du khách và hệ sinh thái đặt dịch vụ du lịch trực tuyến sẽ bị tổn hại”, bà Daisy tại RMIT Việt Nam cho hay.

 

Theo bà, kỳ nghỉ lễ sắp tới sẽ mang đến nhiều cơ hội để kẻ xấu hành động. Do đó, trước mắt, người dân phải luôn cảnh giác khi đặt vé, đặt phòng trực tuyến. Cả du khách trong nước và quốc tế đều cần trang bị kiến ​​thức để nhận diện các tài khoản đáng ngờ, tránh xa các yêu cầu thanh toán trực tiếp qua mạng xã hội và luôn xác minh thông tin đặt phòng qua các trang web chính thức hoặc nền tảng đáng tin cậy. 

Các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội ngành và cộng đồng du lịch trực tuyến cần đóng vai trò thiết yếu trong việc khuếch đại những thông điệp an toàn này. Đồng thời, những chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng nếu được xây dựng tốt cũng rất quan trọng để giúp bảo vệ du khách và ngành du lịch Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, các khách sạn và công ty lữ hành phải chủ động bảo vệ sự hiện diện kỹ thuật số của mình. Các bước thiết yếu bao gồm thường xuyên theo dõi các nền tảng trực tuyến để phát hiện hành vi lạm dụng thương hiệu, phát cảnh báo lừa đảo và tích cực khuyến khích đặt phòng trực tiếp qua các trang web chính thức.

“Cuối cùng, Việt Nam có cơ hội dẫn đầu thế giới bằng cách thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với các tài khoản mạng xã hội liên quan đến du lịch, đặc biệt là những tài khoản yêu cầu đặt cọc hoặc thanh toán bên ngoài các hệ thống đặt phòng được công nhận. 

Hệ thống huy hiệu đã xác minh (verified badge) dành cho các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch trên mạng xã hội có thể là giải pháp thiết thực, giúp du khách xác định được các doanh nghiệp hợp pháp”, vị tiến sĩ đưa giải pháp công nghệ.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 28/04/2025 18:08
Lộ diện mảnh ghép cuối cùng của Thành phố Expo Vinhomes Global Gate

Sau kỷ lục thanh khoản làm bùng nổ thị trường - với hơn 4.000 căn thấp tầng có chủ chỉ sau 8 tháng, Vinhomes Global Gate (Đông Anh, Hà Nội) tiếp tục gây bão khi sắp ra mắt quỹ căn thương mại dịch vụ Boutique Gate, cũng là cơ hội cuối cho các nhà đầu tư đã bỏ lỡ cơ hội trước đây.

Kinh doanh & Thị trường 28/04/2025 16:55
ĐHĐCĐ CenLand: Đầu tư dự án NOXH tại Hà Nam và Quảng Ninh, Phó Chủ tịch VNDirect làm thành viên HĐQT

Điểm nhấn đáng chú ý tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay của CenLand là kế hoạch làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, ông Mai Hữu Đạt được bầu vào vị trí thành viên HĐQT.

Kinh doanh & Thị trường 28/04/2025 15:56
Xanh SM rục rịch tiến vào mảng giao đồ ăn: Thị trường khốc liệt liệu có cơ hội cho tân binh của ông Phạm Nhật Vượng?

Xanh SM đang có những động thái cụ thể để tiến vào mảng giao đồ ăn - vốn là sân chơi của ShopeeFood và GrabFood.

Kinh doanh & Thị trường 28/04/2025 15:29
Toan tính của THACO khi ôm HAGL Agrico: Có ‘cửa ngõ’ để mở rộng kinh doanh sang Lào – Campuchia

Sau khi mua lại HAGL Agrico, THACO đã thuận lợi mở rộng hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình sang Lào và Campuchia. Việc HAGL Agrico đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho Chính phủ Lào, có thể giúp THACO suôn sẻ hơn khi muốn nhảy vào mảng logistic ở đất nước này trong tương lai.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO