Thống kê trên Wichart tính đến ngày 4/2 cho thấy, trong tổng 878 công ty trên HOSE, HNX và UPCoM, có 100 doanh nghiệp thua lỗ với tổng số lỗ ròng cả năm 2024 hơn 21.000 tỷ đồng.
Số liệu cũng cho thấy có 21 doanh nghiệp thua lỗ trên trăm tỷ đồng, trong đó có tới 11 công ty đang niêm yết trên HOSE, 8 công ty đang giao dịch trên UPCoM và chỉ 2 đơn vị đến từ sàn HNX.
Trong những doanh nghiệp lỗ lớn năm vừa rồi, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) đứng đầu bảng với mức lỗ ròng kỷ lục lên tới 6.412 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 606 tỷ đồng.
Năm qua, Novaland ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 91% lên 9.073 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đóng góp khoảng 8.360 tỷ đồng. Biên lãi gộp gần như bằng 0.
Trong mức lỗ ròng kỷ lục hơn 6.412 tỷ đồng, công ty có khoản lỗ khác 1.894 tỷ đồng (riêng tiền phạt chậm nộp thuế chiếm hơn 1.600 tỷ).
Novaland cho biết, khoản lỗ trên phần lớn do trích lập dự phòng ở kỳ báo cáo bán niên theo quan điểm riêng của đơn vị kiểm toán liên quan đến tiền thuê, sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án Lakeview City (TP Thủ Đức, TP HCM).
Năm 2024, Novaland đặt kế hoạch doanh thu hơn 32.500 tỷ đồng và lãi trên 1.000 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới thực hiện được 28% kế hoạch doanh thu và không thể hoàn thành mục tiêu có lãi.
Masan High - Tech Materials (Mã: MSR) tiếp tục có trong danh sách những doanh nghiệp lỗ lớn trong năm 2024 khi cả bốn quý đều thua lỗ. Tổng mức lỗ ròng cả năm qua là 1.638 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 1.576 tỷ năm 2023. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất của công ty sở hữu mỏ Núi Pháo.
Vấn đề của MSR là chi phí lãi vay hàng nghìn tỷ đồng và chi phí thuế TNDN hiện hành và chi phí thuế TNDN hoãn lại lớn. Năm vừa rồi, công ty phải trả hơn 2.284 tỷ đồng chi phí tài chính, tổng chi phí thuế TNDN hơn 652 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2024, tổng dư nợ tài chính của Masan High-Tech Materials đạt trên 12.000 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nguồn vốn, song đã giảm khoảng 4.500 tỷ đồng sau một năm.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HAG) lại tiếp tục có một năm kinh doanh trượt dốc khi báo lỗ ròng 1.277 tỷ đồng và là năm thứ 4 liên tiếp báo lỗ trên nghìn tỷ. HAGL Agrico cũng là một trong 4 doanh nghiệp trên cả ba sàn có mức lỗ trên 1.000 tỷ đồng năm 2024.
Thua lỗ năm 2024 đã nâng tổng lỗ luỹ kế của công ty tăng lên 9.379 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 1.641 tỷ.
Điểm sáng trong tình hình tài chính của HAGL Agrico là công ty đã hoàn tất trả nợ với CTCP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, theo Thỏa thuận cam kết ba bên (HAGL- BIDV - HAGL Agrico). Tổng số tiền công ty đã thanh toán là 4.228 tỷ đồng. Trong đó, công ty thanh toán trực tiếp cho BIDV khoản vay trị giá 2.094 tỷ đồng và trả cho HAGL liên quan đến trái phiếu HAGLBOND16.26 phát hành năm 2016 số tiền 2.134 tỷ đồng.
Danh sách doanh nghiệp lỗ lớn năm vừa rồi có sự góp mặt của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGenco 3 - Mã: PGV) khi lợi nhuận âm gần 901 tỷ đồng, trong khi năm 2023 công ty vẫn có lãi hơn 1.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp năm vừa rồi của EVNGenco 3 đạt 2.990 tỷ đồng. Song áp lực của công ty đến từ chi phí tài chính khi năm vừa rồi, công ty phải trả hơn 3.600 tỷ đồng cho khoản mục này, riêng chi phí lãi vay là hơn 2.261 tỷ đồng. Cộng thêm các chi phí hoạt động khác nên cả năm 2024, công ty sản xuất điện này lỗ nặng nhất kể từ khi lên UPCoM (2018).
Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ vay của EVNGenco3 là 31.759 tỷ đồng, chiếm 60% trong tổng nguồn vốn, giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Còn so với cuối năm 2018 - thời điểm sau khi tổng công ty hoàn tất cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn, vay nợ thuê tài chính đã giảm tới gần một nửa.
Một số công ty bất động sản lỗ lớn năm qua như CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG) lỗ 778 tỷ đồng, Thuduc House (Mã: TDH) lỗ 288 tỷ, DRH Holdings (Mã: DRH) lỗ 197 tỷ, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM) lỗ 127 tỷ.
Ba công ty thép lỗ đậm trong năm vừa rồi là Thép SMC (Mã: SMC) lỗ 270 tỷ và Thép Tiến Lên (Mã: TLH) lỗ 586 tỷ đồng, Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) lỗ 150 tỷ.
Nói thêm về Thép SMC, bức tranh tài chính liên tục ảm đạm từ năm 2022 khi doanh nghiệp đối mặt với loạt khó khăn chưa từng có, từ giá thép lao dốc, thị trường bất động sản đình trệ đến áp lực tài chính nặng nề. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện, song vẫn chưa thể hái "trái ngọt". Nếu tính cả năm 2024, SMC đã có ba năm thua lỗ liên tiếp và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE.
Báo cáo tài chính cho thấy SMC còn đang có các khoản nợ khó đòi tại hệ sinh thái Novaland lên đến 742 tỷ đồng, cùng với các doanh nghiệp khác như Hưng Thịnh Incons...
Để cải thiện dòng tiền và cân đối tài chính, SMC đã quyết định rao bán nhiều tài sản bất động sản quan trọng giúp công ty thu hẹp khoản lỗ so với 2023.
Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng khẳng định, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng tạo mọi thuận lợi để nhà đầu tư hoạt sản xuất kinh doanh thuận lợi.
Nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II/2024, Nhà Từ Liêm báo lãi kỷ lục hơn 600 tỷ đồng trong năm tài chính vừa qua.
Công ty này liên tục báo lãi lớn ngay cả giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản, hơn 300 tỷ trong năm 2022 và hơn 1.160 tỷ trong năm 2023. Trong năm 2024, công ty chi hơn 3.000 tỷ để chuyển nhượng và đặt cọc mua cổ phần.
Quý cuối năm 2024, cả Vinamilk và Sữa Quốc tế Lof đều chịu áp lực chi phí khiến kết quả lợi nhuận về mức thấp trong nhiều quý liền.